Mỹ - Trung bước vào đàm phán, ông Trump lạc quan

Cuộc gặp cấp Thứ trưởng của Mỹ và Trung Quốc khó có thể mang lại đột phá nhưng phía Mỹ vẫn có nhiều lợi thế.

Ngày 7/1, các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ ngồi vào bàn đàm phán thương mại tại Bắc Kinh, với hy vọng hai bên sẽ đạt một thỏa thuận trước khi thời hạn "đình chiến" kéo dài 90 ngày kết thúc vào đầu tháng 3/2019.

Phó đại diện thương mại Jeffrey Gerrish sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ đàm phán tại Bắc Kinh.

Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, hai nước sẽ tổ chức đàm phán cấp thứ trưởng trong hai ngày 7 và 8/1 tại Bắc Kinh. Đoàn đàm phán của Mỹ dẫn đầu bởi Phó đại diện thương mại - Jeffrey Gerris. Ông Gerrish sẽ được hỗ trợ bởi các thành viên khác trong phái đoàn, bao gồm Gregg Doud, nhà đám phán trong lĩnh vực nông nghiệp; Gilbert Kaplan, thứ trưởng phụ trách thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại và David Malpass, thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế của Bộ Tài chính Mỹ.

South China Morning Post dẫn lời một cố vấn thương mại giấu tên của Bắc Kinh cho biết chỉ các quan chức cấp cao hơn như Phó thủ tướng Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Lighthizer mới có thể thông qua một thỏa thuận thương mại lớn.

"Các cuộc hội đàm ở cấp độ thứ trưởng sẽ không giải quyết được vấn đề, tuy nhiên dự kiến cả hai bên sẽ nắm bắt cơ hội này để kiểm tra các yêu cầu và đề nghị tương ứng, cũng như kiểm tra xem có cơ hội nào để đạt được thỏa thuận thương mại hay không", cố vấn này cho biết.

Dù không kỳ vọng có sự đột phá trong vòng đàm phán này, nhiều cuộc hội đàm cấp cao hơn sẽ được tổ chức vào cuối tháng 1/2019, trong đó Tổng thống Donald Trump có thể gặp Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, dù gặp gỡ ở cấp độ nào, hai nước vẫn sẽ cố gắng tìm các "giới hạn đỏ" của nhau trước tháng 3 tới để quyết định cuộc chiến sẽ còn tiếp diễn hay không.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 6/1 cũng cho biết, các phái viên thương mại của hai nước đều sẽ bước vào một cuộc thảo luận tích cực và mang tính xây dựng" trong cuộc họp ở Bắc Kinh.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rất tự tin cho rằng hai bên sẽ có một thỏa thuận thương mại thực sự. Lý do là "thuế quan đã hoàn toàn làm tổn thương Trung Quốc một cách nặng nề".

Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc sau khi Mỹ áp đòn trừng phạt có thể khiến Bắc Kinh có lý do để hạ nhiệt và đồng ý một thỏa thuận với Mỹ.

Ông Trump nhận định, cuộc đàm phán sẽ diễn ra "suôn sẻ" và phía Trung Quốc đã đến lúc "muốn có một thỏa thuận".

Tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp, chỉ 6,5% trong quý 3. Doanh số ô tô đã giảm 16% trong tháng 11 so với một năm trước đó. Doanh số bất động sản cũng yếu, buộc các nhà phát triển giảm giá.

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 3,4% trong quý ba và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong 5 thập kỷ. Nhưng các cuộc khảo sát cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đang suy yếu vì lo ngại rằng tăng trưởng sẽ chậm lại trong năm nay.

Các nhà phân tích cho rằng, thời hạn "đình chiến" 90 ngày là quá ít ỏi để các cuộc đàm phán diễn ra hóa giải mọi bất đồng của cả Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là về công nghệ.

Einar Tangen, một nhà phân tích chính trị chuyên về Trung Quốc và là cố vấn cho chính phủ Trung Quốc về các vấn đề kinh tế và phát triển, nói với Al Jazeera rằng : "Thời điểm này, Trung Quốc muốn có một thỏa thuận, ngay cả khi đó chỉ là một thỏa thuận tạm thời".

Còn ông Tu Xinquan, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tổ chức Thương mại Thế giới Trung Quốc tại Đại học Kinh tế và Kinh tế Quốc tế tại Bắc Kinh thì nói với Associated Press rằng, có thể Mỹ và Trung Quốc sẽ không kéo dài bàn bạc cho tới những ngày cuối cùng của thời hạn "đình chiến", chứng tỏ độ cứng rắn trong các sách lược của Trung Quốc và cả của Mỹ đối với bên còn lại.

"Các cuộc đàm phán trong tuần này sẽ tập trung vào các chi tiết kỹ thuật trước khi các nhà lãnh đạo cấp cao hơn "đưa ra các quyết định chính trị cứng rắn" - ông Tu Xinquan nhận xét.

"Tôi không nghĩ rằng họ sẽ tiến hành hóa giải mọi bất đồng nhanh như vậy. Phải mất thời gian" - vị chuyên gia đánh giá.

Trung Quốc đẩy mạnh chi tiêu

Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia, cơ quan lập kế hoạch hàng đầu của Trung Quốc, đã phê duyệt các dự án đường sắt đô thị ở 8 tỉnh thành với tổng trị giá 860 tỉ nhân dân tệ (125,3 tỉ USD) vào ngày 5/12/2018, Finacial Times cho biết.

Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc thông tin, nước này sẽ xây thêm 6.800km đường sắt (bao gồm 3.200km đường sắt cao tốc) trong năm nay 2019, tăng 40% so với số tiền được đầu tư vào năm ngoái.

Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu nới lỏng nỗ lực thắt lưng buộc bụng trong những tháng gần đây, sau khi tăng trưởng đầu tư vào bất động sản giảm xuống mức đáy và tăng trưởng chi tiêu bán lẻ chững lại với tốc độ chậm nhất trong 15 năm qua.

Ngân hàng quốc tế ICBC của Trung Quốc dự đoán, Bắc Kinh sẽ giải phóng một gói kích thích tài khóa 4.000 tỉ nhân dân tệ trong năm nay, với hy vọng sẽ giúp giảm áp lực từ cuộc chiến thương mại với Washington.

Một phần lớn sẽ được sử dụng để trả nợ và cho vay tái đầu tư, phần còn lại sẽ dành cho các dự án cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, ngay cả khi chiến tranh thương mại với Mỹ tiếp tục leo thang.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my--trung-buoc-vao-dam-phan-ong-trump-lac-quan-3372425/