Mỹ tiếp tục răn đe quân sự trước Trung Quốc

Ngày 17-7, Không quân Mỹ đã triển khai 2 máy bay ném bom tàng hình B-1B đến đảo Guam trong lúc 2 nhóm tác chiến tàu sân bay của hải quân nước này tiếp tục diễn tập chung và thực hiện các chiến dịch ở Biển Ðông.

Bộ đôi oanh tạc cơ tàng hình B-1B của Không quân Mỹ được điều đến đảo Guam hôm 17-7. Ảnh: U.S. AIR FORCE

Bộ đôi oanh tạc cơ tàng hình B-1B của Không quân Mỹ được điều đến đảo Guam hôm 17-7. Ảnh: U.S. AIR FORCE

Báo STARS AND STRIPES dẫn thông báo từ Không quân Mỹ cho hay, 2 chiếc B-1B đến từ căn cứ không quân Ellsworth, bang Nam Dakota sẽ thực hiện các hoạt động tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam.

Hai chiếc B-1B sẽ tham gia huấn luyện với các quốc gia đối tác và đồng minh cùng với những lực lượng khác của Mỹ tại khu vực. Việc triển khai B-1B lần này cũng nhằm ủng hộ “các sứ mệnh răn đe chiến lược, củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực”, theo thông báo của Không quân Mỹ. Thông báo cũng cho biết có khoảng 170 thành viên của đoàn bay đến đảo Guam tham gia hỗ trợ sứ mạng trên.

Trước khi được triển khai tại đảo Guam, 2 máy bay ném bom này đã hoàn thành đợt huấn luyện với các chiến đấu cơ F-15J trên biển Nhật Bản.

Ðộng thái mới của Không quân Mỹ diễn ra giữa lúc 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan bắt đầu đợt diễn tập chung ở Biển Ðông lần thứ hai trong tháng này, chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố chính thức bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Biển Ðông.

Trước đó ngày 4-7, 1 máy bay ném bom B-52 của Mỹ từ căn cứ không quân Barksdale ở bang Louisiana đã đến Biển Ðông để tham gia cuộc tập trận hiệp đồng trên biển với 2 nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz và USS Ronald Reagan. Khi đó, quân đội Trung Quốc đang tiến hành cuộc tập trận phi pháp xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ ngày 1 đến 5-7.

Cùng với việc triển khai oanh tạc cơ đến đảo Guam, theo tiết lộ của Sáng kiến điều tra tình hình chiến lược Biển Ðông (SCSPI), một nhóm nghiên cứu ở Ðại học Bắc Kinh, máy bay trinh sát E-8C của Không quân Mỹ cũng đã xuất hiện gần bờ biển tỉnh Quảng Ðông của Trung Quốc trong ngày 17-7 và đây là lần thứ 3 trong tuần máy bay này có động thái áp sát Trung Quốc như vậy. Ngày 17-7, 1 máy bay cảnh báo sớm trên không E-3 Sentry của Không quân Mỹ cũng xuất hiện ở Biển Ðông.

►Trung Quốc đưa tiêm kích tới Hoàng Sa

Theo tạp chí Forbes, ảnh chụp vệ tinh hôm 15-7 cho thấy ít nhất 4 tiêm kích của Trung Quốc xuất hiện trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, không lâu sau khi Mỹ ra tuyên bố chính thức bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Ðông. Không rõ số lượng tiêm kích này chỉ là 4 hay nhiều hơn và còn có các tiêm kích khác loại hay không.

Các máy bay chụp được trên ảnh vệ tinh được cho là mẫu J-11B, biến thể của tiêm kích nổi tiếng Sukhoi Su-27 do Liên Xô thiết kế. Loại tiêm kích này được xem khá tương ứng với mẫu F-15 Eagle của Không quân Mỹ.

Tạp chí Forbes nhận định thời điểm Trung Quốc đưa các tiêm kích tới đảo Phú Lâm có thể liên quan tới nhiều yếu tố bên ngoài. Trước hết, động thái này có thể liên quan trực tiếp tới lập trường mới của Mỹ đối với Biển Ðông. Ðộng thái này cũng đáng chú ý vì diễn ra 1 ngày sau khi tàu khu trục USS Ralph Johnson của Hải quân Mỹ tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) trong khu vực và khoảng 1 tuần sau khi Mỹ đưa 2 hàng không mẫu hạm tới Biển Ðông tập trận.

Trong khi đó, tờ South China Morning Post ngày 18-7 dẫn 2 nguồn tin tiết lộ Trung Quốc dự kiến hạ thủy tàu sân bay thế hệ mới Type 002 trong năm tới và đang đẩy nhanh công trình đóng chiếc thứ hai thuộc thế hệ này. Nguồn tin cho biết thêm công trình đóng tàu Type 002 là một thách thức vì đây là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế.

Chiếc Type 002 thứ nhất, với lượng giãn nước khoảng 85.000 tấn, được bắt đầu đóng trong năm 2015 và đây sẽ là tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc theo sau 2 Liêu Ninh và Sơn Ðông. Tàu sân bay Sơn Ðông là hàng không mẫu hạm tự đóng đầu tiên của Trung Quốc, có lượng giãn nước khoảng 65.000 tấn. Tàu Sơn Ðông dựa theo nguyên mẫu của tàu Varyag mà Trung Quốc mua lại của Ukraine năm 1998 và cải tạo rồi đổi tên thành Liêu Ninh.

Trung Quốc có kế hoạch phát triển ít nhất 6 nhóm tác chiến tàu sân bay trước năm 2035. Nước này được cho có 3 hạm đội lần lượt hoạt động ở Hoàng Hải, biển Hoa Ðông và Biển Ðông, với mỗi hạm đội cần 2 tàu sân bay. Mỹ hiện vận hành 11 tàu sân bay và đang đóng thêm 2 chiếc nữa.

ĐỨC TRUNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/my-tiep-tuc-ran-de-quan-su-truoc-trung-quoc-a123445.html