Mỹ - Trung leo thang căng thẳng trong lĩnh vực truyền thông

Căng thẳng trong lĩnh vực truyền thông giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang khi Bắc Kinh chính thức thông báo các biện pháp trả đũa.

Ngày 18-3, Tân Hoa xã dẫn thông báo của Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh, vừa qua, chính quyền Washington đã áp đặt nhiều hạn chế đối với các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng như nhân viên các cơ quan này tại Mỹ. Điều đó gây khó khăn cho hoạt động tác nghiệp bình thường cũng như khiến các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc hoạt động tại Mỹ phải “chịu sự phân biệt đối xử ngày càng lớn”. Kịch liệt phản đối và lên án động thái của Mỹ, thông báo khẳng định Trung Quốc hoàn toàn có quyền đáp trả. Thông báo nêu rõ các biện pháp trả đũa dưới đây có hiệu lực ngay lập tức.

Một là, đáp trả việc Washington xác định 5 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc hoạt động tại Mỹ là “cơ quan đại diện nước ngoài”, Bắc Kinh yêu cầu các chi nhánh của các cơ quan truyền thông Mỹ là Voice of America, The New York Times, The Wall Street Journal, The Washington Post và Time phải kê khai thông tin về nhân viên, tài chính, tài sản cố định và hoạt động tại Trung Quốc.

 Các phóng viên tham dự một cuộc họp báo tại Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa xã.

Các phóng viên tham dự một cuộc họp báo tại Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa xã.

Hai là, đáp trả việc Washington cắt giảm quy mô nhân sự của các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc hoạt động tại Mỹ, Bắc Kinh yêu cầu các nhà báo Mỹ làm việc cho các tờ The New York Times, The Wall Street Journal và The Washington Post phải nộp lại thẻ tác nghiệp trong vòng 10 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ không được phép tiếp tục làm việc tại Trung Quốc, kể cả tại các đặc khu hành chính Hồng Công và Macao.

Theo Tân Hoa xã, thông báo của Chính phủ Trung Quốc cũng nhấn mạnh sẽ áp đặt các biện pháp đáp trả tương tự trước việc Mỹ áp đặt các hạn chế mang tính “phân biệt đối xử” đối với các nhà báo Trung Quốc liên quan đến các vấn đề như cấp thị thực (visa) tác nghiệp.

Thông báo của Chính phủ Trung Quốc nêu rõ, các biện pháp đáp trả nói trên là hoàn toàn cần thiết và chính Washington đã buộc Bắc Kinh phải hành động. “Nếu Mỹ chọn tiếp tục đi sai con đường thì sẽ nhận thêm nhiều biện pháp đáp trả khác của Trung Quốc. Các cơ quan truyền thông và nhà báo nước ngoài hoạt động tuân thủ luật pháp và các quy định luôn được hoan nghênh tại Trung Quốc và sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ phía chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi các cơ quan truyền thông và nhà báo nước ngoài đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa Trung Quốc và các nước trên thế giới”, thông báo khẳng định.

Cùng ngày, tờ The South China Morning Post dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ lấy làm tiếc trước việc Bắc Kinh chính thức thông báo các biện pháp trả đũa. Ngoại trưởng Mike Pompeo hy vọng Trung Quốc sẽ xem xét lại quyết định của mình.

Các biện pháp đáp trả của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh hồi tháng 2 vừa qua, chính quyền Mỹ thông báo sẽ siết chặt quy định đối với 5 cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ, bao gồm: Tân Hoa xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc thuộc Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc và các cơ quan phát hành Nhân Dân nhật báo và Trung Hoa nhật báo phiên bản tiếng Anh. Theo đó, Mỹ đã xác định 5 cơ quan truyền thông nói trên của Trung Quốc là “cơ quan đại diện nước ngoài”. Thay đổi này đồng nghĩa với việc họ cần phải có sự chấp thuận của Chính phủ Mỹ để mua hoặc thuê văn phòng làm việc tại Mỹ và sẽ phải đăng ký sự thay đổi nhân sự với Bộ Ngoại giao Mỹ. Tới đầu tháng 3 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại thông báo chính quyền Washington sẽ thực hiện giới hạn nhân sự đối với 5 cơ quan truyền thông nói trên của Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ sẽ quy định số lượng các công dân Trung Quốc được phép làm việc cho các cơ quan này tại Mỹ.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/my-trung-leo-thang-cang-thang-trong-linh-vuc-truyen-thong-612676