Mỹ thấp thỏm chờ tín hiệu ông Putin

Người Mỹ tin rằng Tổng thống Putin sẽ giữ bí mật những ý định của mình tới phút chót và nêu nhiều kịch bản nhà lãnh đạo Nga duy trì quyền lực.

Người Mỹ thấp thỏm

Hãng tin AP của Mỹ vừa có bài viết bình luận nhân dịp 20 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Theo hãng tin Mỹ, ông Putin tự hào nói về những thành tựu của mình nhưng lại tỏ ra e dè về tương lai chính trị của ông. AP cho rằng sự dè dặt này làm bùng lên nhiều đồn đoán về những ý định của nhà lãnh đạo Nga.

Theo đó, Tổng thống Putin nhắc tới việc Nga khôi phục ảnh hưởng quốc tế, hiện đại hóa công nghiệp, bùng nổ xuất khẩu nông nghiệp, và một quân đội được hồi sinh, như những kết quả quan trọng nhất trong thời gian ông nắm quyền, bắt đầu từ ngày 31/12/1999.

Hãng tin Mỹ hồi tưởng lại thời điểm đó khi Tổng thống đầu tiên của Nga, ông Boris Yeltsin, đã bất ngờ từ chức và chỉ định cựu sĩ quan tình báo KGB làm người kế nhiệm, mở đường cho ông Putin đắc cử vào 3 tháng sau đó.

Tổng thống Boris Yeltsin (phải) cùng Thượng phụ Alexy II (trái) và Thủ tướng Vladimir Putin (giữa) ngày 31/12/1999 tại Điện Kremlin

Tổng thống Boris Yeltsin (phải) cùng Thượng phụ Alexy II (trái) và Thủ tướng Vladimir Putin (giữa) ngày 31/12/1999 tại Điện Kremlin

Giới phân tích Mỹ cho rằng những người chỉ trích cáo buộc ông Putin phải chịu trách nhiệm về căng thẳng với phương Tây sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, sự kiện đã giúp tỷ lệ ủng hộ của ông tăng cao nhưng lại châm ngòi các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Theo cách nói của một nhà phân tích được AP dẫn lời thì ông Putin đã dừng sự phát triển “bình thường” của nước Nga.

Vấn đề hiện nay là những đồn đoán về tương lai sau nhiệm kỳ 6 năm của ông Putin, kết thúc vào năm 2024. Có không ít dự đoán cho rằng nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất tại Nga kể từ sau Josef Stalin của Liên Xô nhiều khả năng sẽ tiếp tục ở lại cầm quyền.

AP mô tả ông Putin, 67 tuổi, yêu thích thể thao, dường như vẫn còn đủ sức khỏe để tiếp tục lãnh đạo. Ông thường xuyên luyện tập judo, trượt tuyết và chơi khúc côn cầu để thể hiện sự dẻo dai của mình và vẫn được người dân yêu mến rộng rãi.

Đầu tháng 12/2019, Tổng thống Putin đã ẩn ý rằng có thể sẽ có những sửa đổi hiến pháp để tái phân bổ quyền lực giữa tổng thống, nội các và quốc hội. Ông không cho biết cụ thể sẽ có những thay đổi nào. AP suy luận rằng thông báo này có thể là dấu hiệu cho thấy ý định của ông Putin về việc cắt giảm quyền lực của tổng thống và tiếp tục điều hành đất nước với tư cách là thủ tướng.

Người Mỹ thấp thỏm chờ đợi tín hiệu từ Tổng thống Nga Putin

AP cũng nêu những khả năng khác khi lấy trường hợp của lãnh đạo lâu năm của Kazakhstan, ông Nursultan Nazarbayev làm ví dụ. Ông Nazarbayev, 79 tuổi, đã đột ngột từ chức nhưng vẫn đảm nhận vị trí quan trọng là người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia.

Một lựa chọn khác được AP nêu ra là kịch bản ông Putin trở thành nhà lãnh đạo nhà nước thống nhất giữa Nga và Belarus.

Những mối đe dọa tiềm tàng

Dù tự nêu ra những kịch bản “khả thi” như trên song AP đánh giá mỗi trường hợp đều có rủi ro. Ông Putin từng chuyển sang làm thủ tướng từ năm 2008-2012, sau 8 năm giữ chức tổng thống, tuân thủ đúng quy định của hiến pháp về việc không được làm tổng thống quá 2 nhiệm kỳ. Theo AP, ông Putin khi đó là người có tiếng nói quyết định dưới thời Tổng thống Dmitry Medvedev, người đã rời ghế tổng thống chỉ sau một nhiệm kỳ.

Sau đó, ông Putin được cho là đã “hưởng lợi” khi Nga dưới thời ông Medvedev nâng nhiệm kỳ tổng thống lên 6 năm. Tuy nhiên, việc ông Putin trở lại ghế tổng thống đã dẫn tới không ít ý kiến trái chiều ở trong nước Nga, theo AP thì đó là các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Moscow trong năm 2011-2012.

Ông Putin gửi thông điệp Năm mới tới người dân Nga ngày 31/12/2019

AP đánh giá, tuyên bố của ông Putin trong tháng 12 về khả năng thay đổi hiến pháp để giới hạn tổng thống chỉ được 2 nhiệm kỳ được nhiều người coi là dấu hiệu cho thấy ông đang dự tính tạo ra một vị trí điều hành mới trong khi cắt giảm quyền lực của người kế nhiệm. Hãng tin Mỹ đánh giá, nếu ông Putin chọn trở thành thủ tướng với một loạt những quyền lực mới, điều này có thể dẫn tới những mối đe dọa khác.

AP nhận định, khi đó ông Putin sẽ dễ bị tổn thương hơn bởi sẽ phải phụ thuộc vào sự thể hiện của đảng cầm quyền. Mặc dù tỷ lệ ủng hộ của ông Putin vẫn ở mức cao, song sự ủng hộ của cử tri Nga dành cho đảng Nước Nga Thống nhất đã giảm mạnh và tổng thống được cho là đang giữ khoảng cách với đảng này.

Trong khi đó, AP cho rằng việc hợp nhất với Belarus tạo ra một vị trí lãnh đạo mới với những rủi ro thậm chí còn lớn hơn nhiều. Lý do là khả năng châm ngòi cho sự phản đối mạnh mẽ ở Belarus và làm trầm trọng hơn tình trạng đối đầu với phương Tây. AP đã chỉ ra một số mâu thuẫn giữa Nga và Belarus thời gian qua khi Nga tăng giá năng lượng và cắt trợ cấp dành cho Belarus.

Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Belarus A. Lukashenko thị sát một cuộc tập trận chung giữa hai nước

Hãng tin Mỹ dẫn lời giới phân tích đánh giá Tổng thống Putin sẽ giữ bí mật những ý định của mình tới tận phút chót. Điều này được cho là có những lợi thế nhất định nhưng không thể kéo dài vì có nguy cơ gây chia rẽ nội bộ.

AP dẫn lời giới phân tích nhận định viễn cảnh theo mô hình Kazakhstan dường như có nhiều khả năng xảy ra nhất. Tiếp tục ở lại cầm quyền nhưng chia sẻ quyền lực với người kế nhiệm sẽ giúp ông Putin xoa dịu cuộc chiến kế vị không thể tránh khỏi giữa những cấp dưới của mình.

Truyền thông nước Nga cũng đặc biệt lưu ý đến việc Tổng thống Putin đề cập khả năng sửa đổi hiến pháp. Tờ Vedomosti bình luận: “Việc Tổng thống Putin tán thành đề xuất sửa đổi Hiến pháp Nga là một trong số ít những điểm nổi bật của cuộc họp báo lớn năm 2019”.

Tuy vậy, Tổng thống Putin cho biết ông sẽ không ủng hộ những sửa đổi quá cực đoan. Theo nhà lãnh đạo Nga, nên giữ nguyên hiện trạng phần đầu tiên của Hiến pháp vì nó mô tả căn bản cấu trúc của bộ luật nền tảng của nước Nga. Phần còn lại có thể được sửa đổi và đặc biệt cần loại bỏ cụm từ "liên tiếp" trong điều luật về số lượng nhiệm kỳ tổng thống.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga S. Shoigu (trái) ngồi cùng Tổng thống Putin

Theo báo chí Nga, ý của ông Putin là cần sửa đổi khoản 3 điều 81 của Hiến pháp Nga hiện hành: "một người không thể nắm chức tổng thống nhiều hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp". Ngoài ra, ông chủ Điện Kremli cũng nói rằng ông chia sẻ quan điểm với những người cho rằng cần sửa đổi Hiến pháp theo hướng trao nhiều thẩm quyền hơn cho Quốc hội, đặc biệt là Duma Quốc gia.

Việc thảo luận về sửa đổi hiến pháp theo hướng trao nhiều thẩm quyền nhiều hơn cho Quốc hội vốn được Chủ tịch Duma Vyacheslav Volodin nêu ra từ cuối năm ngoái. Theo đó, Duma Quốc gia Nga sẽ được quyền tham gia toàn diện vào việc hình thành chính phủ. Hiện nay, Duma Quốc gia Nga chỉ đưa ra đồng thuận với tổng thống về việc bổ nhiệm thủ tướng, trong khi không có vài trò gì đối với việc hình thành Nội các chính phủ.

Giới phân tích Nga nhận định những phát biểu về sửa đổi hiến pháp cho thấy ông Putin sẽ không xem xét kịch bản tiếp tục thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sẽ không có những kịch bản khác cho phép ông Putin tiếp tục nắm quyền.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-thap-thom-cho-tin-hieu-ong-putin-3394399/