Mỹ - Trung 'đấu' về truyền thông

Bất chấp tín hiệu lạc quan trong lĩnh vực thương mại, giới phân tích cảnh báo căng thẳng trên mặt trận truyền thông có thể đẩy quan hệ Mỹ-Trung Quốc lâm vào bế tắc mới.

Ăn miếng trả miếng

Văn phòng hãng thông tấn Tân Hoa Xã tại New York, Mỹ. Ảnh: NYT

Văn phòng hãng thông tấn Tân Hoa Xã tại New York, Mỹ. Ảnh: NYT

Hôm 3-3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ “bá quyền”, áp dụng “tiêu chuẩn kép” và rằng Bắc Kinh có quyền đưa ra các biện pháp trả đũa sau quyết định của Washington kiểm soát số lượng nhà báo Trung Quốc được phép làm việc tại văn phòng đại diện các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc ở Mỹ. Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo nước này sẽ thực hiện giới hạn nhân sự đối với 5 đơn vị báo chí, truyền thông nhà nước Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ.

Những tổ chức này bao gồm hãng thông tấn Tân Hoa Xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc thuộc Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc và các cơ quan phát hành Nhân Dân nhật báo và Trung Hoa nhật báo phiên bản tiếng Anh. Theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 13-3, cả 5 đơn vị kể trên phải điều chỉnh số lượng nhân viên tối đa còn 100 người so với con số khoảng 160 hiện nay. Trường hợp công dân Trung Quốc làm việc cho các tổ chức truyền thông khác ở Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng.

Washington thay đổi chiến lược

Động thái “chưa từng có” của Washington trục xuất phần lớn nhân viên truyền thông nhà nước Trung Quốc được xem là câu trả lời cho “hành động bất thường” của Bắc Kinh thu hồi thị thực, sau đó trục xuất các nhà báo Mỹ và nước ngoài khác hồi tháng rồi. Đây cũng là dấu hiệu rõ nhất cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump đang có những thay đổi sách lược quan trọng trong cách tiếp cận với Bắc Kinh, bao gồm tính toán “có qua có lại” trước nay giữa hai bên.

Trên thực tế, Bloomberg cho biết truyền thông quốc tế tại Trung Quốc ngày càng chịu áp lực gắt gao từ chính quyền sở tại trong khi các tổ chức truyền thông nhà nước Trung Quốc ngược lại mở rộng ảnh hưởng tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Theo New York Times, ý định hạn chế số lượng phóng viên Trung Quốc đã được tranh luận ở Washington trong nhiều năm nhưng chưa từng được thực hiện, một phần vì lo ngại chỉ trích tự do báo chí. Một số quan chức Mỹ cũng hy vọng chính sách cởi mở sẽ khuyến khích Bắc Kinh minh bạch hơn. Tuy nhiên, vụ phóng viên tờ Wall Street Journal của Mỹ bị Trung Quốc trục xuất đã dấy lên tranh luận dữ dội tại Nhà Trắng về biện pháp đáp trả và chống lại những gì các quan chức coi là “mạng lưới tình báo và ảnh hưởng rộng lớn” của Trung Quốc tại Mỹ.

Trong khi đó, Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Zhou Qi cho rằng những điều chỉnh mới lần này không có gì bất ngờ khi Washington coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược và ngày càng cảnh giác trước sự hiện diện của cường quốc châu Á trên mặt trận tư tưởng. Quyết định này cũng phù hợp với cách tiếp cận của chính quyền Trump trong cuộc đua quyền lực nước lớn giữa lúc Bắc Kinh ngày càng mở rộng ảnh hưởng và thách thức Washington trên mọi lĩnh vực, từ an ninh ở Biển Đông đến vị thế toàn cầu.

Được lợi là Trung Quốc?

Theo lời Ngoại trưởng Pompeo, Washington hy vọng siết chặt quy định với nhà báo Trung Quốc sẽ thúc đẩy Bắc Kinh thực hiện cách tiếp cận công bằng hơn với Mỹ và những tổ chức báo chí nước ngoài khác ở Trung Quốc. Nói trong điều kiện giấu tên, một quan chức cho biết chính quyền Trump đi bước này với nỗ lực tìm kiếm sự “có đi có lại” và một “sân chơi bình đẳng”. Tuy nhiên, một số học giả cho rằng Mỹ có thể không giành được lợi thế mà ngược lại đây sẽ là đòn bẩy để Trung Quốc tăng cường kiểm soát đối với truyền thông nước ngoài.

MAI QUYÊN (Theo Bloomberg, NYT)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/my-trung-dau-ve-truyen-thong-a118881.html