Mỹ thảo luận với Nga, tích cực hợp tác Bắc Cực

Phía Nga cam kết hợp tác đa phương chặt chẽ hơn ở Bắc Cực và nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác phi chính trị hóa trong Hội đồng Bắc Cực.

Thông tấn TASS ngày 28/8 dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Nga cho hay, hợp tác song phương ở Bắc Cực và một số vấn đề trong khu vực là trọng tâm của cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Vladimir Titov và Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan.

Mỹ và Nga cam kết thúc đẩy hợp tác tại Bắc Cực. Ảnh minh họa

Mỹ và Nga cam kết thúc đẩy hợp tác tại Bắc Cực. Ảnh minh họa

Tuyên bố nêu rõ: "Hai nhà ngoại giao ghi nhận vai trò trung tâm của Hội đồng Bắc Cực trong việc hình thành một chương trình nghị sự mang tính xây dựng ở khu vực Bắc Cực."

Phía Nga cũng khẳng định cam kết hợp tác đa phương chặt chẽ hơn ở Bắc Cực và nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác phi chính trị hóa trong Hội đồng Bắc Cực.

Phát triển năng lực của Nga tại Bắc Cực được cho là điểm nhấn trong chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong chiến lược phát triển tại khu vực này, Tuyến đường biển Bắc là một trọng tâm chiến lược.

Tuyến đường này trải dài từ eo biển Bering đến Na Uy, được coi là một đối thủ tiềm năng lâu dài của kênh đào Suez cho tuyến thương mại Á-Âu, kể từ khi băng Bắc Cực bắt đầu tan chảy. Hải trình trên tuyến đường biển Bắc trong vận tải thương mại Bắc Cực giữa 3 khu vực gồm châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu, vốn có lượng hàng xuất khẩu chiếm gần 90% thương mại thế giới.

Tuy tuyến đường này có nhiều ưu điểm về thời gian và quãng đường thực hiện hải trình, các chủ tàu vẫn chưa chủ động lựa chọn tuyến hàng hải này trong vận tải biển bởi đi kèm quá nhiều rủi ro.

Đi cùng với năng lực hàng hải, sở hữu một diện tích đáng kể ở Bắc Cực mang lại cho Nga nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú gồm kim loại quý và khí đốt. Trong khi đó, Moscow cũng tăng cường năng lực quân sự bảo vệ biên giới tại đây, mạnh mẽ hơn bất cứ quốc gia nào khác sở hữu một phần diện tích ở lục địa băng giá.

Trong một bài phát biểu tại Hội đồng Bắc Cực hồi năm ngoái, Mỹ đã kêu gọi thế giới phản ứng trước "thái độ hung hăng" của Trung Quốc và Nga trong khu vực.

Ông Pompeo đã nhấn mạnh rằng ngày nay Bắc Cực đã trở thành một không gian cạnh tranh giữa các cường quốc thế giới, nhưng việc "Bắc Cực là một vùng hoang dã không có nghĩa là nơi này phải trở thành một nơi bị luật rừng chi phối".

Trước một cử tọa trong đó có cả phái đoàn Nga và Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ đã có những lời lẽ hết sức gay gắt nhắm vào hai nước, nhất là vào Trung Quốc.

Ông Pompeo đã đề nghị phía Nga "quốc tế hóa" tuyến đường biển Bắc nằm gần hết trong lãnh thổ Nga. Ông cho rằng, Nga nên mở rộng cửa cho các tàu ở các quốc gia khác sử dụng tuyến đường, thay vì nhận hàng và vận chuyển chúng bằng con tàu phá băng của họ. Phía Mỹ coi nếu Tuyến đường biển Bắc được phát triển thương mại thuần túy, Moscow nên để nó được "đa phương hóa".

Hội Đồng Bắc Cực bao gồm 8 thành viên, tất cả đều là những quốc gia có một phần lãnh thổ nằm trong khu vực : Mỹ, Canada, Nga, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Iceland và Phần Lan. Nếu Hoa Kỳ và Nga là thành viên thực thụ, thì Trung Quốc chỉ có quy chế quan sát viên.

Ông Pompeo cũng lưu ý tới yêu sách của Trung Quốc tại Bắc Cực. Nhấn mạnh rằng, điểm cực bắc của Trung Quốc nằm cách Bắc Cực đến 900 hải lý. Như vậy, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, không thể tồn tại cái gọi là quy chế "Quốc Gia cận Bắc Cực" mà Trung Quốc tự phong cho mình.

Ông Pompeo khẳng định: "Chỉ có quốc gia Bắc Cực và quốc gia ngoài Bắc Cực, không hề tồn tại loại thứ 3 nào, và nói này, nói nọ cũng không thể mang đến cho Trung Quốc bất cứ quyền hạn gì."

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-thao-luan-voi-nga-tich-cuc-hop-tac-bac-cuc-3418083/