Mỹ tính xong kịch bản chuyển quân NATO từ Kaliningrad đến Matxcova

Các nhà phân tích Mỹ tính đếm số lượng máy bay, xe tăng và tên lửa của Quân khu Tây nước Nga...

Lời nói đầu: Chúng tôi mới giới thiệu bài "Mỹ soạn xong kịch bản NATO tấn công phủ đầu tỉnh Kaliningrad” (DVO,02/02/0221) nói về bản kế hoạch tấn công Kalinigrad do Trung tâm Phân tích Hải quân Hoa Kỳ (Centre for Naval Analyzes-CNA) soạn thảo.

Để cung cấp thêm một số thông tin chi tiết liên quan, xin giới thiệu bài báo với tiêu đề và phụ đề trên của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc Vladimir Tuchkov đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 01/02/2021. Chúng tôi có bổ sung thêm bản đồ các quân khu Nga để tiện hình dung.

Ảnh: Twitter.com/mod_russia/ Global Look Press

Ảnh: Twitter.com/mod_russia/ Global Look Press

Mỹ soạn xong kịch bản NATO tấn công phủ đầu tỉnh Kaliningrad

Các phương tiện truyền thông đại chúng vừa mới cho đăng tải bản báo cáo về thực trạng các lực lượng và phương tiện (vũ khí- khí tài) của Quân khu Tây Nga.

Đây là một văn kiện được soạn thảo bới những chuyên gia đầu ngành của Trung tâm Phân tích Hải quân Hoa Kỳ (Centre for Naval Analyzes- viết tắt CNA), một cơ quan phân tích tuy phi lợi nhuận nhưng được Ngân sách liên bang Mỹ tài trợ.

Trung tâm này không chỉ làm việc cho riêng Hải quân và Quân đoàn Lính thủy Đánh bộ (USMC) Mỹ, mà còn cung cấp cả các dịch vụ nghiên cứu và phân tích cho các bộ ngành quân sự và những cơ quan Chính phủ Mỹ khác. Số lượng chuyên gia làm việc tại CNA- vượt quá 600 người.

Đây là một văn kiện rất gây “ấn tượng”. Trên 60 trang giấy khổ A4, các chuyên gia Mỹ đã xem xét đánh giá một cách rất chi tiết tiềm lực quân sự của Quân khu Tây, họ dẫn ra những số liệu rất cụ thể về các quân binh chủng và các liên binh đoàn (tập đoàn quân-ND) binh chủng hợp thành của Quân khu này.

Các nhà phân tích Mỹ thừa nhận rằng liên binh đoàn chiến dịch- chiến lược (tức quân khu- ND) ở phía Tây nước Nga này là liên binh đoàn mạnh nhất của quốc gia mà Hoa Kỳ đã xác định là đối thủ chủ yếu của mình- cùng với Trung Quốc.

Trong bản báo cáo có đoạn nhận định: “Quân khu Tây (Nga) - đó là quân khu có khả năng tác chiến tốt nhất, quân số đông nhất, và được huấn luyện chiến đấu tốt nhất.

Nhiệm vụ tăng cường sức mạnh cho hướng tác chiến phía Tây luôn là một ưu tiên hàng đầu của Matxcova: Matxcova coi việc NATO mở rộng là mối nguy hiểm có khả năng đe dọa đến sự tồn vong của đất nước Nga.

Những lực lượng Nga được triển khai tại Quân khu này có khả năng tiến hành tất cả các loại hình chiến dịch quân sự - từ gìn giữ hòa bình đến các hoạt động tác chiến cường độ cao với sự yểm hộ của không quân và pháo tên lửa (pháo phản lực) tầm xa. Có cả khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân". (hết trích)

Đồng thời, bản báo cáo này cũng chỉ rõ: lý do chủ yếu dẫn đến việc (Nga) phải “quân sự hóa” mạnh Quân khu Tây là sự xuất hiện tại Đông Âu trong năm 1991một chuỗi các quốc gia không thân thiện với Nga, trừ Belarus.

Mặc dù vậy, trên thực tế thì trong suốt hơn 20 năm (kể từ 1991-ND), Nga đã gần như không có phản ứng gì trước việc NATO không ngừng tăng cường tiềm lực quân sự của mình ngay gần sát biên giới phía Tây Nga.

Cụ thể, vào năm 2012, khi Anatoly Serdyukov còn đương chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trên các tuyến biên giới phía Tây Nga chỉ có 4 lữ đoàn bộ binh cơ giới và 2 lữ đoàn xe tăng trong thành phần 2 tập đoàn quân binh chủng hợp thành được triển khai.

Nhưng vào thời điểm hiện tại, các nhà phân tích CNA dẫn số liệu từ các nguồn thông tin mở đã khẳng định: chịu quyền chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Quân khu Tây hiện đang có:

"Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 1, các tập đoàn quân binh chủng hợp thành số 6 và số 20, Tập đoàn quân không quân và phòng không số 6, các sư đoàn và lữ đoàn của Bộ đội Đổ bộ Đường không, Hạm đội Baltic, các lực lượng đóng quân tại tỉnh Kaliningrad, cũng như các binh đoàn (cấp sư đoàn, quân đoàn-ND) khác trực thuộc Quân khu Tây".

Thái độ của Bộ Tư lệnh (giới chỉ huy quân sự- chính trị) Nga đối với biên giới phía Tây, - nơi tập trung sức mạnh của đối thủ quân sự chính, đã thay đổi hoàn toàn kể từ sau năm 2014.

Thêm nữa, việc Quân đội Nga tiến hành cải cách (chuyển đổi ngược) cơ cấu tổ chức - từ cơ cấu cấp lữ đoàn sang cấp sư đoàn diễn ra trước đó (trước năm 2014), đã tăng cường rất đáng kể sức mạnh chiến đấu của Quân khu Tây- vì làm như vậy có thể thành lập được các binh đoàn binh chủng hợp thành có quy mô lớn hơn.

Đã tăng cường sức mạnh cho Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 1 từng đóng ở CHDC Đức. Bộ tư lệnh tập đoàn quân này được chuyển từ Smolensk về đóng quân tại thị trấn Odintsovo gần Matxcova.

Các đơn vị của Tập đoàn quân này được bố trí tại các tỉnh Matxcova, Ivanovo, Nizhny Novgorod, Smolensk và Yaroslavl.

Trong cơ cấu biên chế của Tập đoàn quân có 1 sư đoàn xe tăng, 1 lữ đoàn xe tăng, 1 sư đoàn bộ binh cơ giới, 1 lữ đoàn bộ binh cơ giới, 1 lữ đoàn pháo binh, 1 lữ đoàn tên lửa, 1 lữ đoàn phòng không, 1 lữ đoàn trinh sát, 1 trung đoàn công binh và 1 trung đoàn bộ đội hóa học- phóng xạ- sinh học, 1 tiểu đoàn tác chiến điện tử.

Theo các nhà phân tích của CNA thì đây (Tập đoàn quân xe tăng số 1) là một tập đoàn quân rất mạnh có khả năng nhanh chóng điều xe tăng đến các vùng biên giới cực Tây Nga.

Nhưng họ cũng “phàn nàn” tiếc cho Quân đội Nga ở chỗ là nó có trong trang bị những kiểu xe tăng quá đa chủng loại - T-72, T-80, T-90. Tuy nhiên, các chuyên gia CNA này cũng tin chắc rằng, chính Tập đoàn quân tăng - thiết giáp số 1 này sẽ được trang bị kiểu xe tăng thế hệ mới nhất T-14 "Armata" trước tiên.

Do Phương Tây chắc mẩm rằng sẽ có một cuộc tấn công xâm lược của Quân đội Nga nhằm vào các nước Baltic, nên các nhà phân tích của CNA đặc biệt chú ý đến chủ đề này.

Theo các tính toán sơ bộ của họ, nhiệm vụ này có thể được các lực lượng của Tập đoàn quân binh chủng hợp thành số 20 với biên chế 2 sư đoàn bộ binh cơ giới, một lữ đoàn pháo binh và tên lửa cùng các đơn vị bảo đảm khác giải quyết một cách hiệu quả nhất. Trụ sở Bộ Tư lệnh Tập đoàn quân này đóng tại Smolensk.

Các đơn vị của nó được triển khai tại các tỉnh Belgorod, Bryansk, Voronezh, Kursk và Smolensk.

Báo cáo của CNA đặc biệt chú ý đến một chi tiết là Tập đoàn quân số 20 được trang bị các tổ hợp tên lửa chiến dịch-chiến thuật "Iskander-M"- kiểu tên lửa tỏ ra đặc biệt hiệu quả khi tiến hành các đòn tấn công ồ ạt nhằm vào các mục tiêu ở sâu trong hậu phương của đối phương.

Tập đoàn quân binh chủng hợp thành số 6 chỉ được các nhà phân tích CNA dành cho một vai trò thụ động. Theo họ thì nó có nhiệm vụ phòng ngự bảo vệ thủ đô Matxcova và thành phố St.Petersburg.

Nhưng có vẻ như các nhà phân tích CNA, ngoài việc dành cho Tập đoàn quân số 6 nhiệm vụ bảo vệ 2 thành phố nói trên, còn tính đến cả kịch bản sử dụng tập đoàn quân này cho một chiến dịch tấn công chớp nhoáng (Baltic).

Tuy nhiên, nếu như CNA “giao” vai trò tấn công xâm lược cho các binh đoàn xe tăng và bộ binh cơ giới Nga, thì các lực lượng không quân Nga phải tìm cách cố gắng ngăn chặn đội quân khổng lồ của Không quân NATO chọc thủng các tuyến phòng không và xâm nhập lãnh thổ Nga.

Không quân NATO mạnh hơn Không quân Nga, nếu so sánh số lượng máy bay tiêm kích, máy bay ném bom và các máy bay chuyên dụng khác.

Tuy nhiên, Tập đoàn quân Không quân và Phòng không số 6 Nga được trang bị cả các phương tiện tấn công đường không, các máy bay và phương tiện phòng thủ, các tổ hợp tên lửa phòng không, sẽ chắc chắn bảo vệ được không phận Nga trước một cuộc đột kích đường không từ hướng Tây.

Trụ sở Bộ tư lệnh Tập đoàn quân này đóng tại St. Peterburg. Trong thành phần của nó có Sư đoàn không quân hỗn hợp số 105 với biên chế 8 trung đoàn không quân, chủ yếu là các trung đoàn không quân tiêm kích, 3 trung đoàn máy bay lên thẳng, 2 sư đoàn phòng không.

Trong số những máy bay có trong trang bị, các máy bay hiện đại nhất chiếm đa số - đó là các máy bay tiêm kích Su-35, Su-30SM, máy bay ném bom Su-34, máy bay đánh chặn phiên bản hiện đai hóa MiG-31BM. Còn có một số lượng rất lớn máy bay lên thẳng tấn công đời mới nhất Ka-52, Mi-28N và Mi-28NM.

Phương tiện (vũ khí) phòng không chủ yếu là các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 cùng với các tổ hợp tên lửa phòng không “Pantsir-S1” phối thuộc.

Ba trong bốn sư đoàn (của binh chủng) Bộ đội Đổ bộ Đường không Nga đóng quân tại Quân khu Tây. Người Mỹ (các chuyên gia CAN) “giao” cho chúng một vai trò rất quan trọng khi tiến hành các chiến dịch tấn công.

Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự với NATO, thì theo CAN, Bộ đội Đổ bộ Đường không Nga sẽ có thể hoạt động rất hiệu quả ở phía sau đường chiến tuyến (tức trong hậu phương đối phương-ND).

Cần phải thừa nhận một điều: các nhà phân tích CNA đã có thái độ tận tâm tối đa khi chuẩn bị lập bản báo cáo này. Họ thậm chí không bỏ lọt một chi tiết rất nhỏ là các đơn vị của Bộ đội Đổ bộ Đường không Nga vừa mới được trang bị thêm xe tăng.

Bất chấp một thực tế là Hạm đội Baltic Nga không có gì nhiều để khoe, các chuyên gia CNA cũng đã tìm được "một vài câu tử tế" dành cho nó.

Người Mỹ tin rằng giữ vai trò quan trọng nhất đối trong bối cảnh trong trang bị của Hạmđội toàn những tàu lớp lớn già nua chính là các tàu mang tên lửa cỡ nhỏ “Buyan-M” và “Karakurt” mang các tên lửa “Kalibr” có tầm bắn tới 2.600 km. Có nghĩa là đối với những tên lửa này, toàn bộ lãnh thổ Châu Âu đều nằm gọn trong tầm bắn.

Các tổ hợp tác chiến điện tử cũng không bị các chuyên gia phân tích CNA bỏ qua; bởi vì nếu tỉnh tới loại vũ khí này, Nga có ưu thế rất đáng kể so với NATO: (các chuyên gia CAN thừa nhận như sau) “Hai lữ đoàn tác chiến điện tử độc lập (của Quân khu) đã làm tăng đáng kể sức mạnh chiến đấu cho bộ đội quân khu này . Chúng (hai lữ đoàn này) đã chứng minh được hiệu quả của mình trong các cuộc xung đột vũ trang thực tế”.

Về nguyên tắc, các phương tiện tác chiến điện tử Nga đã được tích hợp vào lực lượng mặt đất ở tất cả các cấp: trong các lữ đoàn, sư đoàn, quân đoàn binh chủng hợp thành, các quân khu.

Chúng có thể được sử dụng trong nhiều hình thái tác chiến. Các lữ đoàn tác chiến điện tử “lắng nghe” (và “thấu hiểu”) các phiên liên lạc vô tuyến của đối phương, chế áp các kênh liên lạc, và vô hiệu hóa ưu thế thông tin của đối phương.

Các đơn vị của Quân khu Tây hiện được trang bị những tổ hợp tác chiến điện tử mạnh nhất của Nga- đó là các tổ hợp "Bylina", "Krasukha", "Leer-3", "Matxcova” và "Murmansk-BM".

Các chuyên gia CNA đánh giá cao cả khả năng tấn công lẫn khả năng phòng thủ của Quân khu Tây. Và họ rút ra một kết luận không thể khác: (giá của) một cuộc chiến tranh với Nga sẽ là quá đắt đối với những ai quyết định phát động cuộc chiến tranh đó.

Nhưng dù vậy, các chuyên gia CNA vẫn "giảm giá" cho lực lượng NATO nếu lực lượng này tấn công Nga. Nhưng trên thực tế, chắc chắn giá sẽ còn đắt hơn (dự tính). Bởi vì trong bản báo cáo này hoàn toàn không tính đến các nguồn lực quân sự Nga đang tập trung tại tỉnh Kaliningrad.

Và nguồn lực này rất đáng nể. Ở đó (Kaliningrad) có 1 sư đoàn phòng không, 1 lữ đoàn bộ binh cơ giới, 1 lữ đoàn pháo binh, 2 lữ đoàn tên lửa và 1 lữ đoàn lính thủy đánh bộ.

Cũng chính Kaliningrad là nơi được ưu tiên số một khi trang bị các tổ hợp tên lửa chiến dịch- chiến thuật “Iskander-M” cùng các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 “Triumph”.

Lê Hùng - Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/bi-mat-quan-su/my-tinh-xong-kich-ban-chuyen-quan-nato-tu-kaliningrad-den-matxcova-3427008/