Mỹ tính chuyện khai thác Mặt trăng

Hãng Reuters ngày 6-5 dẫn các nguồn thạo tin cho biết Washington đang soạn thảo một thỏa thuận quốc tế mới về khai thác khoáng sản trên Mặt trăng.

NASA mô phỏng hình ảnh các phi hành gia khám phá Mặt trăng thuộc chương trình Artemis. Ảnh: AP

NASA mô phỏng hình ảnh các phi hành gia khám phá Mặt trăng thuộc chương trình Artemis. Ảnh: AP

Thỏa thuận “Artemis Accords”, đặt theo tên chương trình Mặt trăng mới của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), đề xuất thiết lập những “vùng an toàn” xung quanh các căn cứ trên Mặt trăng trong tương lai nhằm ngăn chặn những thiệt hại hoặc hành động can thiệp từ các quốc gia hoặc công ty đối thủ hoạt động ở khu vực lân cận. Tài liệu này còn muốn tạo ra khung pháp lý để các công ty có thể sở hữu những tài nguyên khai thác được trên Mặt trăng. Năm 2015, Quốc hội Mỹ từng thông qua đạo luật cho phép các công ty nước này làm chủ những khoáng sản khai thác ngoài vũ trụ, song cộng đồng quốc tế không hề có những quy định tương tự.

Trong những tuần tới, giới chức xứ cờ hoa sẽ chính thức đàm phán thỏa thuận nói trên với các đối tác không gian “có chung ý tưởng” như Canada, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Tuy nhiên, Nga sẽ không là đối tác ban đầu trong Artemis Accords, giữa lúc Lầu Năm Góc ngày càng xem Mát-xcơ-va là thù địch vì thực hiện những hoạt động “đe dọa” các vệ tinh do thám của Mỹ trên quỹ đạo Trái đất. Kể từ năm 2011 đến nay, NASA phụ thuộc vào Nga trong việc đưa phi hành gia lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) cũng như quay trở về Trái đất.

Thỏa thuận “Artemis Accords” đánh dấu nỗ lực mới nhất trong việc lôi kéo các đồng minh tham gia kế hoạch đưa con người và xây dựng các trạm vũ trụ trên bề mặt “chị Hằng” trong vòng 1 thập niên tới của NASA. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số quốc gia khác xem Mặt trăng là tài sản chiến lược quan trọng ngoài vũ trụ. Hành tinh này còn có giá trị để thực hiện nghiên cứu khoa học lâu dài, từ đó có thể hỗ trợ những sứ mệnh bay tới Sao Hỏa trong tương lai.

Năm 1967, Mỹ cùng nhiều quốc gia khác đã ký kết Hiệp ước Không gian vũ trụ. Văn kiện này quy định các thiên thể và Mặt trăng “không phải là mục tiêu để một quốc gia chiếm đoạt bằng cách tuyên bố chủ quyền, sử dụng các công cụ, chiếm đóng hoặc bất cứ cách thức khác”. Tuy nhiên, một nguồn tin giấu tên khẳng định “thỏa thuận mới của Mỹ không phải là một dạng tuyên bố về lãnh thổ”. Theo đó, những vùng an toàn sẽ cho phép hợp tác giữa các đối tác không gian mà về mặt kỹ thuật không tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.

Artemis Accords nằm trong kế hoạch của chính quyền ông Trump nhằm từ bỏ tiến trình đàm phán hiệp ước tại Liên Hiệp Quốc và thay vào đó là đạt thỏa thuận với những quốc gia “cùng chung mục đích”. Một quan chức giải thích rằng Mỹ thực hiện bước đi này một phần là do tiến trình đàm phán kéo dài rất lâu và việc hợp tác với những nước không khám phá vũ trụ sẽ vô ích.

Ngoài ra, ở thời điểm nhiều quốc gia đang coi vũ trụ là chiến trường mới, thỏa thuận kể trên cũng là biểu tượng cho thấy vai trò ngày càng lớn của NASA trong việc thực thi chính sách đối ngoại của Washington. NASA, tổ chức vốn nghiên cứu về khoa học, công nghệ và khám phá, đang đầu tư nhiều chục tỉ USD vào chương trình Artemis, với mục đích đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2024 và sau đó thiết lập “sự hiện diện bền vững” tại cực Nam hành tinh này. Lần cuối con người đặt chân lên Mặt trăng là năm 1972, trong sứ mệnh Apollo cuối cùng của Mỹ.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/my-tinh-chuyen-khai-thac-mat-trang-a121043.html