Mỹ - Trung lại căng thẳng vì cuộc chiến truyền thông

Quan hệ Mỹ-Trung mới được cải thiện sau khi hai bên ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi tháng 1 vừa qua thì lại vướng vào căng thẳng mới.

Trong một tuyên bố ngày 3-3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh có quyền đưa ra các biện pháp đáp trả quyết định của Washington hạn chế số lượng nhà báo Trung Quốc được phép làm việc tại những văn phòng đại diện các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc ở Mỹ.

Trước đó, ngày 2-3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo, Washington sẽ thực hiện giới hạn nhân sự đối với 5 đơn vị báo chí, truyền thông nhà nước Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ sẽ quy định số lượng các công dân Trung Quốc được phép làm việc cho các đơn vị truyền thông trên tại Mỹ.

 Văn phòng của Tân Hoa xã tại New York. Ảnh: New York Times

Văn phòng của Tân Hoa xã tại New York. Ảnh: New York Times

Theo quy định mới của Washington, đến ngày 13-3 tới, 5 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, gồm: Tân Hoa xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc thuộc Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc và các cơ quan phát hành Nhân Dân nhật báo và Trung Hoa nhật báo phiên bản tiếng Anh sẽ chỉ được phép tuyển dụng tối đa 100 người Trung Quốc, giảm so với con số khoảng 160 nhân viên hiện nay. Mỹ không nêu rõ sẽ trục xuất 60 nhân viên còn lại, nhưng đa số dự kiến buộc phải về nước, dù về mặt lý thuyết, họ có thể tìm việc làm khác tại Mỹ. Nhiều khả năng, Tân Hoa xã bị ảnh hưởng nhiều nhất và sẽ chỉ được phép duy trì 59 nhân viên Trung Quốc làm việc tại Mỹ.

Một quan chức ngoại giao Mỹ cho biết thêm, những cơ quan truyền thông nhà nước kể trên sẽ không bị cấm tuyển dụng nhân viên mang các quốc tịch khác. Trong khi đó, những công dân Trung Quốc làm việc cho các đơn vị truyền thông khác tại Mỹ cũng không bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế. Số liệu chính thức cho thấy, năm ngoái, Mỹ đã cấp thị thực thuộc diện báo chí cho 425 công dân Trung Quốc, trong đó có các thành viên gia đình nhà báo.

Phát biểu trước báo giới ngày 3-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định, quyết định của Mỹ về cơ bản đồng nghĩa với việc một số nhà báo Trung Quốc sẽ bị trục xuất khỏi Mỹ và những hành động mới nhất này của Washington đã gây tác động tiêu cực nghiêm trọng tới quan hệ song phương.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc xuất phát từ ngày 18-2, sau khi các quan chức Mỹ thông báo sẽ siết chặt quy định đối với 5 cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ. Washington đã xác định 5 cơ quan trên của Trung Quốc là "cơ quan đại diện nước ngoài". Thay đổi này đồng nghĩa với việc họ cần phải có sự chấp thuận của Chính phủ Mỹ để mua hoặc thuê văn phòng làm việc tại Mỹ và sẽ phải đăng ký sự thay đổi nhân sự với Bộ Ngoại giao Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cho quyết định này là "không hợp lý và không thể chấp nhận được”. Ngay sau đó, ngày 19-2, Chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ thu hồi thẻ tác nghiệp của 3 phóng viên tờ The Wall Street Journal (WSJ) và trục xuất những người này về nước do liên quan tới một bài bình luận chỉ trích Trung Quốc đăng tải trên tờ báo này.

Giới phân tích nhận định, cuộc chiến truyền thông giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay có thể làm tác động đến thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà hai nước ký kết hồi tháng 1 vừa qua. Theo thỏa thuận trên, Trung Quốc đồng ý hủy kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ và đồng ý mua thêm hàng hóa Mỹ, với cam kết tăng nhập khẩu ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa, dịch vụ và mua thêm 32 tỷ USD lúa mì, ngô của Mỹ trong hai năm tới. Đổi lại, Mỹ đồng ý xóa tên Trung Quốc khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ; giảm thuế đối với 120 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ từ 15% xuống còn 7,5% và hủy kế hoạch đánh thuế 15% đối với 160 tỷ USD hàng hóa khác nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 15-12-2019. Thỏa thuận này cũng đang bị tác động không nhỏ bởi dịch Covid-19.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/my-trung-lai-cang-thang-vi-cuoc-chien-truyen-thong-611387