Mỹ - Trung: Chiến tranh thương mại ngày càng gay gắt

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, đến độ Trung Quốc tuyên bố Mỹ 'xâm phạm chủ quyền kinh tế' của Trung Quốc, do Mỹ đòi Bắc Kinh ngưng hỗ trợ tài chính cho các doanh nhiệp nhà nước (SOE).

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang mạnh hồi đầu tháng 5, sau khi chính phủ Mỹ cáo buộc Trung Quốc “xù” những lời hứa thay đổi cách làm ăn kinh tế.

Sau đó, Mỹ nâng mức thuế trừng phạt từ 10 lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ kể từ ngày 10/5/2019, và ông Trump dọa áp thêm mức thuế này đối với 325 tỉ USD lên số hàng hóa còn lại của Trung Quốc.

Ngày 22/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói ít nhất một tháng nữa Mỹ mới tăng mức thuế này, và ông kỳ vọng nhiều doanh nghiệp sẽ rời khỏi Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực để đầu tư.

Phản ứng lại, Bắc Kinh tuyên bố từ ngày 1/6 tới sẽ đánh thuế nhiều loại hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ 10 % lên mức 20 hoặc 25%. Tổng giá trị hàng hóa Mỹ bị đánh thuế lên tới 60 tỉ USD.

Trung Quốc phủ nhận chuyện hủy lời hứa, nhưng tái khẳng định sẽ không nhượng bộ trong việc bảo vệ các quyền lợi cốt lõi.

 Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung gặp nhau. Ảnh: Reuters.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung gặp nhau. Ảnh: Reuters.

Ngày 15/5, ông Trump ký Sắc lệnh Hành pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông được sản xuất bởi những công ty bị xếp là đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ cũng đưa tập đoàn viễn thông Huawei lẫn 70 chi nhánh vào Danh sách Thực thể, có nghĩa không chỉ các công ty Mỹ bị cấm sử dụng thiết bị của Huawei, mà còn cấm bán cho Huawei, một động thái có thể “bóp cổ giết chết” Huawei.

Mỹ còn dọa sẽ đưa vào danh sách đen thêm nhiều công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, và SCMP nêu quyết định này đẩy cuộc chiến thương mại lên thêm một nấc thang nguy hiểm, có thể gây thêm căng thẳng song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất-nhì thế giới và thậm chí có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh thực sự.

Các nhà phân tích cho rằng ông Trump đang cố gắng sử dụng lời đe dọa cấm Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc, để đạt được nhiều nhượng bộ hơn từ Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán thương mại, như ông đã làm với công ty viễn thông Trung Quốc ZTE trong năm 2018.

Giới truyền thông Trung Quốc thì có những quan điểm lên án Mỹ đang bắt nạt các công ty Trung Quốc. Và lời đe dọa mới nhất của chính phủ Mỹ càng gây thêm áp lực cho Bắc Kinh trong việc xem xét các biện pháp trả đũa lên các doanh nghiệp Mỹ.

Lãnh đạo Trung Quốc lên dây cót tinh thần chiến đấu

Ngày 25/5, Tân Hoa Xã phát tuyên bố: “Ở bàn đàm phán, chính phủ Mỹ đưa ra quá nhiều yêu sách phách lối đối với Trung Quốc, gồm hạn chế phát triển SOE. Rõ ràng việc này vượt quá khuôn khổ đàm phán thương mại, đụng chạm đến hệ thống kinh tế cơ bản của Trung Quốc. Điều này cho thấy đàng sau cuộc chiến thương mại Mỹ tiến hành với Trung Quốc, họ đang toan tính xâm phạm chủ quyền kinh tế Trung Quốc, và buộc Trung Quốc phải phá hủy các quyền lợi cốt lõi”.

Tân Hoa Xã còn nhấn mạnh Mỹ đưa ra những cáo buộc không có cơ sở, gồm Bắc Kinh buộc các công ty nước ngoài làm ăn ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ: “Đó là chứng cứ Mỹ ép Trung Quốc phải đổi hướng phát triển”.

Cùng ngày 25/5, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin trong chuyến thăm và làm việc ở tỉnh Giang Tây (miền nam Trung Quốc), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Học viện Lục quân ở thành phố Nam Xương. Ở đây, ông Tập chỉ đạo rằng điều cần làm ngay là huấn luyện triệt để, cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu, và mỗi chiến sĩ cần chuẩn bị sẵn sàng trải nghiệm một cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian nan. Ông Tập cũng viếng đài tưởng niệm cuộc Vạn Lý Trường Chinh ở huyện Vu Đô. Ông kêu gọi nhân dân Trung Quốc cùng bước vào một cuộc “Vạn Lý Trường Chinh mới”, để vượt qua những rủi ro, thách thức lớn từ trong và ngoài Trung Quốc.

Nhà sáng lập Huawei không ưa làn sóng tẩy chay Apple

Ngày 21/5, Đại sứ Trung Quốc tại Washington Thôi Thiên Khải nói với Fox News rằng Bắc Kinh vẫn sẵn sàng đàm phán để đạt đến thỏa thuận thương mại.

Nhà sáng lập - tổng giám đốc Huawei, ông Nhậm Chính Phi cũng có những quan điểm xoa dịu tình hình. Ông không đồng tình với làn sóng dân Trung Quốc tẩy chay Apple và mua sản phẩm Huawei nhân danh lòng tự hào dân tộc. Ông cho biết hỗ trợ Huawei không nhất thiết là phải mua điện thoại thông minh Huawei. Ông nhận định việc mua hay không mua sản phẩm của Huawei chỉ là một quyết định thương mại và không nên liên kết với chính trị hay lòng yêu nước.

Ông Nhậm nói Huawei đã chuẩn bị đầy đủ cho cuộc đụng độ với Mỹ vì Huawei đã trở thành một người khổng lồ công nghệ toàn cầu, và ông bác bỏ những lo ngại rằng lệnh cấm của Mỹ sẽ có tác động tiêu cực đối với hoạt động và khả năng sinh lời của Huawei. Ông còn nói các công ty Mỹ không có lỗi, dù các công ty Mỹ như Google được cho là bắt đầu tuân thủ sắc lệnh của ông Trump, ngừng hợp tác và cung cấp dịch vụ cho Huawei. Ông cũng đánh giá cao các công ty Mỹ vì sự đóng góp của họ cho sự phát triển của Huawei.

SCMP kết luận: Bây giờ Trung Quốc sẽ khôn ngoan để nghĩ về đại cục và không trả đũa các công ty Mỹ. Với việc hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung có thể gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Nhật Bản vào tháng 6 tới, hai bên sẽ có cơ hội đạt được thỏa thuận để giảm bớt căng thẳng.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/my-trung-chien-tranh-thuong-mai-ngay-cang-gay-gat-164027.html