Mỹ thiếu tin tưởng hệ thống phòng thủ tầm xa trên hạm

Việc Hải quân Mỹ tiếp tục đổ tiền nâng cấp hệ thống phòng thủ tầm ngắn Phalanx cho thấy nhiều điều về lưới lửa phòng thủ trên hạm Mỹ.

Nhà thầu quốc phòng Raytheon và Hải quân Mỹ vừa ký vào bản hợp đồng trị giá 199 triệu USD để nâng cấp hệ thống phòng thủ Phalanx. Hiện không rõ có bao nhiêu hệ thống vũ khí này sẽ được nâng cấp và thời điểm hoàn thành cũng không được tiết lộ.

Theo yêu cầu, tốc độ bắn sẽ phải nhanh hơn 4,000 phát/phút và độ chính xác của những hệ thống Phalanx sau khi hoàn thành gói nâng cấp mới sẽ phải cải thiện hơn trước. Hải quân Mỹ tiết lộ, Phalanx chuyên dùng để bắn hạ những tên lửa do chiến hạm hay máy bay địch bắn, đã xuyên qua được hàng rào phòng thủ bên ngoài của hạm đội, đang bay đến gần chiến hạm.

Khi phát hiện tên lửa địch tới gần, Phalanx sẽ tự động điều khiển hệ thống, theo dõi và nhắm vào mục tiêu. Phalanx có tốc độ bắn kinh hoàng với khoảng 4,000 phát/phút để tạo một hàng rào thép chặn đường bay và tiêu diệt các tên lửa của đối phương truớc khi bắn trúng chiến hạm.

Ngoài việc phòng thủ tên lửa, Phalanx còn có chức năng tấn công vào cả các máy bay tầm thấp. Để làn được điều này, hệ thống Phalanx được trang bị bao gồm 1 pháo M61 Vulcan 6 nòng cỡ 20mm. Hệ thống Phalanx còn được trang bị 2 radar đặt trong khối trụ màu trắng phía trên pháo.

Trong đó 1 radar có nhiệm vụ tìm kiếm mục tiêu và đưa ra các thông số về tốc độ, hướng bay, tầm cao của mục tiêu,… rồi chuyển thông số cho máy tính xử lý để đưa ra quyết định tiêu diệt. Radar còn lại có nhiệm vụ bám bắt mục tiêu cho đến khi máy tính xử lý đưa ra được góc bắn hợp lý nhất để đảm bảo xác suất tiêu diệt mục tiêu là cao nhất.

Trang USNI News dẫn nguồn tin từ Hải quân Mỹ thừa nhận, việc tiếp tục phải nâng cấp hệ thống Phalanx là giải pháp bắt buộc khi hệ thống Aegis và những tên lửa đánh chặn tầm xa trên chiến hạm Mỹ bộc lộ hạn chế trong việc phát hiện và tiêu diệt tên lửa tấn công tầm thấp như tên lửa chống tàu.

Một trong những khó khăn khi tác chiến phòng thủ trên biển đó là chiều sâu không gian chiến trường quá lớn, yêu cầu thời gian tác chiến nhanh. Đối với các hệ thống radar cảnh báo sớm trang bị trên tàu chiến Mỹ hiện nay việc phát hiện các mục tiêu bay ở tầm trung và cao thì dễ dàng nhưng đối với các mục tiêu bay ở tầm thấp là rất khó.

Với trình độ kỹ thuật hiện nay, máy bay chiến đấu có thể bay ở độ cao 15m so với mực nước biển, 30m khi tác chiến ở khu vực trung du, 120m khi tác chiến ở khu vực đồi núi. Ví dụ như máy bay chiến đấu Su-27 của Nga có thể bay thấp ở độ cao 15m so với mực nước biển với tốc độ Mach 1. Đặc biệt, tên lửa chống hạm còn có thể bay cách mặt nước chỉ khoảng 5m. Trong khi đó, năng lực phòng thủ đối với các mục tiêu bay thấp của hệ thống chiến đấu phòng không Aegis cực kỳ hạn chế.

Nếu phải tác chiến với mục tiêu bay ở độ cao dưới 300m thì hiệu suất chiến đấu của hệ thống Aegis giảm xuống dưới 50%, nếu như mục tiêu bay thấp dưới 30m thì sẽ cực kỳ khó khăn để đánh chặn. Và khi phải đối phó với mục tiêu bay cực thấp như tên lửa chống hạm, cơ hội phát hiện và đánh chặn của hệ thống Aegis bằng tên lửa tầm xa là gần như không có.

Đây chính là lý do khiến Mỹ tiếp tục đổ tiền nâng cấp hệ thống đánh chặn tầm ngắn Phalanx - hệ thống được thiết kế với những radar riêng biệt và được coi là lưới lửa phòng thủ cuối cùng trên chiến hạm Mỹ. (Thùy Dung)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/my-thieu-tin-tuong-he-thong-phong-thu-tam-xa-tren-ham-3385848/