Mỹ - Trung khẩu chiến trước hội đàm

Đô đốc Philip S. Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, cáo buộc Bắc Kinh xây 'Vạn lý Trường thành tên lửa' trên biển Đông

Trong dấu hiệu báo trước cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung Quốc sắp tới sẽ vấp phải không ít khó khăn, Bắc Kinh đã hủy cuộc đàm phán thương mại dự kiến diễn ra ở Washington trong tuần này sau cuộc khẩu chiến tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea cuối tuần rồi.

Khó có đột phá

Tờ South China Morning Post tiết lộ một phái đoàn Trung Quốc hôm 18-11 tiếp tục hủy kế hoạch đến Mỹ sau Lễ Tạ ơn (ngày 22-11). Trước đó không lâu, chính phái đoàn trên cũng có bước đi tương tự, khiến một số nhà phân tích dự báo khả năng Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đặt chân đến Mỹ trong những ngày tới là rất thấp.

Khi được hỏi về động thái trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 19-11 không trả lời trực tiếp mà chỉ nói các nhóm kinh tế của 2 nước vẫn duy trì tiếp xúc chặt chẽ theo sau cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump 2 tuần trước. Tuy nhiên, ông Cảnh không cung cấp thông tin về bất kỳ sự kiện nào có liên quan đến cuộc gặp sắp tới giữa ông Tập và ông Trump bên lề Hội nghị Cấp cao nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina vào cuối tháng này.

Cuộc gặp trên diễn ra không lâu trước khi mức thuế Mỹ đánh vào hàng nhập khẩu Trung Quốc dự kiến tăng lên 25% từ ngày 1-1-2019. Dù vậy, cơ hội để 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đạt được đột phá không nhiều bởi không bên nào cho thấy sự nhượng bộ cần thiết. Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao APEC, ông Tập Cận Bình một lần nữa lên án chiến lược thương mại "được ăn cả, ngã về không" của Washington và kêu gọi giải quyết bất đồng giữa 2 nước thông qua tham vấn.

Đáp lại, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo Bắc Kinh rằng ông Donald Trump không vội vàng khép lại cuộc chiến thương mại được phát động vào đầu năm nay và sẵn sàng "tăng hơn gấp đôi" mức thuế đã áp lên 250 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bìa trái) và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (bìa phải) tại Hội nghị Cấp cao APEC ở Papua New Guinea hôm 18-11. Ảnh: AP

Hai thách thức lớn

Theo tờ South China Morning Post, mâu thuẫn gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ khiến Hội nghị Cấp cao APEC lần đầu tiên không ra được tuyên bố chung trong 25 năm hoạt động của diễn đàn mà còn đe dọa phủ bóng lên các cuộc đàm phán thương mại sắp tới.

Trong tuyên bố cuối ngày 19-11, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng kết cục này xuất phát từ "một số nền kinh tế kiên quyết áp đặt luận điểm riêng lên các bên khác, biện minh cho chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, không chấp nhận những sửa đổi thích hợp của Trung Quốc và các nước khác". Reuters nhận định dù không nêu đích danh, tuyên bố này dường như ám chỉ Mỹ.

Giới quan sát nhận định với tờ South China Morning Post rằng những gì diễn ra tại Papua New Guinea phản ánh cuộc đối đầu địa chính trị Mỹ - Trung ngày một căng thẳng, đồng thời dự báo Washington sẽ tìm cách tăng sức ép tối đa lên Bắc Kinh trước thềm cuộc gặp tại Argentina. Ông Liu Weidong, chuyên gia tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh là bên chịu áp lực lớn hơn trong cuộc chiến thương mại hiện nay.

Theo chuyên gia này, Bắc Kinh có thể phải làm điều gì đó về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và giảm thuế nhập khẩu để chấm dứt chiến tranh thương mại. Trong khi đó, ông Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Nhân dân Trung Quốc, nhận định vẫn còn hy vọng về một "thỏa thuận ngừng bắn" nhưng điều này phụ thuộc vào nội dung đòi hỏi của Washington.

Khả năng 2 nước tìm được tiếng nói chung về thương mại còn gặp khó bởi những bất đồng khác. Ông Patrick Murphy, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, hôm 19-11 tuyên bố Washington muốn duy trì tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Trung Quốc bất chấp cuộc chiến thương mại nhưng sẽ không nhượng bộ Bắc Kinh trong 2 vấn đề biển Đông và Đài Loan. Theo ông Murphy, đây là những thách thức lớn nhất đang cản trở quan hệ Mỹ - Trung hiện nay và Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm chính vì làm phức tạp hóa và gia tăng mức độ nghiêm trọng của chúng.

Trước đó vài ngày, Đô đốc Philip S.Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, cáo buộc Trung Quốc xây "Vạn lý Trường thành tên lửa" ở biển Đông thông qua việc triển khai tên lửa đất đối không trên các đảo nhân tạo xây phi pháp.

HOÀNG PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-trung-khau-chien-truoc-hoi-dam-20181120230707024.htm