Mỹ Tho con gái mặn mà dễ thương

Mỹ Tho (Tiền Giang) được đánh giá là trung tâm phát triển thương mại đô thị sớm nhất miền Nam. Vùng đất này hội tụ những dòng tộc người Khơme, người Việt... khai hoang lập ấp rất trù phú cách đây hơn 300 năm. Những xóm làng bám dọc sông Tiền Giang mênh mang tạo nên một phong vị riêng biệt với hình ảnh: 'Gái xinh, gạo trắng, nước trong'. Mỹ Tho theo phương ngữ Khơme là xứ gái đẹp có nước da trắng hồng.

Những nữ hoàng Tiền Giang

Có nhiều vùng đất kỳ lạ với bao câu chuyện về những kỳ nhân. Nhưng có lẽ vùng đất Mỹ Tho là xứ sở của những nhan sắc mà ông trời đã ban cho từ khi mới khai sinh lập địa. Con gái sinh ra bên sông Tiền đều đẹp như tiên. Xưa không ít công tử từ khắp nơi đã về đây tìm vợ. Con gái Tiền Giang được truyền bá trong dân gian: “Tội gì anh phải đi xa/ Mỹ Tho con gái mặn mà dễ thương”. Điều đặc biệt cho đến nay Tiền Giang nức tiếng với danh hiệu là vùng đất có tới 4 người đẹp là “Hoàng hậu”. Trong số đó nổi bật có hai nữ hoàng rất xinh đẹp và tài năng.

Hoàng hậu sớm nhất là bà Từ Dụ (hay còn gọi là Từ Dũ). Từ khi còn trẻ, Từ Dụ (tên thật là Phạm Thị Hằng) đã nức tiếng xinh đẹp và dịu dàng. Bà sinh năm 1810 tại Gò Công (Tiền Giang). Là con gái của Lễ bộ thượng thư Phạm Đăng Hưng nên Phạm Thị Hằng sớm được đưa vào cung khi mới 14 tuổi. Bà trở thành vợ vua Thiệu Trị với danh hiệu Từ Dụ.

Được học hành từ nhỏ, bà Từ Dụ lại thông minh học một biết mười. Khi được làm vợ vua, bà vẫn không ngơi đèn sách và giúp vua trị vì triều Nguyễn. Từ danh vị Nhất Giai quý phi qua tám đời vua nhà Nguyễn, bà Từ Dụ trở thành Hoàng Thái hậu (thời vua Thành Thái - 1889). Bà được coi là ''mẫu nghi thiên hạ'' có công vun đắp cho nhiều đời triều Nguyễn được bền vững và yên hòa.

Tượng Hoàng Thái Hậu Từ Dũ đặt tại Bệnh viện Từ Dũ.

Tượng Hoàng Thái Hậu Từ Dũ đặt tại Bệnh viện Từ Dũ.

Đặc biệt Hoàng Thái hậu Từ Dũ là người thường xuyên đấu tranh chống tham nhũng và trừng trị quan tham. Không ít lần bà đã tuyên cáo: “Từ xưa đến nay, quan lại chỉ một chữ tham mà chưa trừ được. Mọt nước hại dân cũng từ đó mà ra. Làm quan mấy năm vị nào cũng giàu có gấp bội. Của ấy không lấy của dân thì lấy ở đâu? Nên nhất quyết phải trừ”. Bà mất năm 1902 thọ 92 tuổi.

Hiện tại ở Gò Công vẫn lưu truyền những bài thơ ca ngợi bà như một chúa xứ phương Nam. Bệnh viện “Bà mẹ và trẻ em” (TP Hồ Chí Minh) mang tên bà (được gọi trong dân gian là Từ Dũ). Đó là biểu tượng luôn luôn đem lại phúc lành cho mọi người. Chính vì thế hiện nay ở Gò Công quê hương bà vẫn truyền tụng rằng: “Nước đẹp dâng điềm lành/ Gò Rùa xây nền Phúc”.

Tiếp sau Hoàng thái hậu Từ Dụ là người đẹp Nam Phương Hoàng hậu, cũng sinh ra ở Gò Công Tiền Giang. Bà có tên cúng cơm là Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh năm 1914. Người đẹp Nguyễn Hữu Thị Lan được đi du học tại Pháp từ khi mới 12 tuổi. Lớn lên, bà có sắc đẹp sắc nước hương trời và đã từng ba lần đoạt giải Hoa khôi Đông Dương. Bà đã kết hôn với vua Bảo Đại và được phong là Nam Phương Hoàng hậu khi tròn 19 tuổi.

Sau này Nam Phương Hoàng hậu cũng có những đóng góp trong sự vận động mọi người chống thực dân Pháp. Bà đã từng bày tỏ khi gửi thông điệp: “Tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh”. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, bà đã khuyên giải Bảo Đại thoái vị để tránh những tang thương cho dân lành. Sau đó Hoàng hậu Nam Phương sang sinh sống tại Pháp và mất năm 1963, thọ 49 tuổi.

Sống như những đóa hoa

Bên cạnh những Hoàng hậu Từ Dụ và Nam Phương còn có những người đẹp rạng danh khác ở Tiền Giang cũng là bậc đệ nhất phu nhân. Nhưng có lẽ bà Đoàn Thị Giàu, vợ của cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (Bác Tôn) có cuộc đời phong ba nhất.

Bà sống ở quê nhà (xã Vĩnh Kim, Châu Thành Tiền Giang) đợi chồng bị cầm tù ở Côn Đảo suốt 16 năm ròng. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Tôn mới được tự do. Hai người chỉ sống với nhau một thời gian ngắn. Bởi năm 1946, Bác Tôn tập kết ra Bắc tiếp tục hoạt động cách mạng. Đó là chặng đường thử thách mới và dài không xác định.

Ở lại quê hương, bà Đoàn Thị Giàu đã trực tiếp tham gia cách mạng. Mãi đến năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bà Giàu mới được tập kết ra Bắc, sum họp cùng chồng con. Đó là chặng đường dài đầy cam go và thử thách đối với bản lĩnh của người đẹp Tiền Giang. Bà là tấm gương sáng tiêu biểu cho những phụ nữ miền Nam đã dấn thân trên con đường cách mạng.

Người đẹp Mỹ Tho.

Vẫn còn đó những người đẹp Tiền Giang xinh tươi trong tấm áo bà ba. Đặc biệt những nghệ sĩ nổi tiếng đã sinh ra từ mảnh đất Mỹ Tho. Nói đến dàn nghệ sĩ lừng danh ở Tiền Giang, ai cũng nhớ đến NSND Phùng Há (1911-2009). Ngay từ bé, Trương Phụng Hảo (tên khai sinh của NSND Phùng Há) đã có những tố chất mà một thầy tướng số đã nhận xét: “Cô bé mặt mày rất sáng, đẹp như nàng tiên trong tranh vẽ. Tương lai sẽ là một tài nữ, được sống trong vinh hoa phú quý nhưng lại nhiều khổ lụy trong những cuộc tình”.

Quả nhiên Phụng Hảo có một giọng hát thiên phú cùng với nhan sắc “mắt phượng mày ngài”. Vì cha mất sớm, Phụng Hảo đã cùng mẹ phải làm công tại một lò gạch kiếm sống. Mỗi khi rảnh rỗi, Phụng Hảo theo bạn bè nghe hát tuồng và chầu bên các nhóm đờn ca tài tử. Phụng Hảo học nhẩm theo không sai một nhịp phách. Bên lò gạch, Phụng Hảo luôn cất tiếng hát để vơi đi những mệt nhọc của mọi người.

Tiếng lành đồn xa. Ông bầu một ban nhạc đã tìm tới. Mới chợt nghe một câu của Phụng Hảo cất lên, ông đã giật mình sửng sốt và quyết định ký hợp đồng với đoàn Tái Đồng Ban. Ở đây Phụng Hảo được nghệ sĩ Tư Chơi dạy đàn và luyện giọng ca. Còn phần diễn xuất thì do Năm Châu chỉ bảo.

Cuộc đời nghệ sĩ của Phụng Hảo bắt đầu từ tuổi 14 và được chính mẹ đặt cho nghệ danh Phùng Há. Vai diễn đầu tiên của Phùng Há là nhân vật rất đặc sắc Giả Thị trong vở tuồng ''Hoàng Phi Hổ quy châu''. Đó là một ngày hội ở chợ Mỹ Tho. Khách chen chúc đông vui. Họ muốn nghe giọng hát của một nàng tiên bên lò gạch bên sông Tiền Giang. Cái tên Phùng Há được xướng lên. Hàng trăm người im phăng phắc, nín thở lắng nghe giọng hát ngọt ngào vang xa.

Từ đó cuộc đời nghệ sĩ Phùng Há lên như diều gặp gió. Đoàn nào cũng mong được cô đào Phùng Há đến hát. Với diễn xuất bẩm sinh, giọng hát có âm sắc phong phú, Phùng Há đã làm chao đảo bao công tử và các nghệ sĩ tài danh. Chính vì thế mà cuộc đời của Phùng Há cũng trôi nổi phong ba. NSND Phúng Há được mệnh danh là “Bà Hoàng cải lương”. Rạp hát Thày Năm Tú nơi Phùng Há biểu diễn cũng được coi là nhà hát cải lương đầu tiên ở nước ta. Bà đã để lại hàng chục vai mẫu xuất sắc trên sân khấu cải lương miền Nam. Về cuối đời, NSND Phùng Há đã sống tại Chùa Nghệ sĩ do chính bà là người sáng lập ở Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) và mất ở đó (2009).

Vườn hoa nhan sắc Tiền Giang

Dàn người đẹp và tài danh ở đất Tiền Giang thời nào cũng có, sau những bà Hoàng kể trên. Người đẹp lớn tuổi nhất hiện nay vẫn còn hiện diện trên các sân chơi ca nhạc là ca sĩ Phương Dung (sinh năm 1946 ở Gò Công, Tiền Giang). Tài sắc của nghệ sĩ Phương Dung sớm được vinh danh là “Nhạn trắng Gò Công”. Nối tiếp Phương Dung là một dàn nghệ sĩ và người mẫu trẻ rất nổi tiếng. Đó là Hoa khôi Thân Thúy Hà với đôi mắt đầy cuốn hút.

Bên cạnh đó có một người đẹp với đôi mắt to đẹp khác là “Ngọc nữ” Tăng Thanh Hà. Đàn em của Tăng Thanh Hà như người đẹp Vân Trang cũng nổi lên như một ngôi sao mai lấp lánh trong giới phim trường. Rồi nữa, đó là người mẫu MC lừng danh Phan Thị Mơ cùng với Nữ hoàng trang sức Lê Huỳnh Thúy Ngân và Hoa khôi Nam Em… Đúng là người đẹp Tiền Giang thật xứng với lời sấm truyền từ xa xưa: “Mỹ Tho đi dễ khó về”.

Vương tâm

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/my-tho-con-gai-man-ma-de-thuong-630094/