Mỹ thương chiến cùng lúc với EU, Trung Quốc là 'tự sát'?

Tổng thống Mỹ Donald Trump không biết lượng sức mình trong việc giải quyết sự mất cân bằng thương mại thế giới.

Đó là nhận định của ông Jim Cramer, nhà báo của đài CNBC, hôm 3-10.

Gần 16 tháng thương chiến với Trung Quốc, chính quyền ông Trump hôm 3-10 bất ngờ tuyên bố áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa của các nước châu Âu sau phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Người dẫn chương trình tài chính "Mad Money" nhấn mạnh: "Tôi hoàn toàn ủng hộ đối đầu thương mại với Trung Quốc và tôi nghĩ Mỹ đang chiếm thế thượng phong. Tôi biết châu Âu có rất nhiều hoạt động thương mại không công bằng. Về lý thuyết, Tổng thống Trump không sai khi theo đuổi biện pháp cứng rắn nhằm vào EU. Nhưng trên thực tế thì sao? Tôi nghĩ rằng việc Mỹ tham gia cuộc chiến thương mại hai mặt trận có thể tự đánh chìm nền kinh tế của mình cũng như nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump".

Cuộc chiến thương mại với EU được cho là không có lợi đối với nền kinh tế Mỹ. Ảnh: Reuters

Cuộc chiến thương mại với EU được cho là không có lợi đối với nền kinh tế Mỹ. Ảnh: Reuters

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ có kế hoạch áp thuế 10% hoặc 25% lên nhiều loại sản phẩm của các nước Liên minh Châu Âu, có hiệu lực từ ngày 18-10. Trong danh sách này có 7,5 tỉ USD hàng nhập khẩu bao gồm máy bay, rượu whisky, rượu vang, cà phê và một số loại thịt. Đây được xem là đỉnh điểm trong vụ tranh chấp pháp lý dài hơi giữa hai bên, theo đó Mỹ nộp đơn khiếu nại lên WTO từ năm 2004 với cáo buộc hãng Airbus nhận trợ cấp bất hợp pháp từ các quốc gia châu Âu.

Ông Cramer nhận định những diễn biến mới là thắng lợi cho nước Mỹ trước các hoạt động thương mại không công bằng nhưng không phải là chiến thắng cho thị trường chứng khoán. Người này cho rằng căng thẳng Mỹ-EU sẽ ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và không có lợi cho kinh tế Mỹ.

Theo ông Cramer, chiến lược hai mặt trận chống châu Âu và Trung Quốc của ông Trump sẽ không nhận được sự ủng hộ mà ông mong muốn từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, vốn cắt giảm lãi suất mỗi khi ông Trump leo thang căng thẳng thương mại.

Ông Cramer lập luận sự ủng hộ của WTO chống lại châu Âu là một chiến thắng nhưng Mỹ nên tận dụng điều đó để đàm phán các thỏa thuận tốt hơn chứ không phải gây ra tranh chấp thương mại với các thành viên EU.

Đồ gỗ Trung Quốc vào "tầm ngắm"

Bộ Thương mại Mỹ hôm 3-10 công bố thông tin về đòn thuế quan mới nhất áp lên 4,4 tỉ USD mặt hàng tủ bếp bằng gỗ và bàn trang điểm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bộ Thương mại Mỹ cho rằng các mặt hàng nói trên bị áp thuế là do đang được bán trên thị trường Mỹ với giá thấp hơn giá trị hợp lý của sản phẩm. Các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế mới tăng từ 28,7% đến 251,6% trong bối cảnh Bộ Thương mại Mỹ nỗ lực tạo sự cân bằng trong thị trường.

Đây là động thái áp dụng đối với các dòng sản phẩm nhận được yêu cầu từ các công ty Mỹ cho rằng họ bị thiệt hại do các sản phẩm nhập từ thị trường Trung Quốc hay các đối tác thương mại khác.

Bước đi này không nằm trong kế hoạch đánh thuế cao hơn lên hầu hết các sản phẩm nhập từ Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Trump trong cuộc chiến thương mại.

Xuân Mai (Theo CNBC)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-thuong-chien-cung-luc-voi-eu-trung-quoc-la-tu-sat-20191004113408923.htm