Mỹ-Thổ bắt tay ở Libya: Vẫn cần ngài Vladimir đáng kính

Tổng thống Erdogan tin tưởng một kỷ nguyên mới với người Mỹ về xử lý tình hình Libya nhưng ở đây vẫn còn một yếu tố đặc biệt quan trọng là Nga.

Trong cuộc phỏng bấn mới đây với truyền thông trong nước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tiết lộ về một kịch bản mới đầy triển vọng cho nước này ở mặt trận chiến lược Libya.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang tiến tới một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ về việc xử lý tính hình ở Libya.

Tổng thống Erdogan đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Donald Trump và khẳng định hai nước đã đạt được thỏa thuận về Libya. Dẫu vậy, vấn đề ở Libya vẫn cần ý kiến của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.

"Chúng tôi khẳng định rằng mọi việc ở đó đang diễn ra thành công, đã thông báo tất cả các chi tiết về những gì đang diễn ra ở đó. Giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ có thể bắt đầu một giai đoạn mới về vấn đề Libya. Chúng tôi đã đạt được một số thỏa thuận nhất định.

Nhưng còn phải thảo luận vấn đề này với ông Vladimir Putin (Tổng thống Liên bang Nga) đáng kính. Có lẽ sẽ có cuộc đàm phán với ông ấy" - ông Erdogan nói trên kênh truyền hình TRT.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không tiết lộ thêm điều gì về Libya song ông khẳng định chính quyền ở Ankara đứng về phía Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) do ông Faiz Saraj người được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế ủng hộ.

"Chống lại ông ấy là kẻ đảo chính Haftar (người đứng đầu LNA - Tướng Khalifa Haftar). Cho tới thời điểm hiện nay những khu vực quan trọng sống còn đã chuyển sang thuộc quyền kiểm soát của GNA, họ đang tiếp tục tấn công” - nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm.

Vấn đề Libya là một trọng tâm chiến lược của chính quyền Tổng thống Erdogan. Trong khi ông Erdogan ủng hộ Chính phủ của ông Faiz Saraj thì Tướng Haftar – Lãnh đạo Quân đội quốc gia (LNA) lại nhận được nhiều sự ủng hộ từ Nga, Pháp, Ý, Ai Cập, UAE, Saudi và cả Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã ký với GNA một thỏa thuận “Khiên Địa Trung Hải”, được ví là một lưỡi dao sắc lẹm chặt đứt mọi đường ống trong các dự án xây dựng vận chuyển từ các mỏ dầu, khí đốt của người Hi Lạp, Ai Cập, Síp, Israel đến châu Âu. Nếu như chính phủ của Faiz Saraj bị sụp đổ thì thỏa thuận của Thổ Nhĩ Kỳ đã ký vô tác dụng, cho nên, Thổ Nhĩ Kỳ phải quyết tâm bảo vệ bằng được sự tồn tại của Faiz Saraj.

Giới quan sát ví chiến lược hỗ trợ GNA của Ankara tương tự như tầm quan trọng của chiến lược Syria mà Nga đang thực hiện để giữ vị thế chỉ đạo của họ ở Trung Đông.

Do vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đang liệt vào tầm ngắm những đối tượng hỗ trợ cho lực lượng LNA để đảm bảo an toàn cho Chính quyền GNA. Ông Erdogan đã có thể tiếp cận và thay đổi sự ủng hộ của Mỹ về tình hình Libya nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ con bài chiến lược là Nga sẽ phản ứng như thế nào.

Moscow không trọng mặt trận Libya giống như cách họ rót tiềm lực quân sự vào mặt trận Syria song cũng không thực sự muốn nhúng tay can thiệp sâu vào vấn đề Libya. Những tháng gần đây, Nga đã tăng cường sự hiện diện ở Libya nhưng ở vai trò trung lập như "cảnh sát".

Ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ nắm được ý định của Moscow như vậy, Tổng thống Erdogan cũng không quên về việc cần phải "xin ý kiến" "Ngài Vladimir đáng kính" trước mỗi động thái chính trị nhỏ diễn ra ở Bắc Phi.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-tho-bat-tay-o-libya-van-can-ngai-vladimir-dang-kinh-3405484/