Mỹ thuật: Về đâu bây giờ?

Vào thời tiền công nghiệp con người dõi tìm cái đẹp-thiện-chân đều trong quá khứ. Những thiên đường Nghiêu Thuấn đều đã mất và sứ mạng của văn hóa là sự 'trở về' tìm lại những thứ đang bị đương thời làm băng hoại, suy đồi, lãng quên. Không cần cái mới, không có tiến bộ.

Dưới bóng cây thòi gian 1 & 2. Tranh: Nguyễn Quân

Từ thời khai sáng và cách mạng công nghiệp mũi tên trí tuệ quay 180 độ, thiên đường – đích đến được đặt vào tương lai. Con người tự tin làm ra những thứ chưa từng có. Mọi sự chân thiện mỹ nệ cổ, theo chuẩn mực cổ đều phản tiến bộ. Văn hóa châu Âu gọi cuộc toàn cầu hóa thứ hai – giai đoạn chủ nghĩa thực dân – là khai hóa, tự cho mình sứ mạng mang văn minh tiến bộ đến cho các dân tộc vùng miền kém may mắn, lạc hậu và thiếu tự tin. Nghệ thuật, mỹ thuật Việt 150 năm đi con đường đó với bao đau đớn mất cái cũ và bao hồ hởi đón cái mới.

Tuy nhiên dường như sáng tạo nghệ thuật không đi con đường tuyến tính một chiều mà theo ‘nguyên lý phản lực’ càng trở về sâu xa, mạnh mẽ bao nhiêu càng tân hiện đại bấy nhiêu. Gauguin trở về nghệ thuật Đa Đảo – Ai Cập, Modigliani về với nghệ thuật cổ đại tiền Hy Lạp, còn Picasso trở về với nguyên thủy Phi châu. ‘Tân cổ giao duyên’ ‘Cải lương’ ‘Tây Ta đề huề’ vốn hàm nghĩa tiêu cực, thất bại về chính trị dần chứng tỏ là con đường trót lọt cho các thành tựu sáng tạo văn nghệ.

Lụa và sơn ta giao duyên với họa pháp Tây, đầm xòe với tứ thân… mà ra hội họa sơn mài, tranh lụa hiện đại và áo dài tân thời.

Nếu Bùi Xuân Phái về với Chèo cổ, Nguyễn Sáng về với Đông Hồ thì Nguyễn Tư Nghiêm còn lùi xa hơn tới tạo hình đình chùa và Đông Sơn, để đưa mỹ thuật vào không gian thẩm mỹ hiện đại. Điêu khắc thời trường Đông Dương thuần Tây bỏ quên di sản nên mờ nhạt, sau đó nhờ cuộc trở về với tượng đình làng, điêu khắc Chăm mà có được những tác giả hiện đại xứng đáng.

Quy luật thứ hai là tính luân hồi cách quãng. Các họa sĩ đổi mới ‘bỏ qua’ các thế hệ cha anh trực tiếp để trở về với nghệ thuật thời tiền thực dân trong khi thế hệ đàn em lại ‘bỏ qua’ họ quay về với bút pháp hiện thực và văn hóa đại chúng dân gian hoặc hiện thực XHCN để làm Contemporary Art (nghệ thuật đương đại) của mình.

Các cuộc trở về thường đều là các phong trào đông đảo, tạo nên cái gọi là tính thời đại của nghệ thuật. Song, chỉ rất ít cá nhân trong lũ lượt hành hương ‘về nguồn’ ấy được đẩy về phía trước, sáng tạo ra những giá trị mới. Những cá nhân này thành siêu việt vì họ trở về trên con đường riêng không kẻ đồng hành. Họ về nguồn văn hóa cũng là trở về bản ngã, xuyên qua số phận cá nhân mà trở về với ‘tuổi thơ’ của cá nhân và cả giống loài.

Một danh họa modernism (chủ nghĩa hiện đại) nói: “Các kiệt tác đều như tranh của trẻ con”. Picasso nói: “Người ta phải sống rất lâu/ già để trở thành trẻ/con!” Giống như Jesus: “Chỉ có những kẻ như trẻ thơ mới được vào nước của Chúa”. Phải chăng bởi tuổi thơ lưu giữ những giá trị bản thể của giống loài biểu lộ trong bản sắc, số phận cá nhân độc nhất. Vì thế trong nghệ thuật cuộc trở về chính mình là cuộc trở về khó khăn nhất và đích thực sáng tạo.

Tuy nhiên sang thế kỉ 21, cao trào ‘trở về’ là toàn cầu, toàn diện, triệt để chưa từng có. Dường như kinh tế thị trường, môi trường, di dân, du lịch, nhân quyền, giới quyền, dân chủ, văn hóa đại chúng và truyền thông với internet đang đẩy con người đến sát với ‘thế giới đại đồng’ mất hết bản sắc vùng miền, dân tộc và cá nhân. Mạng lưới dày đặc rộng khắp kết nối những cá thể như nhau, bằng nhau không mang lại tự do và sum vầy, sự thú vị mà là trói buộc, cô độc và nhàm chán. Nhân loại đang sợ mắc bệnh mất trí nhớ. Từ cá nhân đến vùng miền, dân tộc, quốc gia, tôn giáo… đều đồng thanh kêu cứu: Mất bản sắc! Và giá trị tối thượng không còn là cái chân – thiện – mỹ hay cái mới nữa mà là cái khác. Muốn có bản sắc chỉ còn một cửa là phải có cái khác (ăn khác, mặc khác, ở khác, chơi khác, nói khác, nghĩ khác, tin tưởng khác, ứng xử khác…).

Ngày xưa chúng ta từng khác nhau khi chưa bị đại đồng vậy nên nay muốn khác, phải trở về các giá trị, di sản của ngày xưa ấy. Bất cứ câu chuyện, ký ức, phong tục, câu ca nào, hoa văn, điệu múa, trò chơi nào, món ăn thức uống, kiểu váy kiểu khăn, cái ghế cái bàn cái lọ sành nào…’ thượng vàng hạ cám’ của ngày xưa đều là di sản cần bảo tồn đồng loạt mang giá trị văn hóa đại chúng và kinh doanh ra tiền lập tức. Dường như nghệ thuật và nghệ sĩ toàn cầu ngày nay làm nghệ thuật bằng cuộc ồ ạt trở về ‘ô hợp’, ồn ào và nông cạn nhưng thực dụng ấy.

Song điều đó là tích cực và cần thiết vì đa dạng văn hóa cũng cốt tử và khẩn cấp như đa dạng sinh học. Nhiều người tin rằng các cuộc trở về và bảo tồn khôi phục trí nhớ này cần được đại chúng hóa, thương mại hóa để thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra lối sống mới cho người tiêu thụ nhằm ngăn chặn nguy cơ con người biến thành robot sinh học. Mọi thứ đều có thể là nghệ thuật – mọi người đều có thể là nghệ sĩ trong cuộc trở về để tìm cái khác.Thực tế đó đang định dạng và tạo nên sự nông cạn – giống nhau toàn cầu của nghệ thuật đương đại.Nghệ thuật dường như chỉ cần là hoạt náo viên của đời sống văn hóa đại chúng là đủ mệt rồi. Thời nay không cần các ‘thiên tài’, các tâm hồn siêu việt tạo ra các giá trị mới vĩnh cửu, mà cần các nghệ sĩ kỳ cục, khác biệt, gây sốc công chúng và sốt thị trường. Không ai cần những kẻ độc hành trong các cuộc trở về bản thể cá nhân sâu sắc như thời xưa nữa.Vì vậy, không nên chờ đợi các tác giả lớn, các kiệt tác mà hãy chào đón những sự khác lạ, hoạt náo tức thời, bất ngờ, thú vị và các kỷ lục.

Có lẽ câu hỏi ‘Nghệ thuật đi – về đâu?’ giờ đây cũng không nên được đặt ra.

Nguyễn Quân (theo TGTT)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/my-thuat-ve-dau-bay-gio-106586.html