Mỹ tìm kiếm liên minh toàn cầu chống Iran

Ngày 24-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến Saudi Arabia để tham vấn với các đồng minh khu vực trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Iran. Ông Pompeo bày tỏ mong muốn xây dựng một liên minh toàn cầu chống lại Iran, một tuần sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng khiến thế giới phải chứng kiến việc Washington rút lại quyết định phát động cuộc tấn công quân sự vào Iran.

Ngày 24-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến Saudi Arabia để tham vấn với các đồng minh khu vực trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Iran. Ông Pompeo bày tỏ mong muốn xây dựng một liên minh toàn cầu chống lại Iran, một tuần sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng khiến thế giới phải chứng kiến việc Washington rút lại quyết định phát động cuộc tấn công quân sự vào Iran.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trước khi bay đến Saudi Arabia. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trước khi bay đến Saudi Arabia. Ảnh: AFP

Liên kết chiến lược

Ông Pompeo dự kiến sẽ gặp Quốc vương Saudi Arabia Salman và Thái tử Mohammed bin Salman tại thành phố Jeddah bên bờ Biển Đỏ, trước khi bay tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Hai đồng minh Arab Hồi giáo dòng Sunni của Mỹ đang lo sợ sự quyết đoán gia tăng của Iran (nước Cộng hòa Hồi giáo theo dòng Shiite) và đang tìm cách hạn chế tầm ảnh hưởng của Tehran trong khu vực. Cả hai đều ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn của Mỹ trước đối thủ Iran. Các chặng dừng chân ở Jeddah và Abu Dhabi được thu xếp một cách vội vàng vào cuối tuần trước được bổ sung trong lộ trình đến thăm Ấn Độ và chỉ được công bố ngay trước khi ông khởi hành là dấu hiệu cho thấy những diễn biến nhanh chóng và không thể lường trước.

Nói chuyện với các phóng viên khi rời khỏi Washington, ông Pompeo cho biết Saudi Arabia và UAE là “hai đồng minh lớn của Mỹ trước thách thức mà Iran đặt ra”. Ông Pompeo nói: “Chúng tôi sẽ bàn với Saudi Arabia và UAE về cách đảm bảo sự liên kết chiến lược giữa tất cả chúng tôi, và cách thức chúng tôi có thể xây dựng một liên minh toàn cầu, một liên minh... hiểu được thách thức này”. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, Mỹ tìm kiếm một liên minh “không chỉ trên khắp các quốc gia vùng Vịnh mà ở Châu Á và Châu Âu hiểu được thách thức này và sẵn sàng đẩy lùi, chống lại nhà tài trợ khủng bố lớn nhất thế giới- Iran”. Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố mục tiêu đàm phán của ông với Saudi Arabia và UAE là ngăn Iran có được “các nguồn lực chống khủng bố, xây dựng hệ thống vũ khí hạt nhân, và tạo ra chương trình tên lửa”. Ông Pompeo cũng cho biết, ông đã sử dụng quyền lực khẩn cấp hiếm hoi, coi Iran là mối đe dọa, để cho phép bán vũ khí trị giá 8,1 tỷ USD cho Saudi Arabia và UAE, bất chấp những lo ngại trong Quốc hội Mỹ rằng vũ khí sẽ giết dân thường trong cuộc chiến tàn khốc ở Yemen.

Dù đưa ra những phát biểu cứng rắn, song ông Pompeo đã dẫn lời của Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence rằng Mỹ sẵn sàng thương lượng với Iran mà không cần điều kiện tiên quyết trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng.

Thái độ không nhất quán

Chỉ trong một tuần qua, Mỹ liên tục thay đổi thái độ đối với Iran, từ hiếu chiến, hòa giải đến đe dọa tấn công quân sự sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của quân đội Mỹ. Ông Trump ban đầu cho biết Iran đã phạm một “sai lầm rất lớn” và “thật khó tin” rằng việc bắn hạ máy bay không người lái hôm 20-6 không phải là cố ý. Sau đó, ông cho rằng, đó là một hành động vô ý được thực hiện bởi một người Iran “hời hợt và ngu ngốc” và đã rút lại quyết định tấn công quân sự trả đũa Iran. Hôm 22-6, ông Trump đã tự đảo ngược và tuyên bố rằng Iran đã hành động “có chủ ý”. Nhưng ông Trump sau đó cho biết ông đánh giá cao quyết định không bắn hạ một máy bay do thám Mỹ có người lái của Iran, và ông đã phản đối việc trở thành “bạn thân” của Iran nếu cuối cùng Tehran đồng ý từ bỏ nỗ lực chế tạo vũ khí hạt nhân.

Sau đó, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cảnh báo thẳng thừng rằng, Iran không nên “nhầm lẫn giữa sự thận trọng và sự yếu kém của Mỹ” sau khi ông Trump quyết định ngừng cuộc tấn công quân sự vào Iran. Ông Trump đã rút lại quyết định tấn công theo kế hoạch sau khi biết rằng khoảng 150 người sẽ bị giết, nhưng ông tuyên bố lựa chọn quân sự vẫn tiếp tuc được xem xét. Là người có quan điểm diều hâu với Iran, ông Bolton nhấn mạnh rằng Mỹ bảo lưu quyền tấn công vào thời điểm sau đó.

Hôm 23-6, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cáo buộc “sự hiện diện quân sự” của Mỹ đã thổi bùng ngọn lửa. Ngay sau đó, lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen đã phát động một cuộc tấn công vào một sân bay ở miền nam Saudi Arabia, giết chết một người và làm bị thương 7 người khác. Cơ quan chức năng Saudi Arabia và Mỹ cho rằng, các cuộc tấn công như vậy là ví dụ về “hành vi độc ác” của Iran ở Trung Đông.

Việc Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ đánh dấu mức leo thang mới trong căng thẳng giữa hai nước. Các lực lượng không gian mạng của quân đội Mỹ hôm 20-5 đã đáp trả bằng cách phát động các cuộc tấn công mạng chống lại Iran, vô hiệu hóa các hệ thống máy tính kiểm soát các bệ phóng tên lửa và tên lửa của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Tăng cường các lệnh trừng phạt

Chính quyền Tổng thống Trump đang nhắm đến việc làm tê liệt nền kinh tế Iran và thay đổi chính sách bằng cách áp đặt lại các biện pháp trừng phạt, trong đó có lĩnh vực xuất khẩu dầu của Iran. Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Adel al-Jubeir ngày 24-6 cũng cảnh báo Iran sẽ phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu tiếp tục “các chính sách gây hấn”. Ông al-Jubeir nêu rõ: “Hiện nay, Iran đang bị trừng phạt kinh tế nghiêm trọng. Các lệnh trừng phạt này sẽ được tăng cường. Nếu Iran tiếp tục theo đuổi các chính sách gây hấn của mình, Tehran sẽ phải trả giá”.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi khẳng định, các lệnh trừng phạt kinh tế mới mà Mỹ chuẩn bị áp đặt đối với nước này sẽ không gây ra bất cứ ảnh hưởng nào. “Chúng tôi thực sự không biết các lệnh cấm vận mới ra sao và họ muốn nhằm vào đâu nữa, đồng thời cũng không cho rằng chúng gây ra bất cứ ảnh hưởng nào”, ông Mousavi tuyên bố tại cuộc họp báo ở Tehran.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_208337_my-tim-kiem-lien-minh-toan-cau-chong-iran.aspx