Mỹ - Trung 'làm khó' ASEAN

Nếu Mỹ hay ASEAN mạnh mẽ hơn thì có thể khiến Trung Quốc cẩn trọng và cân nhắc hơn trong các động thái của mình.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, và giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh đã nhận định như vậy khi trả lời phỏng vấn TG&VN bên lề Hội nghị ASEAN và quan hệ Trung – Mỹ: Những chuyển động mới và tác động tới khu vực.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.

Trong năm nay, Tòa Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA) ở La Haye, Hà Lan sẽ đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp Biển Đông. Vậy theo Tiến sĩ, trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông leo thang như hiện nay, Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào với phán quyết này?

Trung Quốc đã bày tỏ lập trường lâu nay rằng họ không thừa nhận thẩm quyền của tòa PCA, vì vậy, họ sẽ không tuân thủ thực hiện bất kỳ phán quyết nào của PCA liên quan tới vụ kiện này. Tôi cho rằng phản ứng đó của Bắc Kinh sẽ tác động tiêu cực, sẽ là “vết đen” đối với hình ảnh của nước này trên trường quốc tế bởi Trung Quốc vẫn luôn tuyên bố mình là một thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.

Nhiều người đặt câu hỏi Việt Nam có nên sử dụng biện pháp trọng tài để giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc hay không. Theo tôi, khía cạnh pháp lý vẫn sẽ là một biện pháp mà chúng ta có thể cân nhắc, xem xét như một “viên đạn dự phòng”. Thứ nhất, cần xác định sẽ bắn viên đạn đó ở đâu, khi nào, nhắm mục tiêu gì. Ví dụ, nếu tiến hành một vụ kiện với phương thức hay nội dung như Philippines đã làm thì sẽ không cần thiết. Thứ hai, “viên đạn” này một khi đã được bắn ra thì khó có thể thu hồi, nó có thể tác động lâu dài tới quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Vì vậy, chúng ta cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, trường hợp của Philippines chính là một bài học điển hình.

Theo ông, vấn đề Biển Đông sẽ được đề cập như thế nào trong ASEAN dưới sự điều phối của Chủ tịch ASEAN – Lào trong năm nay?

Tôi tin rằng Lào sẽ không lặp lại sai lầm của Campuchia trước đây và cố gắng cân bằng quan hệ giữa các nước ASEAN với Trung Quốc. Cùng với đó, quốc gia thuộc nhóm kém phát triển hơn trong Hiệp hội này cũng sẽ nỗ lực có các sáng kiến để thúc đẩy hợp tác, bảo vệ hòa bình, an ninh cũng như ổn định của khu vực.

Ông nhìn nhận như thế nào về xu hướng quan hệ Mỹ - Trung hiện nay? Xu hướng này tác động như thế nào tới vị thế và vai trò của ASEAN trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương?

Về dài hạn tôi cho rằng quan hệ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục theo xu hướng gia tăng cạnh tranh, gia tăng đối đầu. Thực tế này đặt ASEAN vào thế lưỡng nan bởi vì Hiệp hội không muốn lựa chọn phải nghiêng về phía Mỹ hay Trung Quốc. Khi cạnh tranh giữa hai cường quốc này càng cao thì ASEAN càng khó khăn trong việc cân bằng quan hệ với hai nước.

Tuy nhiên, tôi nghĩ khó khăn nhưng không hoàn toàn là tuyệt vọng. ASEAN vẫn có thể có vai trò trong việc quản lý mối quan hệ Trung – Mỹ tại những cơ chế hợp tác khu vực mà ASEAN làm chủ đạo.

Để làm được điều này, việc quan trọng nhất là ASEAN phải giữ được vai trò trung tâm trong các cấu trúc an ninh khu vực vì nếu như Washington hay Bắc Kinh thành công trong việc dịch chuyển các cấu trúc an ninh khu vực ra khỏi ASEAN thì các cơ chế mà hai bên đặt ra sẽ trở thành công cụ để họ kiểm soát các vấn đề trong khu vực nhằm phục vụ các lợi ích của riêng mình. Kịch bản này cũng sẽ làm gia tăng cạnh tranh Trung – Mỹ.

Nếu như ASEAN giữ được vai trò trung tâm thì Hiệp hội có thể góp phần điều phối mối quan hệ Mỹ - Trung tốt hơn, giúp hai bên can dự được với nhau, đồng thời không cạnh tranh một cách quá công khai hoặc ở cấp độ vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Thách thức trước mắt đối với vai trò trung tâm của ASEAN, theo tôi là từ phía Trung Quốc. Ví dụ, Bắc Kinh đã nâng cấp diễn đàn Hương Sơn để đối trọng với diễn đàn Đối thoại Shangri-La do các nước ASEAN chi phối. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cũng nằm trong kế hoạch muốn chi phối kinh tế khu vực của Trung Quốc. Về phía Mỹ, tôi cho rằng Washington khá ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, điều này thể hiện qua tuyên bố Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN tại Sunnylands (Mỹ).

Theo ông, thông điệp chính mà Mỹ và ASEAN muốn phát đi sau Hội nghị tại Sunnylands là gì?

Hội nghị Sunnylands có ý nghĩa quan trọng, thể hiện rằng Mỹ và ASEAN đang có sự xích lại gần nhau. Nhưng mối quan hệ này vẫn cần nhiều thời gian để phát triển thực chất. Hội nghị phát đi một thông điệp tới Trung Quốc rằng Mỹ và ASEAN sẵn sàng làm việc với nhau nhiều hơn để cân bằng sức ép từ phía Trung Quốc.

Mặc dù vậy, tôi nhận định trong khoảng ngắn hạn từ một đến hai năm tới thì tình hình vẫn sẽ tiếp diễn như lâu nay là Trung Quốc tìm cách lấn lướt và Mỹ, ASEAN tìm cách đối phó lại. Nếu Mỹ hay các nước ASEAN có những biện pháp mạnh mẽ hơn thì có thể tạo ra một động lực mới khiến Trung Quốc phải cẩn trọng và cân nhắc hơn trước các động thái của mình.

Giáo sư Tan See Seng, Viện nghiên cứu quốc phòng và chiến lược, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore chia sẻ với TG&VN tại Hội thảo:

"ASEAN đang rất quan tâm tới những hành động đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông. Trung Quốc không chỉ đưa ra tuyên bố chủ quyền mà còn đang quân sự hóa vùng biển quan trọng này. Điều mà nhiều nước trong khu vực trong đó có Singapore với vai trò là quốc gia hiện đang điều phối quan hệ Trung Quốc – ASEAN mong muốn là sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Về mối quan hệ Mỹ - Trung, sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ của hai nước lớn này thực sự là một điều tồi tệ với ASEAN, Hiệp hội phải nỗ lực điều phối để ngăn căng thẳng leo thang. Tuy nhiên, giả định mối quan hệ Mỹ - Trung chỉ đơn thuần là hợp tác và tăng cường liên kết, đây cũng sẽ là một điều tồi tệ đối với ASEAN".

Phạm Hằng

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/my-trung-lam-kho-asean-28176.html