Mỹ- Trung 'đình chiến': Đừng vội lạc quan

Thỏa thuận đình chiến thương Mại Mỹ-Trung khiến các Cty và nhà đầu tư háo hức, nhưng không có dấu hiệu cho thấy hai bên đã thay đổi lập trường trong cuộc chiến đang đe dọa sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Thỏa thuận đình chiến thương Mại Mỹ-Trung khiến các Cty và nhà đầu tư háo hức, nhưng không có dấu hiệu cho thấy hai bên đã thay đổi lập trường trong cuộc chiến đang đe dọa sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Mỹ sản xuất ô-tô xuất sang Trung Quốc, thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Ảnh: BBC

Mỹ sản xuất ô-tô xuất sang Trung Quốc, thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Ảnh: BBC

Thị trường chứng khoán Châu Á tăng điểm mạnh khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần (3-12) sau khi hai bên đạt "lệnh ngừng bắn" trong cuộc chiến thương mại. Theo đó, Tổng thống Donald Trump trì hoãn việc tăng thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc trong 90 ngày, đổi lại Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa sẽ mua thêm hàng hóa xuất khẩu của Mỹ để giảm bớt thặng dư thương mại với Washington.

Kết quả của cuộc gặp giữ ông Tập và ông Trump cuối tuần qua ở Argentine là "tốt như chúng ta mong đợi", Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, William Zarit, cho biết trong một tuyên bố. Tổng thống Trump đã ca ngợi thỏa thuận thương mại vừa đạt được sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một trong những thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay. Bình luận về thỏa thuận này, ông Trump cho biết: "Đó là một thỏa thuận tuyệt vời. Đó chắc chắn là một trong những thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay mà Mỹ có được". Người đứng đầu Nhà Trắng nói thêm: "Nó sẽ có tác động vô cùng tích cực đến nông nghiệp, các sản phẩm công nghiệp, máy tính và tất cả các loại sản phẩm của Mỹ. Điều mà tôi sẽ làm đó là ngừng áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc".

Còn nhiều thăng trầm

Trong khi một số người tỏ ra lạc quan về thỏa thuận "đình chiến" thương mại Mỹ-Trung, nhiều chuyên gia lại tỏ ra hoài nghi về việc nó có thể đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo nhiều chuyên gia, đây là một thỏa thuận mà cả hai bên đều cần để ứng phó với tình hình trong nước. Đó là lý do tại sao các phương tiện truyền thông Trung Quốc ca ngợi và đặt nhiều kỳ vọng vào thỏa thuận. Cả Chinadaily và đài truyền hình quốc tế Trung Quốc CGTN đều nói rằng Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập đã đồng ý không áp đặt mức thuế mới sau ngày 1-1.

Ông Tập Cận Bình hiện đang vật lộn với một nền kinh tế chậm chạp ở trong nước, và các nhà phân tích cho rằng, nhà lãnh đạo Trung Quốc đang chịu áp lực về việc phải hành động để không gây thêm đau đớn cho các nhà sản xuất trong nước. Có nhiều bằng chứng cho thấy, các Cty Trung Quốc đang đau đớn vì cuộc chiến tranh thương mại hiện nay, nhưng hiện tại, ở mức thuế 10%, các Cty này có thể có thể xoay xở được. Nhưng nếu, mức thuế tăng lên 25%, mọi thứ sẽ thay đổi đáng kể.

Tổng thống Trump cũng chịu nhiều áp lực trong nước. Các nhóm vận động hành lang Mỹ đã ép ông bỏ qua những khác biệt với Trung Quốc đồng thời chỉ ra rằng, áp đặt mức thuế cao hơn có nghĩa là các nhà sản xuất Mỹ cũng phải chi phí cao hơn. Điều này sẽ dẫn đến giá tiêu dùng tại Mỹ tăng lên. Trước đây, ông Trump từng gạt bỏ những lo ngại này, nhưng thỏa thuận lần này với Bắc Kinh giúp ông trông "mạnh mẽ" hơn khi về nước, đồng thời cho phép các công ty Mỹ có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu xem phải làm gì nếu mức thuế quan mới được áp đặt.

Ai được lợi hơn?

Thoạt nhìn, Mỹ có vẻ có lợi trong trong thỏa thuận này. Tổng thống Trump đã cố gắng thuyết phục Bắc Kinh mua một lượng "rất lớn" hàng hóa nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp từ Mỹ. Nhưng ngôn ngữ của thỏa thuận này là mơ hồ và không ràng buộc - có nghĩa là không rõ bao nhiêu hàng hóa mà Bắc Kinh phải mua từ Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ cũng thuyết phục Trung Quốc bàn về các cách thức kinh doanh của Bắc Kinh. Theo đó, Trung Quốc và Mỹ đã đồng ý ngay lập tức bắt đầu các cuộc đàm phán về thay đổi cấu trúc liên quan đến chuyển giao công nghệ bắt buộc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, xâm nhập không gian mạng và trộm cắp mạng, dịch vụ và nông nghiệp. Washington muốn Bắc Kinh từ bỏ việc chuyển giao công nghệ cưỡng bức và giúp các Cty Mỹ tiếp cận nhiều hơn với thị trường Trung Quốc.

Việc Trung Quốc có đồng ý hay không sẽ là thước đo quan trọng dù cuộc đàm phán của họ có thành công hay không. Nhưng mọi thứ đang thay đổi ở Bắc Kinh, ít nhất là theo một bài xã luận trong Thời báo Toàn cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong bài viết đăng ngày 3-12, bình luận về thỏa thuận "ngừng bắn" Mỹ- Trung, tờ báo cho biết: "Bất kỳ quyết định nào có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc đều là đúng".

Điều này có nghĩa là, liệu Trung Quốc sẽ hy sinh bao nhiêu, sẽ là chìa khóa để thỏa thuận tạm thời này tiến xa hơn, qua đó xác định lại rõ ràng mối quan hệ Mỹ-Trung.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_199102_my-trung-dinh-chien-dung-voi-lac-quan.aspx