Mỹ-Triều đứng trước các câu hỏi lớn

Rất có thể chương trình thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai sắp diễn ra nhưng nhu cầu và giới hạn nhượng bộ của mỗi bên với đối phương vẫn còn là ẩn số.

Hôm thứ Năm (20-9), sau chuyến thăm Bình Nhưỡng thành công, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un muốn sớm tiến hành chương trình thượng đỉnh lần thứ hai trong năm với Tổng thống Mỹ Donald Trump để đẩy nhanh quá trình phi hạt nhân hóa.

Triển vọng thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai

Tuyên bố của ông Moon Jae-in đưa ra sau khi ông Moon và ông Kim đã có ba ngày làm việc tại thủ đô Bình Nhưỡng được đánh giá là rất tích cực. Ông Moon tỏ ra nhạy bén và mềm dẻo khi làm cầu nối cho Mỹ và Triều Tiên quay lại bàn đàm phán. Hàn-Triều đưa ra tuyên bố chung với một số điều khoản mang tính thân thiện, nỗ lực mang lại hòa bình cho hai bên, bày tỏ thiện chí giữa hai miền Nam-Bắc, làm bước đệm cho cuộc gặp Trump-Kim vốn mang tính quyết định tương lai khu vực.

Triều Tiên hiện đã chấp thuận việc ngừng hoàn toàn các hoạt động thử tên lửa, hạt nhân và tháo dỡ một bãi thử và bệ phóng tên lửa dưới sự giám sát của các chuyên gia hạt nhân quốc tế. Quan trọng hơn, Bình Nhưỡng hứa sẽ phá hủy một cơ sở hạt nhân rất quan trọng của nước này vĩnh viễn nếu Mỹ có “những bước đi tương ứng”.

Lãnh đạo Triều Tiên cũng tỏ ra tinh tế khi ngỏ ý mời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến thăm Triều Tiên. “Chủ tịch Kim Jong-un nói ông ấy muốn Ngoại trưởng Pompeo đến Triều Tiên và thượng đỉnh với Tổng thống Trump trong thời gian sớm nhất có thể để đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa” - ông Moon phát biểu trước báo chí.

Ông Trump (phải) và ông Kim tại thượng đỉnh Singapore. Ảnh: GETTY

Vài tuần trước, chuyến thăm của ông Pompeo đến Bình Nhưỡng bị hủy vì ông Trump yêu cầu không đàm phán với Triều Tiên cho đến khi giải quyết xong các mâu thuẫn thương mại với Trung Quốc. Động thái đó được cho là sự thất vọng của Nhà Trắng sau hơn hai tháng kể từ thượng đỉnh Singapore, Triều Tiên không có bất kỳ hành động thực tế nào thực hiện thỏa thuận phi hạt nhân hóa.

Việc ông Pompeo quay lại Triều Tiên sẽ là một bước đi vừa để Bình Nhưỡng bày tỏ thiện chí bằng hành động, vừa phù hợp với quy trình thực hiện một cuộc gặp cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo Trump-Kim khi cả Mỹ và Triều Tiên đều sẵn sàng.

Tổng thống Trump tỏ ra rất hài lòng với kết quả thượng đỉnh Hàn-Triều lần ba, chí ít là với những gì mà hai nhà lãnh đạo bán đảo Triều Tiên tuyên bố. Thậm chí ông Trump còn gọi ông Kim là “anh hùng” và tỏ ra tự tin Bình Nhưỡng sẽ có những bước tiến đáng ghi nhận trên thực tiễn. Trả lời phóng viên hôm 19-9 (giờ Mỹ), ông Trump nói sẽ gặp ông Kim sớm. Với tâm thế hào hứng ngay từ đầu về Triều Tiên của ông Trump, khả năng thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra trong năm nay, nhất là khi Bình Nhưỡng vừa thông qua Hàn Quốc gửi tín hiệu đến Nhà Trắng rằng nước này đã sẵn sàng phi hạt nhận hóa, chỉ chờ “phản ứng tương xứng” của Mỹ.

Những câu hỏi lớn

Câu hỏi đầu tiên là Triều Tiên kỳ vọng gì về “những bước đi tương xứng” của Mỹ, hay “cái giá” Mỹ phải đánh đổi để Bình Nhưỡng thực hiện cam kết Singapore và mới hơn là cam kết với ông Moon. Cho đến nay, Washington vẫn trước sau khẳng định sẽ không từ bỏ cấm vận và các lệnh trừng phạt có ảnh hưởng đến kinh tế lẫn ngoại giao của Triều Tiên nếu ông Kim không “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không bị đảo ngược”.

Việc Triều Tiên hứa cho phép các chuyên gia hạt nhân quốc tế vào giám sát các hoạt động hạt nhân của Bình Nhưỡng được xem là một trong ba yêu cầu của phía Mỹ. Tất nhiên, Mỹ cần cụ thể hóa lời hứa này của ông Kim, ví dụ việc khai báo thông tin về vũ khí, nguyên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân và các cơ sở phát triển hạt nhân. Nếu Bình Nhưỡng bắt tay “nói thật, làm thật” thì ông Kim muốn Mỹ đáp trả bằng sự nhượng bộ nào: Gỡ bỏ một phần cấm vận? Phá băng một số hoạt động kinh tế của Triều Tiên? Hay nới lỏng các lệnh trừng phạt về ngoại giao?

Ở chiều ngược lại, phản ứng của Mỹ cũng chính là câu hỏi quan trọng. Ít ai lạc quan rằng ông Kim từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân - mấu chốt để ông Kim đảm bảo an ninh sống còn của chính quyền Triều Tiên. Bài học Libya rất có thể đã “đóng đinh” quyết tâm phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng. Hãng tin NBC dẫn lời các quan chức tình báo Mỹ cho biết họ tin rằng ông Kim đã đẩy nhanh sản xuất nhiên liệu hạt nhân ở vài cơ sở bí mật trong năm nay. Điều này làm suy yếu nghiêm trọng lời hứa nhượng bộ của ông Kim và tạo áp lực lên ông Trump trước phe diều hâu Triều Tiên khi đàm phán với Bình Nhưỡng. Giới hạn của sự nhượng bộ từ Mỹ nhằm thúc đẩy những tiến bộ trong hành động của Triều Tiên vẫn còn là ẩn số.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tại Singapore chỉ mang lại một thỏa thuận chung chung nhưng hiện nay ông Kim Jong-un dường như đang nhắm đến những nội dung cụ thể hơn về những gì ông ấy muốn trao đổi với Tổng thống Trump. Ông Kim đề xuất những mốc thời gian cụ thể cho việc phi hạt nhân hóa nên khả năng thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai sẽ mang lại thỏa thuận cụ thể hơn.

CHEONG SEONG-CHANG, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên của Viện Sejong, Hàn Quốc

THU THẢO

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/mytrieu-dung-truoc-cac-cau-hoi-lon-793362.html