Mỹ tiếp tục đưa quân đến Trung Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif gọi các biện pháp trừng phạt mới của Washington là nỗ lực ngăn người dân Iran tiếp cận thực phẩm và thuốc men

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20-9 quyết định đưa thêm binh sĩ cùng với hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa đến Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sau vụ tấn công cuối tuần rồi. Gọi đây là động thái mang bản chất phòng thủ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T. Esper cho biết Lầu Năm Góc sẽ gửi thêm khẩu đội chống tên lửa và có thể là cả máy bay chiến đấu đến Ả Rập Saudi. Ngoài ra, thời gian ở lại Trung Đông của tàu sân bay Abraham Lincoln có thể được gia hạn.

Hiện Washington chưa quyết định số lượng chính xác binh sĩ được triển khai đến 2 nước đồng minh nói trên nhưng quân số chỉ vào khoảng vài trăm chứ không đến hàng ngàn - theo Tướng Joseph F. Dunford Jr, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Trước đó, 2.000 binh sĩ Mỹ đã được đưa đến Trung Đông từ tháng 6 theo sau vụ bắn hạ máy bay do thám không người lái Mỹ của Iran và các vụ tấn công tàu chở dầu bị quy trách nhiệm cho Tehran. Khoảng 500 binh sĩ trong số này được điều đến Ả Rập Saudi.

Lần này, Mỹ cùng với Ả Rập Saudi cũng cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu của Riyadh hôm 14-9 và ông chủ Nhà Trắng đã cân nhắc cả hành động quân sự trực tiếp để đáp trả trước khi có quyết định trên. Tại cuộc họp báo hôm 20-9, ông Donald Trump cho rằng sự kiềm chế của mình nên được xem là dấu hiệu của sức mạnh và sự cứng rắn. Giới chức Mỹ nói với báo The New York Times rằng dù Washington không loại bỏ khả năng tấn công quân sự, sự tập trung hiện nay dành cho vấn đề phòng thủ.

Thời gian ở lại Trung Đông của tàu sân bay Abraham Lincoln có thể được gia hạn sau khi Mỹ quyết định giúp Ả Rập Saudi phòng thủ trước những vụ tấn công. Ảnh: Hải quân Mỹ

Thời gian ở lại Trung Đông của tàu sân bay Abraham Lincoln có thể được gia hạn sau khi Mỹ quyết định giúp Ả Rập Saudi phòng thủ trước những vụ tấn công. Ảnh: Hải quân Mỹ

Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump thông báo các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran và gọi đây là những biện pháp trừng phạt nặng nề nhất từng bị Mỹ áp đặt lên một quốc gia. Mục tiêu lần này là Ngân hàng Trung ương, Quỹ Phát triển quốc gia và Công ty Etemad Tejarate Pars của Iran. Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc Ngân hàng Trung ương Iran cung cấp "hàng tỉ USD" cho một số lực lượng bị Washington đưa vào danh sách đen. Trong khi đó, Etemad Tejarate Pars bị tố đã thay mặt Bộ Quốc phòng Iran gửi tiền ra nước ngoài.

Ngoài ra, Washington được cho là đang xem xét thêm hành động trả đũa khác, trong đó có tấn công mạng. Chưa hết, tại kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở TP New York - Mỹ vào tuần tới, Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của các nước để đối phó với Iran.

Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng động thái trừng phạt mới nhất khó có thể gây thêm thiệt hại đáng kể lên nền kinh tế Iran vốn đang gặp khó bởi chính sách gây sức ép của Mỹ. Ông Ryan Fayhee, chuyên gia tại Công ty Luật Hughes Hubbard & Reed (Mỹ), chỉ ra rằng tác động của biện pháp trừng phạt lên Quỹ Phát triển quốc gia Iran còn phụ thuộc vào quy mô và mức độ hoạt động của nó. Nếu quỹ này có tiếp cận nguồn thu dầu mỏ, các biện pháp trừng phạt có thể có tác động nhất định.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif hôm 21-9 lên án các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ và gọi đây là nỗ lực ngăn người dân Iran tiếp cận thực phẩm và thuốc men. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran Abdolnaser Hemmati cho rằng việc chính quyền Mỹ trừng phạt ngân hàng này "một lần nữa cho thấy trong tay họ không có gì" để chống lại Tehran.

Iran cho đến giờ vẫn phủ nhận sự liên quan đến các vụ tấn công dù Bộ trưởng Esper hôm 20-9 cho biết Lầu Năm Góc tin rằng các vụ tấn công này không xuất phát từ Yemen, nơi phong trào Houthi lên tiếng nhận trách nhiệm.

Trong diễn biến bất ngờ, ông Mahdi al-Mashat, người đứng đầu Hội đồng Chính trị tối cao của Houthi, hôm 20-9 đề xuất ngưng các vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo nhằm vào Ả Rập Saudi nếu liên quân do Riyadh đứng đầu chấm dứt hành động quân sự chống lại họ ở Yemen. Theo Reuters, ông Mahdi al-Mashat cho biết đang chờ “phản ứng tích cực” từ Riyadh. Nhân vật này cũng kêu gọi tất cả bên liên quan tiến hành đàm phán nghiêm túc để có thể dẫn đến sự hòa giải quốc gia toàn diện.

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-tiep-tuc-dua-quan-den-trung-dong-20190921222258472.htm