Mỹ: Tranh cãi giải pháp kiềm chế thảm họa núi lửa bằng... bom

Một trong những sứ mệnh kỳ lạ nhất của Không quân Mỹ là ngăn dung nham từ núi lửa Mauna Loa ở Hawaii năm 1935. Tuy không thống nhất về mức độ của cuộc không kích, nhưng chúng vẫn được coi như một giải pháp khả thi đối phó với các vụ phun trào núi lửa hiện đại.

Quần đảo Hawaii nổi tiếng với hoạt động núi lửa. Bản thân các hòn đảo được hình thành do hoạt động của núi lửa trong hàng triệu năm. “Đảo Lớn” của Hawaii là quê hương của núi lửa Mauna Loa cao hơn 13.000 feet (khoảng 4.000m), một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất trên thế giới.

Dung nham tràn xuống Thái Bình Dương tại Đảo lớn Hawaii. (Nguồn: Popular Mechanics)

Dung nham tràn xuống Thái Bình Dương tại Đảo lớn Hawaii. (Nguồn: Popular Mechanics)

Kể từ năm 1843, nó đã phun trào 33 lần, bồi thêm lãnh thổ cho Hawaii - tiểu bang thứ 50 của Mỹ. Có lẽ, đây là tiểu bang duy nhất liên tục được nới rộng nhờ núi lửa.

Các dòng dung nham của Mauna Loa được giám sát chặt chẽ và thường vô hại. Tuy nhiên, một ngoại lệ là vụ phun trào ngày 21/11/1935, bất ngờ chảy về phía Bắc, với tốc độ một dặm một ngày về phía đầu nguồn của sông Wailuku - nguồn cung cấp nước cho thị trấn Hilo, 30 dặm về phía Đông Bắc. Tiến sĩ Thomas Jaggar, một nhà nghiên cứu núi lửa địa phương và là người sáng lập Đài quan sát núi lửa Hawaii, dự báo rằng: Một trong năm dòng dung nham phát ra từ Mauna Loa đang sẽ chảy với tốc độ một dặm/phút và có nguy cơ làm ngập sông Wailuku.

Giải pháp gây tranh cãi

Nếu núi lửa cắt nguồn cung cấp nước ngọt cho thị trấn - với khoảng 20.000 dân - thì hậu quả có thể rất thảm khốc. Để ngăn chặn thảm họa, lúc đầu, Jaggar đã tính đến việc mang thuốc nổ đến Mauna Loa để làm sập các ống dung nham, nhưng làm như vậy có vẻ sẽ mất quá nhiều thời gian. Đồng nghiệp của ông đề xuất một giải pháp nhanh hơn - dùng bom. Jagger đã kêu gọi Không quân Mỹ giúp đỡ, bằng cách ném bom các ống dung nham và các kênh dẫn dung nham về hướng con sông.

Không ai nghĩ máy bay ném bom của Mỹ có thể phá hủy dung nham, nhưng họ hy vọng vụ ném bom sẽ chuyển hướng dòng chảy sang hướng khác, không đe dọa nguồn nước. Nhiệm vụ được giao cho các máy bay của Lực lượng Phòng không Lục quân đóng trên đảo Oahu và do Patton - Tư lệnh Lữ đoàn xe tăng lâm thời đầu tiên trong Thế chiến thứ nhất - lên kế hoạch.

Ý tưởng sử dụng máy bay ném bom hoặc các công nghệ khác để chuyển hướng dòng dung nham ở Hawaii bị nhiều người Hawaii phản đối. Nhiều người đã cảnh báo không được tấn công, kẻo làm phật lòng Nữ thần núi lửa Pele - người tạo ra chính quần đảo núi lửa Hawaii. Người ta cảnh báo, hòn đảo có nguy cơ phải hứng chịu hậu quả tồi tệ hơn và đồng nghĩa với việc chấp nhận những đợt hủy diệt rực lửa không thể đoán trước của nữ thần.

Ngày 27/12/1935, mười máy bay ném bom Keystone B-3 và B-4 từ Luke Field trên đảo Ford ở giữa Trân Châu Cảng bay hơn 200 dặm đánh bom dòng chảy dung nham. Các máy bay đã thả 40 quả bom, một nửa bom nhồi chất nổ mạnh và số còn lại là bom khói WP để đánh dấu các điểm va chạm. Trong số hai mươi quả bom chứa chất nổ mạnh được thả xuống, mười sáu quả trúng khu vực mục tiêu và mười hai quả trúng đường hầm dung nham.

Jagger quan sát cuộc không kích từ kính viễn vọng ở chân ngọn núi lửa khác của Hawaii, núi Mauna Kea, ông nói: “Thử nghiệm không thể thành công hơn; kết quả đúng như dự đoán”, sau đó ông nói với New York Times. Dòng dung nham chậm lại từ tốc độ hơn 5.000 feet (khoảng 1500 mét) một ngày xuống còn 1.000 feet (khoảng 300 mét) sau vụ đánh bom, và ngừng hoàn toàn vào ngày 2/1/1936.

Nhưng không phải ai cũng chia sẻ sự lạc quan của Jagger.

Chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên?

Harold Stearns, một nhà khảo sát địa chất Mỹ, người đã bay cùng các phi công thực hiện nhiệm vụ, cho rằng, dòng chảy chậm và dừng lại là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ông chủ của Jagger, người đứng đầu Công viên Quốc gia Hawaii, nói với Quân đội một ngày sau cuộc tấn công: "Mặc dù chúng tôi chưa thể xác định hiệu quả mà cuộc bắn phá này đạt được... Tôi cảm thấy rất nghi ngờ rằng nó sẽ thành công trong việc chuyển hướng dòng chảy". Viết về vụ việc hơn 80 năm sau, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết, "tư duy hiện đại phần lớn ủng hộ kết luận của Stearns". Kế hoạch có ý nghĩa, nhưng những quả bom có thể không đủ mạnh.

Trong khi đó, một số người cho rằng vụ tai nạn chết người tại Luke Field hai tháng sau vụ đánh bom năm 1935 cướp đi sinh mạng sáu phi công tham gia cuộc đột kích là do Nữ thần Pele trừng phạt... Tuy nhiên, bảy năm sau, ngày 2/5/1942, Lực lượng Không quân Lục quân thời chiến vẫn điều động máy bay ném bom Mauna Loa, lần này nhắm vào các lỗ thông hơi của nó.

Máy bay (rất có thể là máy bay ném bom hạng nhẹ B-18 Bolo) một lần nữa ném trượt gần hết bom và bỏ lại một vài quả bom. Một nghiên cứu sau đó một lần nữa đánh giá cuộc đột kích không hiệu quả. Nhưng ba ngày sau, lỗ thông hơi bị sập, có thể là do nguyên nhân tự nhiên.

Tiếp theo, giai đoạn từ năm 1975-1976, Không quân Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm bằng cách sử dụng những quả bom nặng hơn 2.000 pound (khoảng gần một tấn) trên núi lửa, tạo ra những miệng núi lửa có đường kính 100 feet (khoảng 30 mét).

Một nghiên cứu chi tiết năm 1980 của J.P. Lockwood và F.A. Torgerson đánh giá rằng, các cuộc tấn công vào năm 1935 và 1942 dường như không có bất kỳ ảnh hưởng nào, nhưng nhận định, các loại vũ khí lớn hơn được sử dụng với độ chính xác cao hơn có thể có hiệu quả.

Năm 2015, nhân kỷ niệm lần thứ 80 của cuộc không kích, phi đội đã điều động hai chiếc B-52 bay qua Mauna Loa để kỷ niệm sự kiện lịch sử trong cuộc đối đầu độc đáo giữa con người và thiên nhiên. Theo thời gian, ý tưởng vẫn tiếp tục được đề xuất như một giải pháp khả thi để đối phó với các vụ phun trào núi lửa hiện đại.

(theo Popular Mechanics và National Interest)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-tranh-cai-giai-phap-kiem-che-tham-hoa-nui-lua-bang-bom-131516.html