Mỹ thay đổi chiến lược vũ khí hạt nhân để dễ bề 'chơi' với Nga-Trung

Mỹ đang có nhu cầu phát triển vũ khí hạt nhân công suất thấp để đối kháng với Nga, Trung Quốc nếu chiến tranh nổ ra.

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa tái khẳng định quyết tâm phát triển một loại vũ khí hạt nhân mới cho phép Washington đối kháng với các vũ khí hạt nhân của Nga và Trung Quốc trên chiến trường.

Một vụ thử bom hạt nhân của Mỹ trên biển. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Một vụ thử bom hạt nhân của Mỹ trên biển. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Seapower, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ John Rood nêu rõ, loại vũ khí hạt nhân này là cần thiết để chống lại kế hoạch của Nga sử dụng vũ khí hạt nhân công suất thấp ngay từ đầu cuộc giao tranh, khiến đối phương phải sợ hãi mà chấp nhận ngừng bắn.

Bài đăng trên tạp chí Seapower có đoạn viết: “Thứ trưởng Rood nói rằng, nhu cầu về các loại vũ khí hạt nhân mới có sức công phá thấp xuất phát từ các thông tin tình báo về việc Nga nhấn mạnh phải sử dụng loại vũ khí hạt nhân này sớm trong cuộc xung đột như một cách để ngăn chặn phản ứng của đối phương”. Ông Rood cũng trích dẫn các tuyên bố công khai của Tổng thống Putin ủng hộ việc sử dụng vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp “như một cách chống lại kẻ thù”.

Vậy ông Rood đã nghĩ về loại kịch bản nào? Hãy tưởng tượng Nga đã phát động một cuộc tấn công kiểu Blitzkrieg (chiến tranh chớp nhoáng-ND) vào Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic như Latvia, Estonia hay Litva. Nga nhanh chóng hàng phục cả 4 quốc gia trước khi NATO có thể tung đòn đáp trả một cách hiệu quả. Trong lúc NATO đang tập hợp một lực lượng phản ứng nhanh, Nga kích nổ một vũ khí hoạt nhân nhỏ, công suất thấp ở biên giới Ba Lan. Vụ nổ sẽ phát đi cảnh báo rằng Nga hiện đã sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ cuộc chinh phạt của nước này, buộc NATO phải lựa chọn giữa hạ vũ khí hay sử dụng vũ khí hạt nhân của liên minh quân sự này.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, việc sở hữu các tên lửa hạt nhân cỡ nhỏ có sức công phá thấp như W76-2 sẽ cho phép NATO đối kháng với vũ khí hạt nhân mà Nga sử dụng trong giai đoạn đầu cuộc chiến tranh. Thiếu loại vũ khí hạt nhân nhỏ hơn phóng từ tên lửa, đồng nghĩa với việc liên minh sẽ buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân lớn hơn để đáp trả và điều này sẽ gây leo thang xung đột.

Đầu đạn hạt nhân W76-2 là phiên bản nâng cấp của đầu đạn hạt nhân W76-1 được trang bị cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident D-5. Một đầu đạn W76-1 có đương lượng nổ 100 kiloton. Theo Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, W76-2 về cơ bản giống như W76-1 nhưng được cấu hình lại để chỉ phát nổ một phần. Cơ quan an ninh hạt nhân quốc gia (NNSA) Mỹ cho biết, phiên bản đầu đạn có sức công phá thấp W76-2 có đương lượng nổ chưa đến 10 kiloton. Điều này khiến W76-2 sở hữu uy lực vừa phải của vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhưng có thể phóng bằng tên lửa đạn đạo chiến lược có sẵn tới bất kỳ mục tiêu nào.

Tất nhiên, không phải ai cũng đồng tình với ý tưởng chế tạo loại vũ khí hạt nhân mới này. Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (UCS) cho biết, Mỹ đã sở hữu loại bom hạt nhân có công suất thấp, đó là loạt bom hạt nhân chiến thuật B61. Bom trọng lực B61 có bộ phận tùy chọn công suất, cho phép các đơn vị sử dụng có thể điều chỉnh sức công phá với đương lượng nổ 1,5 kiloton, 10 kiloton hoặc 50 kiloton.

Video: Mỹ thử bom trọng lực B61.

Hơn nữa, USC cho rằng việc đặt đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm – loại tên lửa thường mang theo những đầu đạn có sức công phá mạnh hơn nhiều, sẽ khiến đối phương chẳng hạn như Nga không biết phía bên kia đang sử dụng loại đầu đạn nào. Khi đó, Moscow có thể hiểu việc sử dụng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân là dấu hiệu đầu tiên của một cuộc tấn công toàn diện và có hành động đáp trả tương ứng.

Chương trình sản xuất W76-2 dự tính tiêu tốn 8,25 tỷ USD. Việc phát triển đã diễn ra nhanh chóng và loại vũ khí này được đưa vào sản xuất hàng loạt từ tháng 1/2019 tại nhà máy vũ khí hạt nhân Patex ở Texas. Vẫn chưa biết khi nào đầu đạn W76-2 sẽ được sử dụng trên biển./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo Popular Mechanics

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/my-thay-doi-chien-luoc-vu-khi-hat-nhan-de-de-be-choi-voi-ngatrung-986818.vov