Mỹ, Triều đàm phán tỉ mỉ chỗ ngồi, bước đi ở cuộc gặp Trump-Kim lần 1

Từ số bước đi, chỗ ngồi, lá cờ đến tiền nong, đàm phán giữa Mỹ - Triều Tiên không chỉ về phi hạt nhân hóa, mà còn về các nghi thức, kịch bản cho hội nghị ngày 27-28/2 tại Hà Nội.

Khi đưa tin hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sắp diễn ra tại Hà Nội ngày 27-28/2, báo chí quốc tế thường nhắc đến phi hạt nhân hóa, chấm dứt chiến tranh, hay cấm vận. Dường như thể hai bên chỉ cần vào một căn phòng họp, kéo ghế ngồi xuống và bắt đầu bàn về những điều đó.

Nhưng thực tế, việc chuẩn bị cho Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cuộc gặp mang tính quyết định đối với tương lai của bán đảo Triều Tiên, lại đòi hỏi tính toán, lựa chọn vô số các chi tiết nhỏ, thông qua đàm phán ngoại giao thật khéo léo.

Theo New York Times, trong cuộc gặp lần đầu ở Singapore, hai bên đã đàm phán mọi chi tiết từ chỗ ngồi của lãnh đạo, những ai được phép ở trong phòng, số lượng bữa ăn và thời gian nghỉ giải lao, đồ uống sẽ dùng khi chúc tụng (nhất là khi ông Trump không uống rượu), món quà hai bên sẽ trao đổi và ai sẽ là người trả tiền.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) gặp Kim Yong Chol, cựu giám đốc tình báo của Triều Tiên ở thủ đô Washington, Mỹ ngày 18/1/2019, để bàn về hội nghị thượng đỉnh lần 2. Ảnh: AP.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) gặp Kim Yong Chol, cựu giám đốc tình báo của Triều Tiên ở thủ đô Washington, Mỹ ngày 18/1/2019, để bàn về hội nghị thượng đỉnh lần 2. Ảnh: AP.

Tiền trạm về an ninh là ưu tiên

Mối quan tâm hàng đầu vẫn luôn là an ninh. Trong lần gặp đầu, nước chủ nhà Singapore chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trên các tuyến đường và nơi công cộng, nhưng Mỹ và Triều Tiên phụ trách an ninh cho lãnh đạo của họ.

Mỗi khi tổng thống Mỹ đi công du nước ngoài, đi theo ông là một đoàn hùng hậu mật vụ, xe limousine, trực thăng và các xe bảo vệ. Ông Kim cũng được bảo vệ bởi các lớp cận vệ hùng hậu, chạy bộ theo xe ông.

Các nguyên thủ thường ít gặp riêng theo hình thức hội nghị thượng đỉnh ở nước thứ ba, trừ khi là bên lề một hội nghị quốc tế, theo New York Times.

Ông Kim có lẽ sẽ càng thấy không thoải mái “nếu càng đi xa khỏi bán đảo Triều Tiên”, Evans J.R. Revere, từng là một nhà ngoại giáo phụ trách Đông Á trong Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với New York Times. “Như vậy lại là lợi thế cho ông Trump”.

Hiện vẫn chưa có tuyên bố chính thức về nơi tổ chức hội nghị sắp tới ở Hà Nội. Ông Kim Chang Son, trợ lý thân cận của lãnh đạo Triều Tiên, đã đến Hà Nội sáng 16/2, sau đó đã tới thăm một số khách sạn 5 sao, khiến báo chí quốc tế phỏng đoán đó là những nơi ông Kim Jong Un có thể sẽ ở.

Daniel Walsh, trợ lý cho tổng thống Mỹ, phó chánh văn phòng Nhà Trắng phụ trách hoạt động, và một số quan chức cao cấp Mỹ cũng đến Hà Nội ngày 15/2 để tiền trạm cho hội nghị thượng đỉnh, Yonhap dẫn một số nguồn tin cho biết.

Hội nghị thượng đỉnh giữa 2 lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên diễn ra ngày 12/6 năm ngoái tại Singapore sau sự chuẩn bị công phu từ trước đó của phái đoàn 2 nước. Ảnh: AP.

Nước chủ nhà với cơ hội quảng bá

Trong cuộc gặp ở Singapore, phái đoàn Mỹ và Triều Tiên đã phải thương lượng xem ai sẽ trả tiền khách sạn cho ông Kim và đoàn tùy tùng.

Theo New York Times, Triều Tiên đã có những lần yêu cầu chính phủ nước khác tài trợ chi phí khi các quan chức nước này công du.

Singapore đã chi 12 triệu USD Mỹ cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất, phần lớn cho an ninh, theo Bộ Ngoại giao Singapore. Singapore đã điều động an ninh hùng hậu với hàng nghìn cảnh sát, thiết lập các chốt chặn đường và cấm pháo sáng, loa phóng thanh gần sự kiện để ngăn cấm biểu tình.

Ngoài chi phí an ninh, chính phủ Singapore cũng tài trợ cho phái đoàn Triều Tiên, bao gồm chi phí ở khách sạn 5 sao St Regis, theo BBC. Họ cũng tốn kém một khoản lớn để có được cơ sở vật chất cho hàng nghìn phóng viên đưa tin về hội nghị.

Hội nghị này làm đảo lộn cuộc sống vốn yên bình của đảo quốc 5,6 triệu dân, mặc dù nhiều nhà quan sát nói việc đăng cai là một đợt PR có ích cho Singapore.

Singapore đã điều động an ninh hùng hậu cho hội nghị Mỹ - Triều tháng 6/2018, tiêu tốn tới 12 triệu đô-la Mỹ. Ảnh: AP.

Đàm phán chi tiết và lễ tân

“Các nghi thức sẽ được tổng thống Mỹ và ông Kim quyết định”, Wendy R. Sherman, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ, nói với New York Times. Bà Sherman ở trong phái đoàn của cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đến Bình Nhưỡng năm 2000 để gặp cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il, cha của ông Kim Jong Un.

Bà nói mỗi bên sẽ “thêm một số chi tiết để có lợi thế hơn”.

Trong khi ông Trump thích tiếp xúc với nguyên thủ các nước một cách ngẫu hứng, không quá quan tâm đến thông lệ, các quan chức Triều Tiên lại khá quan trọng hình ảnh, vị thế, và sẽ chi ly tính toán từng tiểu tiết như ông Kim sẽ ngồi bên nào trên bàn đám phán, theo các nhà ngoại giao từng sắp xếp các cuộc gặp với Triều Tiên.

Cả 2 nhà lãnh đạo đều có xu hướng ‘ngẫu hứng’, chứ không nhất thiết theo kịch bản được chuẩn bị sẵn. Ảnh: AP.

Thông thường, người nào có vị thế cao hơn sẽ đi vào địa điểm hội nghị cuối cùng và ngồi xa cửa nhất, một quan chức Nhật từng tham gia các cuộc đối thoại giữa Nhật và Triều Tiên nói với New York Times. Vậy giải pháp ở đây có thể là: phòng họp phải có hai lối vào.

Nhắc đến lối vào, người tổ chức sự kiện sẽ kiểm tra trước xem các cửa có bị khóa hay không. Năm 2005, khi Tổng thống Mỹ George W. Bush gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ở Bắc Kinh, ông Bush sau khi trả lời phóng viên đã cố mở chiếc cửa đã bị khóa.

Các chi tiết nhỏ nhất như mỗi nhà lãnh đạo sẽ bước bao nhiêu bước trước khi dừng lại để phóng viên chụp ảnh sẽ được lên kịch bản tỉ mỉ. Hai bên có thể sẽ bàn bạc xem quốc kỳ hai nước sẽ xuất hiện như thế nào trong những tấm ảnh chính thức của hội nghị.

Sở dĩ họ bàn bạc về quốc kỳ là vì Mỹ và Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao chính thức. Để quốc kỳ hai nước xuất hiện sẽ thể hiện việc Mỹ coi trọng Triều Tiên như một quốc gia hay không, Mitoji Yabunaka, cựu thứ trưởng ngoại giao Nhật Bản, nói với New York Times về ý nghĩa của lá cờ.

Triều Tiên “ghi bàn” bất ngờ?

Có lẽ đoàn của Mỹ cảm thấy an tâm hơn khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở một nước thứ ba như Singapore hay Việt Nam, chứ không phải Bình Nhưỡng, nơi Triều Tiên sẽ kiểm soát mọi chi tiết.

“Tổ chức ở Singapore có lợi vì chúng tôi không phải nhờ cậy vào phía Triều Tiên”, bà Sherman nói về cuộc gặp lần đầu.

Trong chuyến thăm của bà Albright đến Bình Nhưỡng năm 2000, phía Triều Tiên “không thực sự hứa hẹn một lịch trình, thời gian cụ thể, và chúng tôi không hề biết khi nào Ngoại trưởng Albright sẽ gặp Kim Jong Il, cho tới khi đến nơi”, Thomas Hubbard, từng là đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc và Philippines, người giúp lên kế hoạch và đi theo chuyến thăm của bà Albright đến Bình Nhưỡng.

Bất ngờ dành cho Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright khi thăm Bình Nhưỡng năm 2000: Các màn đồng diễn và bức tranh khổng lồ tạo thành từ hàng chục nghìn tấm bìa ở bên kia khán đài. Ảnh: AFP/Getty.

Ông Kim Jong Un cũng vẫn có thể ghi điểm về truyền thông dù cho không ở sân nhà. Trong cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ở làng Bàn Môn Điếm nằm trong Khu Phi Quân sự (DMZ) ở bên phía Hàn Quốc, ông Kim đã khiến cả thế giới chú ý bằng việc nắm tay ông Moon và đề nghị ông bước qua biên giới sang phía Triều Tiên trong giây lát.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/quy-trinh-chuan-bi-cuoc-gap-trump-kim-o-singapore-ti-mi-den-buoc-di-post917239.html