Mỹ tiến hành đàm phán Hiệp định Thương mại với Nhật Bản

Kết thúc hai ngày đàm phán thương mại, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tiết lộ, thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật sẽ bao gồm điều khoản về ngăn chặn phá giá đồng tiền nhằm tăng lợi thế cạnh tranh.

Theo đó, Washington sẽ gây áp lực đối với Tokyo nhằm đảm bảo rằng Nhật sẽ không định giá đồng Yen thấp hơn đồng USD nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Ông Mnuchin cho rằng, một trong những ưu tiên của Mỹ là các quốc gia không được thao túng tiền tệ theo bất cứ cách nào nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. Ông Mnuchin cũng kêu gọi xây dựng các nguyên tắc, quy định nhằm đảm bảo tính minh bạch khi can thiệp vào vấn đề tiền tệ.

Theo trang CNBC, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng thương mại Mỹ Tom Donohue đánh giá, Mỹ đang “tụt hậu” trong quan hệ thương mại với Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, thị trường xuất khẩu hàng đầu và lâu năm của Mỹ. Đây cũng là lý do thúc đẩy Mỹ tiến hành đàm phán một Hiệp định Thương mại với Nhật Bản và Hội đồng thương mại Mỹ ủng hộ bước đi này.

Mỹ tiến hành đàm phán một Hiệp định Thương mại với Nhật Bản và Hội đồng thương mại Mỹ ủng hộ bước đi này. (Ảnh: Reuters)

Giống như nhiều nước ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Nhật Bản đã có nhiều thỏa thuận thương mại và giảm hàng rào quan thuế. Mỹ cần hành động nhanh chóng nếu không muốn đứng ngoài rìa. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một ví dụ điển hình. Mỹ đã dẫn dắt đàm phán giữa 12 nước về TPP nhưng rút lui vào năm 2017.

Tháng 11/2018, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP hay TPP-11) gồm 11 nước thành viên, không có Mỹ chính thức có hiệu lực; nhờ đó, sản lượng thịt bò Nhật Bản nhập khẩu từ Canada, Australia và các thành viên khác của TPP tháng 1/2019 tăng 60% so với cùng kỳ 2018. Kể từ khi Hiệp định Thương mại Nhật-EU có hiệu lực tháng 2/2019, các nhà sản xuất và nông dân EU cũng được hưởng nhiều ưu đãi do thuế quan giảm.

Làn sóng thương mại giữa Nhật Bản và các đối tác thương mại mới cũng đồng nghĩa xuất khẩu của Mỹ bị thua thiệt. Xuất khẩu thịt lợn từ Mỹ vào Nhật Bản - thị trường hàng đầu của Mỹ đã giảm 35%. Máy móc chế tạo, lúa mỳ và lúa mạch của Mỹ xuất sang Nhật cũng giảm sút. Để đối phó, Mỹ buộc phải tiến hành các thương lượng với Nhật Bản về một Hiệp định Thương mại.

Năm 2018, thương mại hai chiều Mỹ - Nhật đạt 300 tỷ USD, các công ty Nhật Bản đầu tư gần 500 tỷ USD và thu hút gần 1 triệu việc làm tại Mỹ. Tuy nhiên, logic đằng sau một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản nằm ngoài quy mô của thị trường hay sự bất lợi về thuế quan mà các doanh nghiệp và nông dân Mỹ phải đối mặt. Nhật Bản có nền kinh tế mạnh về nguồn vốn và công nghệ hiện đại, các công ty Nhật Bản và Mỹ cũng chia sẻ nhiều quan tâm chung về những thách thức đến từ thương mại toàn cầu, sáng tạo và số hóa.

Trên cơ sở đó, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Nhật là cơ hội cho hai nước đề ra những luật lệ của thương mại toàn cầu trong thế kỷ 21. Internet tạo điều kiện cho ngành dịch vụ trở nên thuận lợi hơn mỗi ngày và với những nguyên tắc thương mại đúng đắn, Mỹ và Nhật Bản sẽ cùng thu lợi lớn.

Các nhà đàm phán hai nước có thể tham khảo Hiệp định mới đạt được giữa Mỹ, Canada và Mexico (USMCA) do USMCA đã nâng tầm các quy định thương mại quốc tế. So với cách đây 25 năm khi không có thương mại điện tử, USMCA ngày nay đã bổ sung các điều khoản quy định về tiêu chuẩn mới và tạo khuôn khổ cho hợp tác chống tin tặc; bổ sung lĩnh vực công nghệ sinh học tiên tiến; và hiện đại hóa các các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, USMCA cũng có điều khoản quy định chặt chẽ việc chống lại những hàng rào thuế quan “phía sau biên giới” đối với hàng hóa Mỹ. USMCA không cho phép chủ nghĩa bảo hộ trá hình mà Chính phủ các nước hay áp dụng bằng việc thực hiện các quy định và tiêu chuẩn tùy tiện để ngăn chặn nhập khẩu.

Hiệp định Thương mại Mỹ-Nhật cũng phải loại các điều khoản quy định về “hạn chế xuất khẩu tự nguyện”, đồng thời Mỹ cần chấm dứt đánh thuế nhôm và thép cũng như đe dọa áp thuế với ô tô và phụ tùng ô tô của Nhật Bản. Mỹ không thể để bị tụt hậu. Với các đối tác như Nhật Bản, Mỹ cần phải dỡ bỏ thuế quan.

(theo Financial Times, CNBC)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-tien-hanh-dam-phan-hiep-dinh-thuong-mai-voi-nhat-ban-92103.html