Mỹ thừa nhận thử nghiệm thất bại vũ khí siêu thanh, tụt lùi so với Nga - Trung

Mỹ công khai thừa nhận tụt lùi so với Nga - Trung trong cuộc đua phát triển các loại vũ khí siêu thanh, sau vụ thử nghiệm mới nhất diễn ra thất bại.

Hôm 21/10, Lầu Năm Góc tuyên bố Mỹ đang bị tụt lùi trong cuộc đua phát triển các loại vũ khí siêu thanh so với Nga và Trung Quốc, sau khi cuộc thử nghiệm mới nhất của Mỹ gặp thất bại.

Theo CNN, Lầu Năm Góc nhấn mạnh đã thử nghiệm thất bại tên lửa đẩy, một bộ phận quan trọng để tăng tốc vũ khí lên tốc độ siêu vượt âm.

Mỹ tụt lùi so với Nga - Trung trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh. (Ảnh: Reuters)

Mỹ tụt lùi so với Nga - Trung trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh. (Ảnh: Reuters)

Cuộc thử nghiệm diễn ra vào ngày 21/10 tại khu phức hợp Pacific Spaceport ở Kodiak, bang Alaska. Hiện các quan chức Mỹ đang tái nghiên cứu vụ thử nghiệm để tìm ra nguyên nhân dẫn tới thất bại của tên lửa đẩy.

"Các cuộc thử nghiệm và bài kiểm tra có cả thành công và thất bại. Chúng là xương sống trong quá trình phát triển các công nghệ quan trọng, phức tạp với tốc độ nhanh chóng giống như Bộ Quốc phòng đang làm với các công nghệ siêu thanh", Trung úy Tim Gorman, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nhấn mạnh.

Lầu Năm Góc đã đặt mục tiêu ưu tiên phát triển các loại vũ khí siêu thanh, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc cũng đang tự nghiên cứu loại vũ khí hiện đại này. Nhưng theo giới quan sát, việc Mỹ thử nghiệm thất bại tên lửa đẩy có thể đẩy lùi tiến độ phát triển vũ khí siêu thanh của nước này.

“Vụ thử nghiệm là một phần trong chuỗi thử nghiệm mà chúng tôi tiếp tục tiến hành để phát triển công nghệ siêu thanh”, ông Gorman khẳng định.

Thông báo mới nhất của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh cách đây vài ngày, báo chí đưa tin quân đội Trung Quốc đã tiến hành 2 cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh trong mùa hè năm nay vào các ngày 27/7 và 13/8.

Về phần mình, Trung Quốc cho biết họ chỉ "thử nghiệm tàu vũ trụ thông thường để xác minh công nghệ tái sử dụng tàu vũ trụ nhằm giúp cắt giảm chi phí".

Di chuyển trong bầu khí quyển với tốc độ nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh (khoảng 6.200 km/h), vũ khí siêu thanh trở thành thách thức đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Trong khi tên lửa đạn đạo bay cao vào không gian theo hình vòng cung để đến mục tiêu, tên lửa siêu thanh bay theo quỹ đạo thấp hơn trong khí quyển và tiếp cận mục tiêu nhanh hơn. Tên lửa siêu thanh có khả năng cơ động nên rất khó để theo dõi và đánh chặn.

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho hay, họ đặc biệt quan ngại về năng lực phát triển vũ khí siêu thanh của Trung Quốc, bởi vũ khí này có thể giúp Bắc Kinh thực hiện vụ tấn công vùng Nam Cực và né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, vốn đang tập trung theo dõi các tên lửa được phóng qua Bắc Cực.

Cách đây 2 tuần, Nga cũng tuyên bố đã lần đầu tiên thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh phóng từ tàu ngầm có tên Tsirkon. Hồi đầu mùa hè, Nga cũng đã cho phóng loại tên lửa này từ một tàu chiến.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc vẫn khẳng định duy trì kế hoạch cho ra đời các loại vũ khí siêu thanh vào đầu những năm 2020. Kế hoạch của Mỹ càng trở nên gấp rút, khi mà Nga và Trung Quốc liên tiếp đạt được những bước tiến mới trong công nghệ siêu thanh thời gian gần đây.

Hiện tại Mỹ đang tập trung vào các loại vũ khí siêu thanh truyền thống được sử dụng trên các tàu, và hệ thống trên đất liền và trên không.

Trước đó, hồi tháng Tư, chương trình tên lửa siêu vượt âm AGM-183A của không quân Mỹ cũng đã gặp trở ngại khi không thể phóng vũ khí thử nghiệm từ máy bay B-52.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/thu-nghiem-that-bai-vu-khi-sieu-thanh-my-tut-hau-so-voi-nga-trung-395711.html