Mỹ thúc đẩy kế hoạch 'Thay màu da xác chết' ở Syria

Một chính trị gia người Kurd cho biết, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc muốn lực lượng quân sự của Saudi Arabia, UAE, Jordan, thay cho lính Mỹ tại Syria.

Mỹ ép đồng minh Ả rập mang quân đến Syria

Gần đây, các phương tiện truyền thông cho biết rằng, các đại biểu từ Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Jordan đã gặp gỡ các đại diện của các bộ lạc Ả Rập tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở phía nam của Kobani, hiện do người Kurd kiểm soát.

Các đại biểu này đã thảo luận về việc hình thành các lực lượng quân sự do cộng đồng người Hồi giáo Sunni lãnh đạo ở miền bắc Syria. Hãng thông tấn Nga Sputnik đã thảo luận vấn đề này với người đứng đầu Đảng Dân chủ người Kurd (PYD) Syria là ông Gelo Iso.

Gelo Iso, Chủ tịch Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd Syria (tức cánh chính trị của Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd - YPG), chia sẻ với Sputnik rằng, đại diện của các quốc gia Ảrập do Mỹ đưa sang để đàm phán với các bộ lạc Syria, cụ thể là Saudi Arabia, UAE và Jordan.

Theo ông, các quốc gia Ả rập đồng minh của Mỹ ở Trung Đông bày tỏ sự sẵn lòng tham gia vào việc xây dựng lại các thành phố của Syria, đặc biệt là Raqqa.

Nhưng Mỹ còn muốn nhiều hơn việc chỉ nhận được tài trợ kinh tế từ các quốc gia Ả Rập trong việc khôi phục Syria. Chính quyền Washington muốn ba quốc gia đồng minh Ả rập này thành lập một lực lượng quân sự chung ở miền bắc Syria, Iso nói thêm.

Theo ông, Washington muốn chuyển trách nhiệm “bảo vệ an ninh các vùng lãnh thổ” có người Sunni cho họ, nhưng các quốc gia Ả Rập đang do dự để đưa ra câu trả lời khẳng định, vì họ cảm thấy nó có thể là một cái bẫy có thể Mỹ đã giăng ra.

Ai Cập, Saudi Arabia, Jordan, UAE muốn thành lập lực lượng quân sự của một liên minh Ả Rập ở miền bắc Syria, nhưng một số yếu tố tồn tại khiến họ ngần ngừ trước quyết định này. Yếu tố then chốt là phản ứng có thể xảy ra từ Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran, nếu lực lượng Ả Rập triển khai quân đội của họ tới Syria - nhà chính trị người Kurd nói.

Iso tuyên bố rằng, hiện vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng cho kế hoạch của các quốc gia Ả Rập và cho đến nay họ mới chỉ dừng lại ở mức độ “sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo cho Syria”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây đã bày tỏ quan điểm rằng, Mỹ không phải là người duy nhất chịu gánh nặng về những gì đang xảy ra ở Trung Đông và các quốc gia Ả Rập khác cũng phải tham gia “bảo vệ” và tái thiết Syria (chỉ những vùng lãnh thổ do phe đối lập kiểm soát, chống đối chính quyền hợp Hiến của Tổng thống Bashar al-Assad).

Mỹ sẽ rút quân đội khỏi Syria, thay vào đó là liên quân Ả rập?

Chiến lược của Mỹ liệu có thành công?

Hồi tháng vừa qua, một trong những lãnh đạo của PYD là ông Ewas Eli, trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik cũng đã xác nhận rằng, dựa trên thông tin mà họ đã nhận được, Mỹ dự định triển khai một số lực lượng quân sự Ả Rập ở khu vực phía bắc Syria.

Theo ông, đây là một phần trong sự phát triển của một chiến lược chính sách đối ngoại mới của Mỹ trong khu vực, đó là chiến lược “Ả rập hóa chiến tranh Syria” của Mỹ (tuy nhiên, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc vẫn chưa chính thức xác nhận điều này).

Ông tiếp tục nói rằng, mục tiêu của Hoa Kỳ là ngăn chặn áp lực gia tăng đối với lực lượng quân sự của họ trong khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát, đồng thời tăng cường sự bền vững trong chính sách Syria của mình, bằng cách thu hút các quốc gia Ả Rập vào liên minh.

Tuy nhiên, một số nguồn tin trong Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), liên minh Ả Rập do Saudi Arabia dẫn đầu, đã đồng ý với một số nước Ả rập gửi quân đến phía bắc Syria và phía đông của con sông Euphrates, tại các căn cứ mà Quân đội Mỹ đã thiết lập từ trước.

Nguồn tin cho biết, mặc dù có một số quốc gia Ả rập tham gia như Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất và Qatar, nhưng cũng đã có một số nước như Ai Cập và Jordan đang phản đối những bước đi “Ả rập hóa chiến tranh Syria” của Mỹ.

Theo giới phân tích, Nhà Trắng dự định rời khỏi Syria, nhưng đồng thời vẫn duy trì sự hiện diện ở đây bằng cách triển khai một lực lượng quân sự Ả Rập đến các căn cứ quân sự mà Mỹ đã thiết lập ở Syria. Lực lượng này chủ yếu sẽ là Quân đội Saudi Arabia.

Ngoài ra, nguồn thông tin còn nhận định, có vẻ như Mỹ và khối liên quân Ả rập này sẽ không chỉ dựa vào lực lượng quân sự, mà các chế độ Quân chủ vùng Vịnh sẽ cung cấp tiền để xây dựng lại miền bắc bị phá hủy của Syria, nhằm "mua chuộc" nhân tâm của cư dân bản xứ.

Tuy nhiên, đã có một số quan chức và học giả ở các nước vùng Vịnh Ba Tư nghĩ rằng, có lẽ sẽ tốt hơn nếu những nước này tuyển mộ các tay súng Sudan, Pakistan, Afghanistan hoặc một số quốc gia nghèo khác ở châu Á, châu Phi để thay thế quân Mỹ trên chiến trường Syria.

Theo giới quan sát, Chiến lược “Ả rập hóa chiến tranh Syria” của Mỹ đã khơi dậy những ký ức về một trong những cuộc chiến tranh đẫm máu nhất của thời đại, đó là nhừng kỷ niệm cay đắng nhất của Mỹ ở Việt Nam với chiến lược “Thay màu da xác chết”/“Việt Nam hóa chiến tranh”.

Theo đó, kế hoạch mới của Mỹ ở Trung Đông, cũng giống như những kế hoạch trước đây của Washington trong việc tái tổ chức khu vực và toàn cầu sẽ tiếp tục là một thất bại cay đắng, nếu Mỹ không rút được những kinh nghiệm xương máu từ cuộc chiến ở Việt Nam cách đây 4 thập niên.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-thuc-day-ke-hoach-thay-mau-da-xac-chet-o-syria-3359547/