Mỹ - Trung bên bờ vực 'Chiến tranh Lạnh kiểu mới'

Đã có những lo ngại về viễn cảnh đại dịch Covid-19 có thể sẽ làm bùng nổ Chiến tranh Lạnh kiểu mới giữa hai cường quốc kinh tế Mỹ và Trung Quốc.

Đã có những lo ngại về viễn cảnh đại dịch Covid-19 có thể sẽ làm bùng nổ Chiến tranh Lạnh kiểu mới giữa hai cường quốc kinh tế Mỹ và Trung Quốc.

Trong bài viết mới nhất, tờ Bloomberg cho rằng, có vẻ như Mỹ và Trung Quốc đã tránh được một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới vào hôm 15-1. Tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, “mối quan hệ của chúng ta đang ở thời điểm tốt nhất từ trước tới nay” khi cả hai ký thỏa thuận thương mại sơ bộ.

Tuyên bố lạc quan của Tổng thống Trump đưa ra trong ngày ký thỏa thuận thương mại sơ bộ dường như đã giúp hai nước tránh được nguy cơ đối đầu thương mại biến thành Chiến tranh Lạnh kiểu mới. Thỏa thuận này đã làm dấy lên hy vọng rằng, siêu cường số 1 thế giới có thể giải quyết một cách hòa bình sự khác biệt với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Cùng ngày hôm đó, các quan chức y tế ở Vũ Hán thừa nhận, họ không thể loại trừ việc virus gây bệnh viêm phổi bí ẩn mới khiến 41 người nhiễm có thể lây truyền từ người sang người. Cũng ngày đó, người mắc Covid-19 đầu tiên của Mỹ trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại bàn đàm phán thương mại năm 2019. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại bàn đàm phán thương mại năm 2019. Ảnh: AFP

Vì đại dịch Covid-19

Tuy nhiên, 4 tháng sau, Covid-19 đã tạo ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ, khiến hơn 4,5 triệu người nhiễm và hơn 300.000 người thiệt mạng, đồng thời đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái nghiêm trọng.

Đại dịch cũng đã làm sống lại tất cả các tình huống xấu nhất về mối quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế, đẩy họ vào tình thế đối đầu nghiêm trọng hơn bất cứ lúc nào kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ 4 thập kỷ trước. Từ chuỗi cung ứng, thị thực cho tới an ninh mạng và đảo Đài Loan (Trung Quốc), hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang tranh cãi nhau trên nhiều mặt trận vốn chưa bao giờ thực sự êm ả. Tổng thống Trump thậm chí bày tỏ sự thất vọng với thỏa thuận thương mại giữa hai nước, một trong số ít cam kết nhằm ngăn chặn những cuộc đấu khẩu leo thang thành xung đột thực sự.

Trong tuần qua, thậm chí, “cuộc chiến” leo thang căng thẳng hơn bao giờ hết khi ông Trump nói rằng ông thất vọng với cách Trung Quốc xử lý Covid-19 và có thể trả đũa bằng cách cắt hoàn toàn quan hệ với nước này và khẳng định có thể “tiết kiệm được 500 tỷ USD” nếu làm như vậy. Đáp trả, giới truyền thông Trung Quốc lần đầu tiên chỉ trích đích danh Tổng thống Trump, thậm chí nói ông là “con thú bị dồn vào đường cùng”. Thậm chí, tờ báo Global Times còn dùng từ “điên” để nói về tuyên bố trên của ông Trump. Việc chỉ trích mạnh mẽ và trực diện ông Trump như thế này là điều rất hiếm thấy trên truyền thông nhà nước Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và hợp tác trong cuộc chiến chống virus.

“Cuộc tấn công của Covid-19 vào cả Mỹ và Trung Quốc dường như đã làm xấu thêm mối quan hệ song phương và đẩy nó đến bờ vực đổ vỡ. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1979, hai nước chưa từng rơi vào thế nguy hiểm và đối đầu như hiện nay”, Gao Zhikai, từng là phiên dịch của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình nói với Bloomberg.

Không ngừng chọc giận nhau

Căng thẳng này có vẻ sẽ ngày càng leo thang trước cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11. Ông Trump đang ngày càng đổ lỗi Trung Quốc gây ra đại dịch và vì nó làm suy yếu cơ hội chiến thắng của ông. Xuất khẩu chậm lại và tình trạng thất nghiệp gia tăng đẩy nước Mỹ tiến tới suy thoái tồi tệ nhất trong các thế hệ.

Trong khi hiệp định thương mại làm giảm rủi ro về thuế quan mới, hầu hết các tranh chấp khác giữa hai bên là giống nhau hoặc tồi tệ hơn. Ông Trump và các trợ lý hàng đầu đã gây phẫn nộ cho Trung Quốc với hàng loạt chỉ trích hàng ngày, bao gồm cả những tuyên bố không có căn cứ rằng virus thoát khỏi một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, rằng Bắc Kinh giấu dịch để tích trữ vật tư y tế và tin tặc của quốc gia này đang thăm dò các tổ chức của Mỹ để nghiên cứu vaccine.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang huy động mọi nguồn lực tiến hành chiến lược “ngoại giao chiến lang” nhằm bảo vệ hình ảnh. Các nhà ngoại giao Trung Quốc và các cơ quan truyền thông nhà nước đã thúc đẩy các thuyết âm mưu rằng, chính binh sĩ Mỹ đã đem virus này đến Vũ Hán, cáo buộc các chính trị gia Mỹ đang cố đánh lạc hướng dư luận về những phản ứng sai lầm khiến quốc gia này trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới. Họ cáo buộc các quan chức chính quyền của Trump là những kẻ nói dối, thậm chí gọi Bộ trưởng Ngoại giao Michael Pompeo là “kẻ ác” trên một chương trình tin tức buổi tối.

Hành động chiến tranh

Cuộc khủng hoảng đã khiến những người diều hâu ở cả hai phía không ngừng tung ra những lời đe dọa hiếm khi được xem xét một cách nghiêm túc trong suốt nhiều thập kỷ.

Các nghị sĩ của đảng Cộng hòa đề xuất hủy hơn 1.000 tỷ USD mà Mỹ nợ Trung Quốc - động thái mà chuyên gia Gao Zhikai so sánh như “hành động chiến tranh” - trong khi Tổng biên tập tờ Global Times của Trung Quốc lại đề xuất tăng gấp 3 lần số lượng đầu đạn hạt nhân của nước này. Đại dịch cũng làm hồi sinh những căng thẳng về các vấn đề cũ như việc đảo Đài Loan bị Trung Quốc ngăn tham gia Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) với tư cách quan sát viên. Tháng trước, quan chức y tế hàng đầu của Mỹ đã có cuộc điện đàm hiếm hoi với phía Đài Loan và Thượng viện Mỹ tuần này thông qua dự luật hỗ trợ Đài Loan tham gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong khi tàu chiến Mỹ đã 6 lần đi qua eo biển Đài Loan trong năm nay.

Cơ quan thông tin của hai nước có lẽ chịu tác động ngay lập tức nhất là khi Washington và Bắc Kinh cũng đã trục xuất hàng chục phóng viên của nhau trong những tháng gần đây. Bắc Kinh cảnh báo sẽ trả đũa thêm trong tuần này sau khi Washington cắt giảm thị thực cho nhân viên truyền thông Trung Quốc xuống còn 90 ngày.

Bớt căng thẳng dưới thời Joe Biden?

Căng thẳng giữa hai nước khiến một số người trong cuộc ở Trung Quốc hạ thấp triển vọng của một thỏa thuận khác với Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo mà nhiều người ở Bắc Kinh đã xem như một người theo chủ nghĩa thực dụng và chỉ quan tâm lợi ích kinh tế.

Shi Yinhong, cố vấn chính phủ của Trung Quốc và là giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, đã lập luận trong một bài phát biểu gần đây rằng, nước này nên giảm bớt những lời công kích để có thể duy trì mối quan hệ êm đẹp với Mỹ sau bầu cử tháng 11 với viễn cảnh đảng Dân chủ lên nắm quyền ở Nhà Trắng. “Một Tổng thống như Joe Biden sẽ thực tế và bớt cảm tính hơn. Thay vì đối đầu với Trung Quốc với những mục tiêu không rõ ràng, có thể ông Biden sẽ gây áp lực trong một số lĩnh vực nhưng vẫn cứng rắn trong các vấn đề khác, như an ninh quốc gia và công nghệ, với mục tiêu là đàm phán thay đổi chính sách của Trung Quốc”, Susan Shirk, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc thế kỷ XXI của Đại học California tại San Diego, cho biết.

Hầu hết sẽ phụ thuộc vào việc liệu thỏa thuận thương mại giai đoạn một của ông Trump và ông Tập Cận Bình có “sống sót” qua cuộc bầu cử hay không. Tổng thống Trump đang ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn với Trung Quốc, khi Cty S&P dự đoán Bắc Kinh có vẻ không muốn đáp ứng đề nghị mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong năm nay và năm sau. Ông Trump và ông Tập có lẽ ít quan tâm đến cuộc chiến thuế quan hơn khi đại dịch đẩy nền kinh tế của họ vào khủng hoảng lịch sử. Trong số các mối đe dọa lớn nhất đối với cả hai nhà lãnh đạo là tình trạng thất nghiệp gia tăng kéo dài có thể thúc đẩy tình trạng bất ổn chính trị. Hơn 84.000 người đã chết vì Covid-19 ở Mỹ, khiến nó trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất trên thế giới.

Tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ

Tuy nhiên, những cuộc chiến mới chỉ càng khoét sâu những hoài nghi giữa hai quốc gia. Nền kinh tế số 1 thế giới tận dụng sự gián đoạn chuỗi cung ứng do virus gây ra để đẩy nhanh quá trình đưa các Cty nước này ra khỏi “công xưởng lớn nhất thế giới”.

Ông Trump mới đây cho biết “đang xem xét” các Cty Trung Quốc giao dịch trên sàn chứng khoán NYSE và Nasdaq không tuân theo quy tắc của Mỹ. Quỹ hưu trí tiết kiệm và đầu tư liên bang (FRTIB) cũng nhất trí trì hoãn việc phân bổ hàng tỷ USD đầu tư cho các Cty Trung Quốc. Global Times ngay lập tức cho biết, Bắc Kinh đang cân nhắc các biện pháp đáp trả, nhắm vào các quan chức Mỹ như Tổng chưởng lý bang Missouri Eric Schmitt, người đã kiện đòi Bắc Kinh bồi thường vì Covid-19. Tờ báo này cũng cho biết quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các bang có động thái tương tự Missouri có thể bị tổn hại.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_224970_my-trung-ben-bo-vuc-chien-tranh-lanh-kieu-moi-.aspx