Mỹ thừa nhận đau khi buộc Thổ rời khỏi chương trình F-35

Tập đoàn Pratt & Whitney của Mỹ thừa nhận, việc Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi chương trình F-35 đang khiến việc sản xuất và vận hành tiêm kích này rất khó khăn.

Theo Defense News, chỉ tính riêng chi phí cho việc động cơ cho F-35 đã tăng ít nhất khoảng 3% do việc thay thế các bộ phận do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất bằng những linh kiện từ các nhà chế tạo khác.

Chính vì vậy, việc Ankara bị loại khỏi chuỗi cung ứng cho F-35 sẽ khiến những chiếc tiêm kích này trở nên đắt đỏ hơn và phụ tùng thay thế trở nên khan hiếm hơn.

Tiêm kích F-35 Mỹ sản xuất cho Thổ.

Tiêm kích F-35 Mỹ sản xuất cho Thổ.

Hiện tại Mỹ đang hướng tới giá thành mỗi tiêm kích F-35A khi tới tay khách hàng chỉ còn 80 triệu USD, nhưng sắp tới con số này dự kiến khó mà đạt được.

Những bất hợp lý khi loại Thổ khỏi chương trình F-35 đã được ông Matthew Bromberg, người đứng đầu bộ phận động cơ quân sự của Tập đoàn Pratt & Whitney thừa nhận:

"Thiết kế của động cơ F135 do công ty sản xuất, hiện được lắp trên cả 3 biến thể của tiêm kích tấn công liên hợp Lockheed Martin F-35, ban đầu bao gồm 188 bộ phận do các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp.

Đây là một số bộ phận quan trọng nhất của động cơ, bên cạnh đó các linh kiên có xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ có chất lượng cao và rẻ tiền", ông Bromberg nói.

Ông Bromberg còn tiết lộ 75% trong số này có thể có nguồn gốc từ các nhà sản xuất khác, tuy nhiên hầu hết đều có xuất xứ Mỹ. Tập đoàn Pratt & Whitney dự kiến 25% bộ phận sản xuất còn lại của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được thay thế vào cuối năm 2021.

Tuy nhiên đến nay, nguồn cung thay thế vẫn chưa tìm được. Ngay từ bây giờ, việc duy trì hoạt động của những chiếc F-35 xuất xưởng đã gặp khó vì linh kiện và động cơ thay thế.

Hôm 22/4, 21 chiếc F-35 của Không quân Mỹ đã phải dừng bay và 15 trong số đó bị hỏng động cơ. Trước đó, ông Bromberg đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng, tỷ lệ phụ tùng động cơ tiêm kích F-35 chỉ đạt từ 10% đến 12%, còn lâu mới đạt được tiêu chuẩn.

Ngoài ra, chi phí bay của tiêm kích F-35 cũng ngày càng tăng. Với việc loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ, chi phí bay của F-35 sẽ tăng từ mức 35.000 USD/ giờ bay hiện nay, lên mức 40.000 USD mỗi giờ do các yếu tố như giá động cơ tăng.

Những quan chức Không quân Mỹ chỉ ra rằng, Không quân Mỹ kỳ vọng phi công F-35 có thể bay ít nhất 200 giờ mỗi năm. Với 35.000 USD mỗi giờ, một phi đội gồm 24 phi công sẽ tiêu tốn 168 triệu USD để hoàn thành số giờ bay hàng năm.

Trong khi đó, một phi đội F-15 chỉ có giá 129 triệu USD với điều kiện tương tự. Đối với Không quân Mỹ, làm thế nào để giảm chi phí bay của tiêm kích F-35 càng sớm càng tốt đã trở thành một vấn đề khác cần tìm lời giải.

Mỹ đã chính thức thông báo bằng văn bản loại Thổ khỏi chương tiêm kích tàng hình F-35 hồi cuối tháng 4/2021. Trong văn bản gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ, phía Mỹ cùng 8 nước khác đã quyết định bãi bỏ thỏa thuận năm 2006 ký kết với Ankara về chương trình chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35.

Lý do được đưa ra của quyết định này là Thổ mua và vận hành hệ thống phòng thủ S-400 do Nga sản xuất. Quyết định này được thực hiện bất chấp Ankara nhiều lần khẳng định S-400 chỉ là hệ thống phòng thủ và chúng không hề đe dọa đến bất kỳ hoạt động và vũ khí nào của khối NATO.

Ngọc Hòa

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/my-thua-nhan-dau-khi-buoc-tho-roi-khoi-chuong-trinh-f-35-3431772/