Mỹ - Triều Tiên 'cần tiếp tục đàm phán'

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh hai bên đã đạt tiến triển có ý nghĩa hơn bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ

Bất ngờ, thất vọng và thận trọng là phản ứng chung của giới truyền thông, cộng đồng quốc tế sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên khép lại hôm 28-2 mà không có thỏa thuận nào đạt được giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un.

Báo The Straits Times (Singapore) nhận định diễn biến trên làm dấy lên hoài nghi về tương lai các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi đó, hãng tin Reuters gọi việc không đạt được thỏa thuận với Bình Nhưỡng là bước lùi của ông Trump - nhân vật từng tự gọi mình là "người làm nên thỏa thuận" và xem hướng tiếp cận của mình đối với Triều Tiên là một thành tựu chính sách nổi bật. Ngoài ra, kết quả này còn dẫn đến không ít thắc mắc về sự chuẩn bị của chính quyền ông Trump cho hội nghị.

Phong thái của hai nhà lãnh đạo trong cuộc gặp ngày 27-2 tỏ ra thoải mái, thân thiện. Ảnh: Reuters

Phong thái của hai nhà lãnh đạo trong cuộc gặp ngày 27-2 tỏ ra thoải mái, thân thiện. Ảnh: Reuters

Truyền thông Hàn Quốc cũng có phản ứng kém lạc quan trước diễn biến hội nghị. Hãng tin Yonhap cho rằng nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên hiện đứng trước bước ngoặt. Trong khi đó, báo Financial News thắc mắc liệu Mỹ và Triều Tiên có gặp khó trong việc duy trì đàm phán hạt nhân thời gian tới, đồng thời dự báo đây là trận chiến kéo dài.

Không bi quan như giới truyền thông, giới chức nhiều nước hy vọng Mỹ và Triều Tiên tiếp tục nỗ lực ngoại giao và đạt thêm tiến triển trong thời gian tới. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ra tuyên bố bày tỏ sự tiếc nuối trước kết quả trên nhưng nhấn mạnh hai bên đã đạt tiến triển có ý nghĩa hơn bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ.

Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom nhận định hội nghị ở Hà Nội có thể đã cho phép hai nhà lãnh đạo hiểu nhau rõ hơn, từ đó làm gia tăng triển vọng về một bước đột phá trong tương lai.

Một nhà ngoại giao Hàn Quốc cho báo The Guardian (Anh) biết thêm rằng Seoul đang cố gắng tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra. Riêng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong ngày 1-3 dự kiến có bài phát biểu về mối quan hệ liên Triều.

Thận trọng cũng là phản ứng của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khi cho biết Bắc Kinh sẽ đánh giá kết quả hội nghị sau khi có được thông tin từ Bình Nhưỡng và Washington.

Dù vậy, ông Lục Khảng bày tỏ hy vọng hai bên sẽ tiếp tục đối thoại trong tương lai. Cũng có lập trường tương tự, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas kêu gọi tiếp tục tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên ngay cả khi cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội không đi đến thỏa thuận.

Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho rằng kết quả hội nghị trên chứng tỏ hai bên vẫn chưa sẵn sàng thỏa hiệp và chịu nhượng bộ trong nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề phức tạp như chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Cũng chia sẻ ý kiến về cuộc gặp, Phó Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề nước ngoài thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Vladimir Dzhabarov cho rằng không nên đánh giá hội nghị là một thất bại bởi "vẫn có một số kết quả đạt được và kế hoạch cho tương lai". Dù vậy, theo đài Sputnik, ông Dzhabarov đánh giá Mỹ khó có thể đạt được mục tiêu tham vọng là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên nếu không chịu dỡ bỏ, hoặc ít nhất là nới lỏng trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-trieu-tien-can-tiep-tuc-dam-phan-20190228224118384.htm