Mỹ thừa nhận chưa thể đối phó vũ khí siêu thanh của Nga và Trung Quốc

Nếu không sản xuất được các hệ thống phòng thủ tương ứng, Mỹ sẽ phải chịu thua trước vũ khí siêu thanh mà Nga và Trung Quốc đang phát triển.

Một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc ngày 7/3 cho biết, Tàu khu trục hạt nhân của Hải quân Mỹ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu Washington không thể sản xuất được các hệ thống phòng vệ trước các vũ khí siêu thanh như loại mà Trung Quốc và Nga đang phát triển.

Nếu không sản xuất được các hệ thống phòng thủ tương ứng, Mỹ sẽ phải chịu thua trước vũ khí siêu thanh mà Nga và Trung Quốc đang phát triển. Ảnh: Sputnik

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael Griffin cảnh báo: “Khi Trung Quốc có thể triển khai hệ thống vũ khí siêu thanh hay chiến lược trong khu vực, họ có thể gây nguy hiểm cho các đội tàu sân bay của Mỹ”.

Theo ông, trong 10 năm qua, Trung Quốc đã thực hiện các vụ thử vũ khí siêu thanh nhiều gấp 20 lần Mỹ. Ngày 6/3, hãng tin Sputnik cũng đưa tin, các nhà nghiên cứu của Trung Quốc đã thử nghiệm một tàu vũ trụ siêu thanh có thể tái sử dụng nhằm phục vụ mục đích dân sự và quân sự.

“Nếu Mỹ không thể giúp các thủy thủ và chiến đấu cơ trên tàu sân bay có khả năng phòng vệ, chống lại các phương tiện bay phi hạt nhân di chuyển nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, thì các lực lượng hiện đang được triển khai của chúng ta sẽ gặp nguy hiểm”, ông Griffin cảnh báo.

Ông cũng nói rằng, việc các lực lượng của Mỹ rơi vào tình huống nguy hiểm, đồng nghĩa với việc các tướng lĩnh rơi vào vị trí rất khó khăn. “Khi đó, hoặc là chúng ta là chấp nhận thua hoặc phải sử dụng tới hạt nhân, và như vậy thì sẽ là điều vô cùng tồi tệ đối với Mỹ”.

Theo ông Griffin, phương tiện bay siêu thanh có thể di chuyển tới bất kỳ địa điểm nào trên thế giới trong thời gian dưới 3 giờ. Đối với hệ thống phòng thủ của Mỹ, tầm bay của phương tiện siêu tânh có thể tạo ra một nguy hiểm lớn.

“Lợi thế của các phương tiện siêu thanh là tầm hoạt động khi chúng có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không. Đó là điều mà chúng ta không dành nhiều thời gian quan tâm trong thời gian gần đây”, ông Griffin nhấn mạnh.

Mỹ tiên phong nhưng lại chậm chân

Mỹ vốn là nước đi tiên phong trong công nghệ siêu âm, nhưng công nghệ này không được Washington chú trọng trong những năm gần đây, trong khi Nga và Trung Quốc đã nhanh chóng nắm bắt và “vượt mặt’ Mỹ.

Tên lửa siêu thanh DF-21D của Trung Quốc. Ảnh: GlobalSecurity

Năm 2017, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuriy Borisov tuyên bố việc phát triển và sản xuất vũ khí siêu thanh cho Quân đội Nga là một trong những chương trình được ưu tiên nhất trong giai đoạn từ 2018 đến 2025.

Trong thông điệp liên bang ngày 1/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định Moscow đã có nhiều tiến bộ trong công nghệ tên lửa, bao gồm phát triển một vũ khí siêu thanh bất khả chiến bại có thể vượt qua mọi hệ thống phòng thủ hiện có.

Còn quân đội Trung Quốc hiện cũng đang gấp rút nghiên cứu phát triển và thử nghiệm vũ khí siêu thanh của mình. Trong số vũ khí siêu thanh mà Trung Quốc đang nghiên cứu và phát triển, đáng chú ý nhất là sát thủ diệt tàu sân bay DF-21D và máy bay ném bom siêu thanh.

DF-21D (Đông Phong-21D) là tên lửa đạn đạo được thiết kế để hủy diệt các tàu sân bay khổng lồ trên đại dương. Điều này giúp Trung Quốc loại bỏ mối đe dọa từ các chiến đấu cơ đối phương cất cánh từ tàu sân bay. DF-21D được có thể khai hỏa ở bất cứ đâu, tầm bắn 1.600km. Tên lửa nặng 14 tấn, có thể trang bị đầu đạn hạt nhân và đạt tốc độ 12.000 km/giờ, tương đương 10 lần vận tốc âm thanh.

Mới nhất là máy bay ném bom siêu thanh thậm chí còn chưa được Trung Quốc đặt tên. Máy bay này có thể đạt tốc độ lên tới 6.000 km/giờ, tương đương 5 lần vận tốc âm thanh./.

Thùy Linh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/quan-su-quoc-phong/my-thua-nhan-chua-the-doi-pho-vu-khi-sieu-thanh-cua-nga-va-trung-quoc-737247.vov