Mỹ tìm kiếm mối quan hệ kiểu mới với châu Phi

Trong chuyến công du đầu tiên tới các nước phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi sau gần 2 năm tại nhiệm, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố tìm kiếm một tầm nhìn tích cực cho hợp tác giữa Mỹ với châu lục này.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Pompeo bắt đầu chuyến công du từ ngày 15/2 với các chặng dừng chân tại Senegal, Angola và Ethiopia. 3 nước trên được lựa chọn vì “đây là những nước đóng góp lớn cho sự ổn định khu vực”. Theo quan chức này, một “chủ đề lớn” sẽ được đề cập trong chuyến đi này là vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc tại châu Phi, nước đã chi rất nhiều tiền vào châu lục này trong chính sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng toàn cầu của mình. Một ví dụ điển hình, Trung Quốc đã đầu tư đặc biệt mạnh vào Angola, nước hiện đang nợ Bắc Kinh khoảng 25 tỷ USD và sẽ thanh toán nợ bằng dầu mỏ.

Chuyến công du đầu tiên tới các nước phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi sau gần 2 năm tại nhiệm được cho là “cơ hội quý giá” để Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hiện thực hóa Chiến lược châu Phi của Tổng thống Donald Trump. Nhận định về chuyến thăm, GS. Landry Signé, Trường Quản lý toàn cầu Thunderbird; thành viên cao cấp của Chương trình Kinh tế và phát triển toàn cầu của Viện Brookings trong bài phân tích mới đây đăng trên trang mạng Thehill cho rằng chuyến công du của Ngoại trưởng Pompeo tới 3 nước châu Phi tập trung vào 5 vấn đề chính. Thứ nhất, Mỹ cần đảm bảo với các đối tác châu Phi rằng nước này sẽ một lần nữa dành ưu tiên cho châu Phi tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Báo cáo “Tầm nhìn châu Phi 2020-2030” của Viện Brookings cho rằng nhiều vấn đề quan trọng đối với “Lục địa Đen” đang mang đến một cơ hội to lớn cho thế giới, cũng như những rủi ro tiềm tàng đối với sự ổn định và thịnh vượng toàn cầu nếu bị các đối tác toàn cầu bỏ qua.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm châu Phi với nhiều mục đích.

Ngoại trưởng Pompeo cũng sẽ cần chú trọng vấn đề hỗ trợ mạnh mẽ Khu vực Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) và hợp tác với Liên minh châu Phi (AU). Nếu được thực hiện thành công, AfCFTA sẽ góp phần vào sự thịnh vượng của Mỹ thông qua việc mang đến những cơ hội quý giá để mở rộng kinh doanh và góp phần tạo việc làm ở nước Mỹ, đồng thời thúc đẩy sự thịnh vượng của châu Phi.

Cùng với đó, việc phối hợp với Chính phủ Mỹ tái lập Diễn đàn Doanh nghiệp Mỹ - châu Phi hoặc một diễn đàn thương mại và đầu tư tương tự của Mỹ - châu Phi với các cam kết cấp cao cũng là một vấn đề ưu tiên trong nghị sự của Ngoại trưởng Pompeo trong chuyến công du này. Ước tính đến năm 2030, châu Phi sẽ có 1,7 tỷ dân với tổng chi tiêu tiêu dùng và chi phí kinh doanh là 6.700 tỷ USD. Đây là những cơ hội to lớn giúp các tập đoàn của cả Mỹ và châu Phi phát triển.

Trước thềm chuyến công du của Ngoại trưởng Pompeo, Mỹ đã gửi đi những thông điệp hỗ trợ phù hợp với mục tiêu trên. Trong tuần này, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo bắt đầu cân nhắc cắt giảm hiện diện quân sự tại châu Phi, thay vào đó là các nguồn lực khác. Ý tưởng này khiến Pháp lo ngại các tác động xấu đối với cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Pháp hiện đang đứng đầu một chiến dịch có sự tham gia của 4.500 binh sĩ tại khu vực Sahel nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của các tay súng thánh chiến, trong khi Mỹ giúp tiếp nhiên liệu trên không cho máy bay và cung cấp các hỗ trợ logistic khác. Theo GS. Ahmadou Aly Mbaye, Đại học Cheikh Anta Diop ở Dakar (Senegal), đây sẽ là một chủ đề quan trọng được đưa ra bàn thảo trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo.

Trong các cuộc thảo luận, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo sẽ bàn về các vấn đề lợi ích song phương giữa Senegal, Angola, Ethiopia và Mỹ. Tuy nhiên, theo GS. Signé, cách thực tế duy nhất để thúc đẩy Chiến lược châu Phi của chính quyền Tổng thống Trump - hay rộng hơn là quan hệ Mỹ - châu Phi vì sự thịnh vượng chung - sẽ là tham gia vào các vấn đề lợi ích của châu Phi, không chỉ bằng lời nói và những cam kết mà cả bằng hành động.

N.Minh

((Theo RFI, France24.fr, le Monde))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/my-tim-kiem-moi-quan-he-kieu-moi-voi-chau-phi-n169096.html