Mỹ thêm một lần đau đầu vì Su-57 'vô hình' đến Syria

Hệ thống trinh sát Mỹ và đồng minh đang tìm lời giải bằng cách nào mà chiếc Su-57 Nga tiến vào Syria mà không hề bị phát hiện.

Vũ khí khủng khiếp

Lần tái triển khai Su-57 đến Syria chỉ được biết đến khi Đại tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga thông báo khi những cuộc thử nghiệm những tính năng và vũ khí mới của tiêm kích tàng hình này đã hoàn thành.

"Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm Su-57 tiếp tục được thử nghiệm ở Syria. Tất cả các thử nghiệm đều thành công như kế hoạch", tướng Valery Gerasimov tuyên bố.

Tiêm kích Su-57 xuất hiện tại Syria hồi năm 2018.

Tiêm kích Su-57 xuất hiện tại Syria hồi năm 2018.

Dù tướng Nga không công bố nhiệm vụ khi quay lại Syria lần này của Su-57 nhưng theo tiết lộ của thông tấn Nga, trong những chuyến bay mới tại Syria, tiêm kích tàng hình Su-57 đã thử nghiệm hệ thống trí tuệ nhân tạo và tấn công phiến quân bằng bom hàng không mới Drel.

Theo những thông tin ban đầu, bom Drel được sản xuất với chiều dài 3,1m, đường kính 0,45m, trọng lượng chiến đấu 540kg. Quả bom này mang bên trong thân tới 15 quả đạn cỡ nhỏ để tăng hiệu quả cũng như số lượng mục tiêu bị tiêu diệt cho mỗi lần không kích.

Điểm đặc biệt của vũ khí này là nó được thiết kế để có thể thực hiện tấn công không phân biệt ngày đêm mà không cần xâm nhập vào khu vực có phòng không của đối phương đang trực chiến bởi Drel có khả năng lượn trên không một quãng đường tới 30km để săn tìm mục tiêu mà vẫn giữ được độ chính xác cực cao.

Do kích thước khá lớn của loại vũ khí này nên không rõ tình huống dùng Drel tấn công phiến quân, Su-57 mang vũ khí bên trong khoang hay treo bên ngoài. Trước khi Drel chính thức ra mắt, hồi giữa năm 2016, Không quân Nga đã bị cáo buộc sử dụng phiên bản bom chùm Drel để tấn công khủng bố tại Kafr Naha phía Tây Aleppo Syria.

Tuy nhiên, thông tin này đã bị Nga phủ nhận và khẳng định rằng, họ không mang đến Syria và triển khai chiến đấu bất kỳ loại bom chùm nào trên chiến trường Syria dù mục tiêu đó là lực lượng khủng bố.

Mỹ tìm lời giải

Thông tin Su-57 quay lại chiến trường Syria đã rõ ràng và nó đang khiến giới quân sự Mỹ đau đầu tìm lời giải rằng làm cách nào máy bay Nga có thể dễ dàng vượt qua hệ thống trinh sát dày đặc đang được Mỹ triển khai ở Syria và cả Trung Đông.

Tình huống này đang được lý giải theo những cách sau. Có thể chiến đấu cơ của Nga đã đi đường vòng, bỏ qua không phận Azerbaijan, bay qua không phận quốc tế trên biển Caspian, vào không phận Iran và Iraq để tới Syria.

Nhưng việc điều động cặp chiến đấu cơ hạng nặng vượt quãng đường dài hơn 2000km, qua không phận của 3 nước, trước con mắt nhòm ngó của vệ tinh và radar trinh sát Mỹ và đồng minh là một điều không hề đơn giản.

Từ lâu, quân đội Mỹ đã triển khai nhiều máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm trên không (AWACS) tại căn cứ không quân Incirlik, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ và một số căn cứ ở Bahrain. Ngoài ra, các máy bay cảnh báo sớm (AEW) Gulfstream G550 của Israel cũng thường xuyên tuần tiễu trên không.

Các máy bay này được trang bị những hệ thống radar hiện đại, có thể phát hiện các mục tiêu trong phạm vi kiểm soát rất rộng với bán kính lên tới 500 km, vùng trời trên biển Caspian và phía bắc Iraq đều nằm trong tầm kiểm soát của các máy bay cảnh báo sớm Mỹ và Israel.

Nhưng đã không có một loại phương tiện trinh sát-cảnh báo sớm nào kể cả trên không và dưới mặt đất của Mỹ và đồng minh phát hiện ra máy bay Nga bay sang Syria. Để thực hiện trót lọt chuyến bay, có thể Nga đã dùng chiến thuật núp bóng, tắt thiết bị nhận biết định-ta, gây nhiễu...

Theo nhận định này, cặp Su-57 có thể dễ dàng qua mặt được Mỹ và đồng minh bằng cách phối hợp theo đội hình hẹp, giãn cách bằng nhau, bay phía trên máy bay A-50U hoặc máy bay Tu-154M ở độ cao 10km với vận tốc khoảng 1.000km/h.

Trong điều kiện này, hệ thống radar cảnh báo sớm của Mỹ và Israel dễ dàng phát hiện ra chiếc máy bay cỡ lớn bởi tiết diện phản xạ radar quá lớn của nó, những chiếc máy bay chiến đấu Nga sẽ yên ổn "núp bóng", bởi phản xạ sóng radar giữa các máy bay Nga là đồng nhất.

Ngoài ra, giới quân sự Mỹ còn cho rằng có thể máy bay Nga đã tắt thiết bị nhận biết địch-ta để lặng lẽ bay sang Syria. Thiết bị này được sử dụng với mục đích nhận biết máy bay ta và máy bay địch trong khu vực phòng không của mỗi nước khi nằm trong phạm vi bao phủ của các radar cảnh giới đường không.

Có thể Nga còn tận dụng thế mạnh tác chiến điện tử của mình để gây nhiễu chủ động. Cụ thể, Nga có thể đã thể đã dùng biện pháp chế áp toàn bộ các radar chủ động, gây nhiễu toàn bộ dải tần hoạt động của radar trong khu vực máy bay sẽ bay qua.

Nhưng cũng có một số nhận định cho rằng, một khả năng lớn hơn và rất đơn giản đó là tiêm kích Su-57 Nga đã tận dụng thế mạnh tàng hình của mình âm thầm vượt qua toàn bộ hệ thống trinh sát của Mỹ và đồng minh để vào Syria.

Chỉ có cách giải thích này được cho là hợp lý bởi không chỉ trên đường bay đến Syria mà toàn bộ những chuyến bay thử nghiệm và không kích phiến quân, Su-57 đều không bị phát hiện.

Và những chuyến bay này, chắc chắn sẽ không có chiến thuật bay kiểu núp bóng nào bởi nếu vậy, chúng không thể thực hiện không kích và thử nghiệm tính năng mới.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-them-mot-lan-dau-dau-vi-su-57-vo-hinh-den-syria-3393577/