Mỹ thử nghiệm công nghệ radar có khả năng phát hiện vũ khí siêu vượt âm

Theo thông tin từ Lầu Năm góc, quá trình thử nghiệm hệ thống radar cảnh giới và dẫn bắn thế hệ mới LTAMDS với khả năng phát hiện mục tiêu siêu vượt âm tương lai đang được tiến hành. Liên quan tới vấn đề này, đại diện hãng chế tạo Mỹ Raytheon cho biết, nguyên mẫu radar LTAMDS đã vượt qua các thử nghiệm bước đầu trong điều kiện có kiểm soát và kết quả được ghi nhận là thành công.

Trong quá trình thử nghiệm, các chuyên gia của Raytheon đã cho nguyên mẫu radar LTAMDS thực hành khả năng theo dõi, bám bắt nhiều loại mục tiêu bay khác nhau. Tuy nhiên, quá trình này được tiến hành trong một khoang kín đảm bảo yếu tố khử nhiễu nền. Sau khi các bài thử nghiệm trên, nguyên mẫu LTAMDS sẽ bắt đầu quá trình thử nghiệm ngoài thực địa. Trong thời gian tới, 6 nguyên mẫu của radar LTAMDS sẽ được chế tạo để phục vụ thử nghiệm ngoài thực địa.

 Hình ảnh mô phỏng về Radar LTAMDS.

Hình ảnh mô phỏng về Radar LTAMDS.

Các thông tin liên quan tới đặc điểm kỹ-chiến thuật mới của radar LTAMDS không được công bố. Tuy nhiên, việc sử dụng phần tử thu phát tín hiệu thể rắn chế tạo bằng vật liệu gallium nitride thay vì gallium arsenide như truyền thống giúp nhận định radar LTAMDS thuộc phân loại mảng định pha chủ động. Công nghệ này giúp radar có hiệu suất làm việc tốt hơn, đặc biệt là khả năng kháng nhiễu và khó bị phát hiện do khả năng thay đổi hướng chùm thu phát liên tục.

Mỹ bắt đầu công khai về chương trình phát triển hệ thống radar phòng không mới trong khuôn khổ chương trình LTAMDS với tham vọng hợp nhất chức năng phòng không và phòng thủ tên lửa trong một hệ thống hợp nhất. Raytheon dự kiến hoàn thành quá trình phát triển radar mới vào năm 2022 và tích hợp nó vào tổ hợp tên lửa phòng không PAC-3 Patriot trong gói nâng cấp sau đó.

PAC-3 hiện là tổ hợp tên lửa đánh chặn hiệu quả và đáng tin cậy nhất của quân đội Mỹ. Nhờ cải tiến công nghệ, tổ hợp tên lửa Patriot trang bị PAC-3 có thể lắp 16 hoặc 12 đạn tên lửa trên một bệ (trong khi đó, PAC-2 chỉ là 4 đạn tên lửa). Tương tự như phiên bản trước đó, đạn tên lửa của PAC-3 được đặt trong thùng bảo quản kín cho phép đạn tên lửa có chất lượng và hiệu suất chiến đấu đồng nhất trong mọi trường hợp. PAC-3 đạt tầm bắn tối đa 160km, có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết với trần bay ngăn chặn mục tiêu lên đến 24km.

Biến thể mới nhất PAC-3 của tổ hợp Patriot.

Các biến thể thuộc dòng tên lửa Patriot liên tục được nâng cấp. Ở các phiên bản mới nhất PAC-3, tổ hợp Patriot sử dụng đạn đánh chặn động năng hit to kill. Theo đó, tên lửa đánh chặn mang theo đầu đạn tiêu diệt mục tiêu bằng cách va chạm trực tiếp. Phương thức này đảm bảo khả năng tiêu diệt mục tiêu cao, nhưng cần hệ thống dẫn đường chính xác và tin cậy.

TUẤN SƠN (theo Breaking Defense)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/my-thu-nghiem-cong-nghe-radar-co-kha-nang-phat-hien-vu-khi-sieu-vuot-am-612784