Mỹ tính tăng ngân sách quốc phòng

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AP)

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AP)

Theo đề xuất, ngân sách quốc phòng và an ninh quốc gia Mỹ trong năm tài chính 2023 có thể tăng 4% lên 813 tỉ USD. Phần lớn nguồn lực vẫn được dành để đối phó thách thức hàng đầu từ Trung Quốc, bên cạnh chiến lược củng cố an ninh châu Âu trước “mối đe dọa cấp thiết” từ cuộc giao tranh Nga - Ukraine.

Tổng thống Biden công bố dự thảo ngân sách liên bang. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Biden công bố dự thảo ngân sách liên bang. Ảnh: Getty Images

Ngày 29-3, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố đề xuất ngân sách 5.790 tỉ USD cho năm tài chính 2023 bắt đầu từ ngày 1-10. Trong đó, kinh phí cho quốc phòng và an ninh cao hơn 31 tỉ USD so với mức 782 tỉ USD của dự luật chi tiêu chính phủ trị giá 1.500 tỉ USD được Tổng thống Biden ký ban hành hồi đầu tháng này. Ðây cũng là mức chi cao kỷ lục của Mỹ dành cho an ninh quốc gia trong thời bình.

Nói với Hãng tin CNN, một quan chức quốc phòng cho biết đề xuất tăng chi tiêu quân sự không phải để tăng quy mô lực lượng vũ trang, mà thay vào đó là hiện đại hóa quân đội để cạnh tranh với Nga và Trung Quốc. Trong thông cáo báo chí, Nhà Trắng cũng nói rõ tình hình thế giới đã thay đổi. Bên cạnh nhiệm vụ chống khủng bố, Mỹ còn đối mặt sự gia tăng cạnh tranh từ hai cường quốc nói trên và việc đầu tư vào nhiều lĩnh vực như vũ trụ, không gian mạng, cơ sở công nghiệp cùng những năng lực hiện đại khác như vũ khí siêu vượt âm là điều cần thiết.

Đầu tư “khủng” cho nghiên cứu và mua sắm vũ khí

Chính quyền Tổng thống Biden dự kiến dành 773 tỉ USD hỗ trợ đặc biệt cho Lầu Năm Góc. Với trọng tâm hiện đại hóa quân đội, chính phủ yêu cầu khoản đầu tư lớn 276 tỉ USD cho mua sắm, nghiên cứu và phát triển thiết bị quân sự. Ðáng chú ý trong số này là kế hoạch chi 56,6 tỉ USD để mua máy bay chiến đấu F-35 và F-15EX song song dự án phát triển máy bay ném bom B-21 và máy bay không người lái; 40,8 tỉ USD đóng thêm 8 tàu chiến bao gồm cả tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo; 12,6 tỉ USD để hiện đại hóa trang thiết bị chiến đấu của Lục quân và Thủy quân lục chiến.

Ngoài ra, Washington còn đề nghị nguồn tài trợ 6,1 tỉ USD cho hoạt động răn đe ở Thái Bình Dương, bao gồm chính sách tăng cường khả năng phòng thủ đảo Guam, các hệ thống cảnh báo và theo dõi tên lửa mới. Theo Lầu Năm Góc, ngân sách quốc phòng ưu tiên vấn đề Trung Quốc như thách thức cần giải quyết song song chiến lược phát triển năng lực và các hoạt động ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Trên mặt trận châu Âu, chính quyền Tổng thống Biden đề xuất tài trợ 6,9 tỉ USD đối với Sáng kiến Răn đe châu Âu nhằm đối phó “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga và hỗ trợ Ukraine.

Bên cạnh các khoản đầu tư quân sự, ngân sách quốc phòng mới còn đề nghị tăng mức lương lên 4,6% cao nhất trong hai thập kỷ qua, cho cả nhân viên quân sự và dân sự. Nguồn tiền đồng thời mở rộng cam kết của Bộ Quốc phòng trong công tác chuẩn bị cho biến đổi khí hậu, bao gồm yêu cầu 3,1 tỉ USD cho các khoản đầu tư “tạo nền tảng cho một lực lượng có năng lực hơn trong tương lai”.

Ngoài khoản chi kỷ lục cho quốc phòng, dự thảo ngân sách của Mỹ còn gây chú ý với đề xuất dành 81,7 tỉ USD trong 5 năm để chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai. Ðể giải quyết “mớ hỗn độn tài chính” dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump, kế hoạch ngân sách của Tổng thống Biden còn đưa ra mức thuế tối thiểu 20% trên tổng thu nhập mọi hộ gia đình có tài sản hơn 100 triệu USD.

Úc chi nhiều hơn cho quốc phòng

Theo Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg, Canberra dự kiến tăng chi tiêu cho quốc phòng và an ninh quốc gia để đáp ứng hàng loạt thách thức mà nước này đối mặt hiện nay, bao gồm mối đe dọa từ cuộc giao tranh Nga - Ukraine và thái độ ngày càng quyết đoán của quân đội Trung Quốc. Hồi đầu tháng 3, Thủ tướng Úc Scott Morrison cũng thông báo về việc chi thêm 27 tỉ USD để mở rộng lực lượng quốc phòng đến năm 2040. Việc lấy an ninh làm trọng tâm và chỉ trích Công đảng “yếu thế” trước Trung Quốc là chiến lược chủ đạo của chính quyền đảng Tự do cầm quyền trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5. Theo khảo sát, 2/3 người dân Úc hiện coi Bắc Kinh là mối đe dọa an ninh hơn là đối tác kinh tế.

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/my-tinh-tang-ngan-sach-quoc-phong-a145194.html