Mỹ - Trung đã đạt được một phần thỏa thuận thương mại

Sau hai ngày đàm phán tại Washington DC, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một phần của thỏa thuận thương mại.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, quốc gia này đã đạt được một thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc và ông sẽ hoãn tăng thuế dự kiến áp dụng vào tuần tới, mang lại một không khí ôn hòa tạm thời trong bối cảnh thương chiến kéo dài và gây nhiều tổn thất.

Thỏa thuận này bao gồm quyết định Trung Quốc mua 40 đến 50 tỉ USD nông sản Mỹ hàng năm, cùng hướng dẫn về cách quản lý đồng nhân dân tệ. Đồng thời, củng cố mức độ bảo vệ của Trung Quốc đối với sản phẩm trí tuệ Mỹ và cho phép các công ty dịch vụ tài chính tiếp cận sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.

Đổi lại, Mỹ sẽ không tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng thuế lên 30% đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, mức thuế dự kiến được áp vào tuần tới. Dự kiến, hai bên sẽ cần mất khoảng 5 tuần nữa để có được một thỏa thuận bằng văn bản.

Có thể thấy, tuyên bố trên là bước ngoặt lớn trong lập trường của Tổng thống Mỹ vài tuần trở lại đây, khi ông yêu cầu các công ty Mỹ ngừng giao dịch với Trung Quốc và dọa áp thuế lên mọi sản phẩm đồ chơi, máy tính và giày dép từ Bắc Kinh.

Các chuyên gia nhận định, sau khi Tổng thống Trump tuyên bố hai bên đã đạt được một phần thỏa thuận, các chỉ số về thương mại có tích cực hơn một chút. Nếu tình trạng này được duy trì thì nó sẽ giúp hạn chế trượt dốc tăng trưởng toàn cầu.

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều ý kiến quan ngại về việc hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận trong năm nay. Hiện tại, Tổng thống Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu ông có áp thuế bổ sung vào ngày 15/12 như ông đã de dọa trước đó hay không.

Bên cạnh đó, mặc dù thỏa thuận một phần này có thể giải quyết các vấn đề ngắn hạn nhưng một số bất đồng gai góc nhất vẫn còn. Mục tiêu của Mỹ trong cuộc thương chiến xoay quanh cáo buộc về đánh cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ ép buộc và những khiếu nại liên quan tới chính sách trợ giá công nghiệp của Trung Quốc.

Các vấn đề liên quan tới Huawei cũng không nằm trong nhóm thỏa thuận đạt được hôm 11/10 và sẽ là một tiến trình riêng biệt. Ông Trump nói với báo giới rằng, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc, vốn đã bị đưa vào danh sách đen hồi tháng 5 dự kiến sẽ được bàn thảo trong giai đoạn 2.

Đáng chú ý, sự chia rẽ trong nội bộ chính quyền Mỹ về việc đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc cũng sẽ là một trong những yếu tố tác động đến giai đoạn hai của cuộc đàm phán. Theo đó, Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ, đồng thời là thành viên của Ủy ban Tài chính Quốc hội Mỹ Ronald Wyden cho biết, các thỏa thuận thương mại chỉ hợp pháp khi được Quốc hội Mỹ thông qua.

Đồng thời, Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer nhấn mạnh, bất kỳ thỏa thuận thương mại nào giữa Mỹ và Trung Quốc cũng không nên bao gồm các nhượng bộ về Huawei. Ông lí giải: "đây là điều mà Trung Quốc muốn nhất, và Mỹ sẽ trở nên yếu thế hơn nếu chấp nhận thỏa hiệp với Trung Quốc trong các vấn đề về Huawei. Và nếu điều này xảy ra, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận tại Quốc hội".

Có thể thấy, rất khó đoán định tương lai thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ đi đến kết quả nào. Tuy nhiên, sự thỏa hiệp của hai nền kinh tế sẽ tạo tiền đề cho một thỏa thuận toàn diện mà Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể ký kết trong thời gian sớm nhất.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/my-trung-da-dat-mot-phan-thoa-thuan-thuong-mai-159351.html