Mỹ tiến thoái lưỡng nan trong căng thẳng với Iran

Các cuộc tấn công nhằm vào những cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia xảy ra mới đây đã dẫn đến sự leo thang căng thẳng đáng kể ở Trung Đông. Theo báo The Straits Times, diễn biến này có thể khơi mào cho một giai đoạn đối đầu đặc biệt nguy hiểm giữa Mỹ và Iran.

Iran bị nghi ngờ

Như các vụ nổ tương tự thường thấy ở Trung Đông, không có bằng chứng cụ thể về việc ai đứng đằng sau các cuộc tấn công này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhanh chóng đổ lỗi cho Iran đứng đằng sau "cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ vào nguồn cung năng lượng này của thế giới." Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Iran đã ngay lập tức bác bỏ những chỉ trích của ông Pompeo, coi đó là "những cáo buộc mù quáng và không đem lại kết quả gì."

Trên thực tế, hầu như không có nhà phân tích tình báo nào có bất kỳ manh mối nghi ngờ gì về thủ phạm của vụ tấn công này. Những lời khẳng định của phiến quân Houthi ở Yemen rằng, họ đã thực hiện vụ tấn công này nhằm trả đũa cho việc Saudi Arabia tiếp tục can thiệp quân sự vào nước họ không thể được coi là nghiêm túc. Mặc dù phiến quân Houthi đã sử dụng thiết bị bay không người lái trong các cuộc tấn công vào Saudi Arabia trước đó nhưng họ không có được khả năng về công nghệ để chế tạo máy bay không người lái. The Strait Times cho rằng tất cả những thứ này đều đến từ Iran. Hơn nữa, có bằng chứng có thể cân nhắc là 19 vụ tấn công riêng rẽ nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia không chỉ liên quan đến máy bay không người lái mà còn cả tên lửa đạn đạo. Các cuộc tấn công đã được phối hợp và kéo theo việc sử dụng tên lửa. Chúng cũng cách xa Yemen nhưng gần các cơ sở quân sự ở Iran hoặc ở nước Iraq láng giềng.

Cuộc đối đầu Mỹ-Iran đang ngày càng căng thẳng. (Ảnh tư liệu)

Cuộc đối đầu Mỹ-Iran đang ngày càng căng thẳng. (Ảnh tư liệu)

Mỹ lâm vào thế bí

Mỹ hiện phải đối mặt với một loạt tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ có thể lựa chọn việc tiết lộ thông tin về các cuộc tấn công này ở mức độ nào. Rất nhiều thông tin có thể được công khai mà không để lộ năng lực quân sự của Mỹ, nhưng phần nhiều trong số đó chắc chắn sẽ bị Iran bác bỏ, coi đó chỉ là "tin giả" và can dự với Iran theo kiểu yêu cầu Tehran xác nhận làm hay không làm sẽ không hữu ích. Những thông tin quan trọng nhất như việc ai nằm trong bộ máy quyền lực của Iran đã ra lệnh thực hiện các cuộc tấn công này và mục đích của họ là gì gần như chắc chắn không thể tiết lộ được dù có trong tay. Tuy nhiên, chính kiểu đánh giá tình báo này hiện nay đang định hướng phản ứng của Mỹ.

Có lẽ có một cách giải thích về các cuộc tấn công mới đây là những nhân vật cứng rắn, có thể thân cận với lãnh tụ tối cao của Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRCG) đã ra lệnh thực hiện các cuộc tấn công này nhằm loại bỏ bất kỳ cơ hội nào cho một cuộc đối thoại trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani dưới hình thức thảo luận bí mật. Tuy nhiên, một cách giải thích khác cũng đáng tin cậy không kém là với việc Tổng thống Trump gần đây sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton - người chủ trương chính sách cứng rắn hơn đối với Iran - và sức ép của Mỹ buộc Saudi Arabia phải chấm dứt sự dính líu của họ vào cuộc chiến Yemen, Iran nhận thấy điểm yếu của Mỹ. Do đó, Iran cho rằng không có lý do gì mà họ không nên gia tăng áp lực đối với Saudi Arabia, kẻ thù của họ trong khu vực.

Dù là cách giải thích nào thì những lựa chọn mà ông Trump đang phải đối mặt đều rủi ro. Nếu ông lựa chọn không phản ứng gì trước các cuộc tấn công mới đây, ông có nguy cơ đánh mất vị thế của Mỹ ở Trung Đông. Ông Trump đã có hành động quân sự sau khi một máy bay không người lái của Mỹ bị các lực lượng Iran bắn hạ. Nếu ông quyết định phớt lờ các cuộc tấn công mới đây ở Saudi Arabia, ông có nguy cơ khuyến khích Iran thực hiện nhiều hơn nữa các hành động tương tự. Tuy nhiên, nếu ông Trump phản ứng bằng vũ lực, có thể bằng việc quét sạch hàng loạt mục tiêu mà quân đội Mỹ lên kế hoạch tấn công vào đầu năm nay, ông có nguy cơ gây ra phản ứng giận dữ lớn hơn nhiều ở trong nước ngay trước chiến dịch vận động tái tranh cử của chính ông.

Dù là cách nào thì một số kết luận đã rõ ràng. Thách thức chủ chốt từ Iran không còn chỉ về những năng lực hạt nhân mà còn về hành vi ứng xử của nước này trong khu vực và việc Tehran sử dụng những sự ủy nhiệm, máy bay không người lái và tên lửa để đe dọa. Những người ở Washington chủ trương cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Iran có thể được chứng minh là đúng. Một thực tế đáng lo ngại không kém là Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, dễ bị tổn thương như thế nào khi vẫn dễ bị tấn công bởi những kẻ thù không cần gì nhiều hơn ngoài một vài máy bay không người lái. Chỉ trong vài phút, các cuộc tấn công mới đây đã gây thiệt hại cho ngành công nghiệp dầu mỏ Saudi Arabia nhiều hơn cả toàn bộ cuộc chiến tranh Iraq hồi năm 2003, một con số thống kê gây kinh ngạc mà các thị trường dầu mỏ chắc chắn sẽ ghi nhớ và tác động lớn đến giá cả mặt hàng này trong những tháng tới.

Tuy nhiên, kết luận có ý nghĩa nhất là bất chấp tất cả các cuộc đàm phán ngoại giao, Mỹ và Iran đang tiến tới tình trạng đối đầu nguy hiểm hơn và dù có cố gắng hết sức thì Mỹ cũng không thể tự mình thoát ra khỏi Trung Đông.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/my-tien-thoai-luong-nan-trong-cang-thang-voi-iran-163472.html