Mỹ tiếp tục phá các kỷ lục liên quan đến dịch bệnh COVID-19
Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở New York. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 13/11 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới có 53,06 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1,29 triệu ca tử vong.
Hiện còn 14,59 triệu ca đang phải điều trị, trong đó số bệnh nhân COVID-19 cần điều trị tích cực chiếm 1%.
Trong 24 giờ qua, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19, đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng có, 153.902 ca nhiễm và 1.095 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này lần lượt ở 10,86 triệu ca và 248.493 ca.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh dịch Mỹ (CDC), đây đã là ngày thứ 7 liên tiếp nước Mỹ phải chứng kiến số ca mắc mới và tử vong hôm sau cao hơn hôm trước và liên tục xác lập các kỷ lục mới.
Số người tử vong vì COVID-19 tại Mỹ trong ngày 12/11 là 1.479 người, cao nhất kể từ đầu tháng 8. Với những diễn biến trên, nước Mỹ đã trải qua tuần chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh với hơn 875.000 ca nhiễm mới. Như vậy, cứ 378 người Mỹ thì có một người mắc bệnh COVID-19, với tỷ lệ mắc mới tăng 41%, nhập viện tăng 20% và tử vong tăng 23%.
Đáng chú ý, trong số các ca mắc mới tuần qua có gần 74.000 trẻ em, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số trẻ em mắc bệnh ở nước này lên hơn 920.000 trường hợp.
Số ca mắc mới và nhập viên tăng cao đang gây áp lực lớn chưa từng thấy lên hệ thống chăm sóc sức khỏe Mỹ vốn được cảnh báo sẽ sớm chạm ngưỡng quá tải.
Trong khi đó, truyền thông Mỹ đưa tin, cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump là ông Corey Lewandowski đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Trước ông Lewandowski, đã có ít nhất 4 quan chức khác của Mỹ cũng đã được xác định mắc bệnh kể từ sau ngày bầu cử 3/11, gồm Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển đô thị Ben Carson, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, Giám đốc chính trị của Nhà Trắng Brian Jack và cố vấn David Bossie.
Theo số liệu thống kê, đến nay Mỹ đã ghi nhận hơn 10,4 triệu ca mắc COVID-19 khiến hơn 242.000 người thiệt mạng. Bản thân Tổng thống Trump cũng từng phải nhập viện trong thời gian ngắn vì mắc căn bệnh này hồi đầu tháng 10.
Toàn khu vực Bắc Mỹ trong 24 giờ qua ghi nhận hơn 170.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 ở khu vực này lên 12,85 triệu ca.
Trong khi đó, toàn khu vực châu Âu trong 24 giờ ghi nhận 286.810 ca nhiễm mới. Italy có số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất (37.978 ca), tiếp sau là Anh (33.470) và Pháp (33.172).
Đây là 3 nước châu Âu có số ca nhiễm mới trong ngày trên ngưỡng 30.000 ca. Số ca nhiễm mới tại Nga, Ba Lan và Đức ở ngưỡng 20.000 ca. Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại châu lục này, toàn châu Âu ghi nhận 13,20 triệu ca nhiễm và 310.891 ca tử vong.
Châu Á hiện là khu vực có tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất thế giới (14,80 triệu ca), trong đó Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất với 8,72 triệu ca. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao (43.861 ca). Ấn Độ cũng là quốc gia châu Á duy nhất có số ca nhiễm trên 9 con số.
Tại Nam Mỹ, trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận thêm 60.060 ca nhiễm và 1.507 ca tử vong. Riêng Brazil chiếm 50% số ca nhiễm mới trong ngày toàn khu vực. Đến nay, tổng số ca nhiễm tại Brazil là 5,78 triệu ca, khoảng 56% tổng số ca nhiễm của khu vực kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Brazil, Argentina và Colombia là 3 nước có số ca nhiễm trên 9 con số.
Tại châu Phi, tổng số ca nhiễm tại khu vực này tiệm cận 2 triệu ca (1.946.369 ca). Nam Phi - quốc gia chịu ảnh hưởng nhất của dịch COVID-19 tại châu lục này, ghi nhận thêm 2.338 ca nhiễm trong 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm tại quốc gia châu Phi này hiện là 744.732 ca.
Ngày 12/11, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng người dân đang trở nên mệt mỏi với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song vẫn cần phải cảnh giác và thận trọng trong bối cảnh thế giới vẫn đang chờ một loại vắcxin tiềm năng có thể phòng bệnh hiệu quả.
Phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình Paris, Tổng Giám đốc Ghebreyesus nêu rõ đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 1,2 triệu người, tác động mạnh tới các nền kinh tế và làm đảo lộn cuộc sống hằng ngày của người dân trên thế giới.
Ông nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bào chế thành công một loại vắcxin hiệu quả, song cũng không thể trông đợi hoàn toàn vào vắcxin. Chính vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác, tuân thủ nghiêm các hướng dẫn phòng bệnh. Bên cạnh đó, người đứng đầu WHO cũng kêu gọi cần chia sẻ vắcxin phòng COVID-19 với các nước nghèo.