Mỹ tính rã sắt vụn tàu LCS đã trang bị

Sau khi quyết định hủy bỏ chương trình Chiến hạm tác chiến ven bờ (LCS), Mỹ còn có kế hoạch rã toàn bộ tàu LCS Freedom thành sắt vụn.

Nguyên nhân của kế hoạch này là lỗi kỹ thuật nghiêm trọng được phát hiện trong sự kết hợp không đồng nhất giữa động cơ turbin khí Rolls-Royce MT30 và động cơ đốt trong diesel Colt-Pielstick khiến thường xuyên chết máy và không cung cấp đủ lực cần thiết cho tàu hoạt động.

Ngoài ra, hệ thống điện tử yếu kém rất dễ để tin tặc xâm nhập gây hại cho tàu và khả năng tác chiến. Đặc biệt, dù được coi là tàu chiến nhưng hỏa lực của những chiếc LCS này không hơn những tàu của lực lượng cảnh sát biển Mỹ.

Chiến hạm LCS của Mỹ.

Chiến hạm LCS của Mỹ.

"Để khắc phục những khiếm khuyết này sẽ phải bỏ ra số tiền tương đương đóng những chiếc tàu mới. Vì vậy chúng tôi đang cân nhắc kế hoạch rã sắt vụn những tàu đã trang bị để sử dụng vào việc tái sản xuất", Bộ tư lệnh Hải quân Mỹ cho biết trong một thông báo.

Cùng với đó, tờ Task & Purpose của Mỹ còn mỉa mai khi cho rằng, tàu tác chiến ven bờ LCS lớp Freedom và cả lớp Independence đều là "những đống rác biết bơi".

Báo Mỹ cho rằng, sau khi lãng phí mất gần 20 năm và nhiều tỷ USD, Hải quân Hoa Kỳ đã buộc phải thừa nhận rằng, chương trình chế tạo tàu tác chiến ven bờ LCS dường như đã biến thành một "thất bại tuyệt đối".

Theo đó, các tàu mới này hoàn toàn không phù hợp với các hoạt động quân sự, khi chúng dễ dàng bị các chiến hạm nhỏ hơn của các quốc gia thường thường bậc trung đánh đắm. Do đó, các tàu này mà chỉ đơn thuần là tuần tiễu và chống… buôn lậu, chống cướp biển.

Tàu LCS được Hải quân Mỹ phát triển nhằm phục vụ nhu cầu thực hiện nhiệm vụ tại các vùng nước nông ven biển, ngăn chặn đối phương tiếp cận bờ biển. Chiến hạm LCS đầu tiên được biên chế vào lực lượng Hải quân Mỹ vào ngày 8/11/2008 là USS Freedom (LCS-1).

Sau khi các khinh hạm 4.000 tấn lớp Oliver Hazard Perry được cho nghỉ hưu toàn bộ, Hải quân Mỹ vẫn đang loay hoay trong việc tìm ra một lớp tàu chiến mới để hỗ trợ tàu khu trục Arleigh Burke và tàu tuần dương Ticonderoga trong biên đội tác chiến hỗn hợp.

Họ từng kỳ vọng rằng tàu chiến ven bờ LCS sẽ có thể đảm nhiệm vai trò trên, tuy nhiên do được thiết kế với mục đích khác đó là len lỏi vào sát bờ biển của đối phương tung đòn tập kích nên LCS tỏ ra không phù hợp khi triển khai ngoài đại dương, trong khi cũng chẳng có vũ khí nào hiệu dụng để tấn công vào bờ biển đối phương.

Khái niệm Tàu tác chiến ven biển (LCS) của Mỹ không bó hẹp trong phạm vi bờ biển nước Mỹ mà là bờ biển thế giới. Do đó, mặc dù tàu tác chiến ven biển được Mỹ xếp vào loại loại tàu có kích thước tương đối nhỏ, nhưng nhỏ là so với Mỹ chứ chúng đã được xếp vào hàng chiến hạm tầm trung của các nước khác trên thế giới.

Chính vì những nguyên nhân trên nên dù đã có kế hoạch trang bị tới 50-60 chiếc tàu này nhưng đến năm 2014, Mỹ buộc phải giảm đơn đặt hàng tàu LCS do không chắc chắn về hiệu quả của chúng, trong khi các tàu đã chế tạo liên tục gặp sự cố hỏng hóc, phải sửa chữa, bảo trì dài hạn.

Cùng với kế hoạch rã sắt vụn, Hải quân Mỹ đã lên kế hoạch đóng mới 20 chiếc FFG hiện đại để cấp tốc nâng cao sức mạnh cho hạm đội, những chiến hạm này sẽ có lượng giãn nước vào khoảng 4.000 - 6.000 tấn, trị giá 950 triệu USD mỗi tàu, mức giá trên cũng đã bằng một nửa tàu khu trục Aegis lớp Arleigh Burke (1,8 tỷ USD).

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/my-tinh-ra-sat-vun-tau-lcs-da-trang-bi-3427075/