Mỹ triển khai nhanh B-1B Lancer đối phó Nga

Bộ Tư lệnh Tác chiến toàn cầu Mỹ đã khởi động chương trình triển khai Lực lượng Đặc nhiệm Máy bay ném bom mới để đối phó với tình huống bất ngờ.

Tuyên bố của Không quân Mỹ cho biết, nội dung chương trình tập trung ưu tiên điều chỉnh các vị trí và cách thức triển khai máy bay ném bom tầm xa B-1B Lancer và những máy bay khác phục vụ huấn luyện và có thể chiến đấu một cách nhanh nhất có thể.

Máy bay B-1B Lancer bay cùng tiêm kích Nhật.

Máy bay B-1B Lancer bay cùng tiêm kích Nhật.

"Tất cả nội dung triển khai nhanh đội máy bay ném bom tầm xa nhằm tăng cường khả năng chiến đấu và đưa ra đảm bảo với đồng minh của chúng tôi rằng Không quân Mỹ sẽ phản ứng kịp thời với bất kỳ mối đe dọa nào, mang lại an toàn cho đồng minh trước mối đe dọa từ Nga và những đối thủ khác", Tướng Tim Ray, Tư lệnh Lực lượng Không quân-Chiến lược Mỹ cho biết.

Mục đích của chiến lược triển khai nhanh từ Mỹ đã khá rõ ràng nhưng theo chuyên gia của trang National Interest, ngay cả máy bay tàng hình B-2 Spirit cũng khó có thể vượt qua được hàng phòng thủ nhiều tầng của Nga chứ chưa nói đến đội bay B-1B.

Hiện nay loại máy bay ném bom chính của Không quân Mỹ vẫn là B-52H, loại máy bay cất cánh lần đầu vào năm 1952. Trong số 744 chiếc được chế tạo từ trước tới nay, hiện chỉ còn 76 chiếc B-52H được nâng cấp vẫn còn được sử dụng.

Chúng không còn khả năng vượt qua hệ thống phòng không hiện đại, tuy nhiên chúng vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng cho đến năm 2040 và được trang bị các loại tên lửa tầm xa và bom định hướng.

Trong khi đó, oanh tạc cơ B-1B Lancer của Không quân Mỹ (hiện có tổng cộng 62 chiếc) đã không còn được trang bị vũ khí hạt nhân và chỉ có thể hoạt động trong những khu vực giao tranh nhỏ. Những loại máy bay này cũng sẽ tiếp tục được sử dụng cho đến năm 2040.

Như vậy, máy bay ném bom tàng hình B-2 là loại vũ khí duy nhất có thể xâm nhập và đánh bom tầm xa mà Mỹ đang có. Vốn là loại phi cơ đắt tiền, Không quân Mỹ chỉ có 20 chiếc và đã từng bị tổn thất khi một phi cơ B-2 bị rơi trong một tai nạn gần đảo Guam.

Lực lượng này chỉ có thể điều động một số lượng giới hạn B-2 và việc mất một phi cơ cũng sẽ giảm khả năng chiến đấu một cách đáng kể. Theo Cục Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), chỉ có 16 chiếc B-2 được coi là đủ khả năng tham chiến. Trong số này, khoảng 9 chiếc có thể sẵn sàng được điều động.

Con số này còn tiếp tục giảm khi tính cả những chiếc được sử dụng cho mục đích huấn luyện, và thực tế một sĩ quan cấp cao của Không quân Mỹ cho biết số máy bay B-2 thực sự có thể sử dụng chỉ có 6 chiếc. Số còn lại đều được lưu kho để bảo dưỡng.

Mặc dù Không quân Mỹ tiếp tục đầu tư thêm tiền mặt để nâng cấp B-2 và giúp nó có thể tiếp tục hoạt động cho đến năm 2058, công nghệ có trên máy bay này đã bắt đầu có tuổi. Công nghệ tàng hình đã có những bước tiến dài kể từ khi B-2 được thiết kế vào cuối thập niên 1970.

Hơn nữa, nhiều thiết bị trên máy bay ngày càng trở nên lỗi thời trong suốt chiều dài hoạt động của máy bay này, trong đó có cả hệ thống động cơ. Vào năm 2012, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ thời đó là Tướng Norton Schwartz phát biểu rằng B-2 đang dần mất khả năng thâm nhập vào vùng không phận của Nga và các đối thủ khác.

"Công nghệ mà các loại máy bay này đang có thực tế đã có những năm 1980. Một thực tế hiển nhiên đó là B-2, B-1B và cả B-52H đang mất dần khả năng sống sót trên chiến trường đặc biệt là trước vũ khí và thiết bị tối tân của Nga", ông Schwartz thừa nhận.

"Chính vì vậy, chiến lược triển khai nhanh máy bay nèm bom như B-1B của Mỹ chỉ mang tính phô trương lực lượng chứ không mang nhiều khả năng chiến đấu thực tế", tờ National Interest viết.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-trien-khai-nhanh-b-1b-lancer-doi-pho-nga-3422552/