Mỹ-Thổ lập vùng an toàn: Người Kurd vỡ mộng?

Phía Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho việc thực thi kế hoạch hành động chung giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ ở Syria.

Phát ngôn viên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin đã thông báo cho ông John Bolton rằng, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho việc thiết lập vùng an toàn tại Syria như trong thỏa thuận giữa hai nước.

Ngoài ra, hai quan chức cũng thảo luận về thương mại song phương, cuộc chiến chống khủng bố.

Hai quan chức cũng thảo luận về thương mại song phương và cuộc gặp có thể diễn ra giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York vào cuối tháng này.

Trước đó, ngày 31/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở cuộc tấn công vào lực lượng tay súng người Kurd ở Syria ở phía đông sông Eupharates nếu Mỹ không đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về một vùng an toàn trong vài tuần nữa.

"Nếu trong vài tuần quân đội chúng tôi không kiểm soát được phía đông Eupharates, chúng tôi sẽ thực hiện kế hoạch chiến dịch của mình. Chúng tôi không có nhiều thời gian và kiên nhẫn. Đừng ai dùng IS (tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo) làm cái cớ để lừa dối chúng tôi", ông Erdogan nêu rõ.

Ông Bolton (bìa trái) và ông Kalin.

Ông Bolton (bìa trái) và ông Kalin.

Năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đồng ý một kế hoạch rút toàn bộ tay súng người Kurd ở thị trấn Manbij (tỉnh Aleppo), cho phép dân địa phương thành lập một hội đồng mới.

Tuy nhiên, theo Ankara, tiến trình này không hề có tiến triển nào kể từ đó và Washington đã không tuân thủ lộ trình và cam kết của mình.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu từng nhấn mạnh, Ankara sẽ không cho phép Mỹ cản trở việc thành lập các vùng an toàn ở bắc Syria, ở thị trấn Manbij - nơi Mỹ không giữ đúng cam kết với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Ngoại trưởng Cavusoglu nếu 2 nước không thể đạt được thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có kế hoạch riêng của mình trong vấn đề này.

Giới quan sát cho rằng, cuối cùng Washington cũng phải nhường bước trước sự quyết tâm của Ankara. Tuy nhiên, việc chấp nhận cho Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập vùng an toàn tại Syria đồng nghĩa với việc mối quan hệ giữa Washington và cộng đồng người Kurd tại miền Đông và Đông Bắc Syria sẽ rạn nứt.

Ankara buộc Mỹ phải đưa ra lựa chọn cuối cùng. Washington chấp nhận để người Kurd chịu thiệt thòi, đổi lại Mỹ sẽ không mất đi một đồng minh quan trọng trong NATO và yên ổn khai thác, buôn lậu dầu ở khu vực dầu mỏ bờ đông Euphrates.

Có lẽ, sau vụ việc này, lực lượng người Kurd sẽ thấu hiểu được vị trí của mình trong lòng Mỹ. Lời hứa thành lập chính quyền lâm thời của người Kurd ở Đông Syria có lẽ cũng tan thành mây khói.

Thỏa thuận giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ngay từ khi manh nha đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Chính phủ Syria. Damacus cho rằng thỏa thuận này vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Syria, vi phạm luật pháp quốc tế và là hành động leo thang căng thẳng nguy hiểm trong khu vực.

Phía Nga cũng nhiều lần phát đi thông điệp cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu quân đội nước này phải chấm dứt mọi hành động quân sự trên lãnh thổ Syria, dù nhằm vào bất kỳ lực lượng nào.

Ngoài ra, Nga cũng khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không được phép chiếm đóng lãnh thổ Syria, kêu gọi các nhóm vũ trang tại Idlib phải giải giáp vũ khí hạng nặng và chấm dứt tình trạng giao tranh, trao trả lãnh thổ về cho chính quyền Syria như đã có thỏa thuận tại Sochi hồi tháng 9/2018.

Vùng an toàn mà Ankara muốn đạt được không chỉ bó hẹp trong 25km từ biên giới vào nội địa Syria mà trải dài từ các tỉnh phía Bắc đến miền Trung Syria.

Để đạt được mục đích của mình, Ankara sẽ không ngần ngại huy động lực lượng tiến đánh YPG, tạo ra những vùng đệm đầu tiên phục vụ cho chiến dịch quân sự quy mô lớn sau này. Sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến tình hình chiến sự ở Syria rơi vào tình trạng phức tạp hơn rất nhiều.

Thành Chung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-tho-lap-vung-an-toan-nguoi-kurd-vo-mong-3387020/