Mỹ thành lập 'Nhóm hành động Iran' để thay đổi điều gì?

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo, Hoa Kỳ đang thành lập 'Nhóm hành động Iran' là có mục đích.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani

Phát biểu tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao ngày 16/8, ông Pompeo tuyên bố rằng thế giới đang đòi hỏi sự thay đổi trong hành vi của Iran, để Tehran “hoạt động như một quốc gia bình thường”.

Ngoại trưởng Mỹ nói thêm rằng Cố vấn chính sách cấp cao Brian Hook sẽ dẫn đầu. phụ trách "Nhóm Hành động Iran" để hỗ trợ trên quy mô quốc tế cho những nỗ lực của Hoa Kỳ.

Tại họp báo, ông Hook cho biết Mỹ muốn thúc đẩy một tương lai tươi sáng hơn cho người Iran và cáo buộc rằng, “chính quyền Iran hiện tại gây ra sự bất ổn và bạo lực”.

Ông Hook tiếp tục nói về 12 yêu cầu mà chính phủ Hoa Kỳ đưa ra trước đó đối với Tehran, bao gồm việc Iran rút khỏi Syria. Cố vấn ngoại trưởng nói rằng nếu Tehran “thay đổi hành vi” trong 12 yêu cầu đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ “sẵn sàng nói chuyện với chính quyền Iran”.

Trước đó, ông Pompeo đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ áp đặt “những biện pháp trừng phạt mạnh nhất trong lịch sử” nếu Iran không tuân thủ các yêu cầu.

Khi đề cập tới các quốc gia khác tiếp tục hợp tác với Iran, Hook nói rằng Mỹ “chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các chính phủ đó”. Quan chức Mỹ cũng lưu ý mục tiêu của Washington là “giảm nhập khẩu dầu của Iran của mọi quốc gia xuống 0 trước ngày 4/11”.

Khi phóng viên Matt Lee của AP lưu ý rằng, thông báo về IAG diễn ra vào ngày kỷ niệm cuộc đảo chính tại Iran do Mỹ hậu thuẫn năm 1953 và hỏi liệu “thay đổi chính quyền” có nằm trong kế hoạch của Mỹ hay không?”.

Cố vấn Hook trả lời rằng, đây chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên và IAG nhằm “thay đổi hành vi của chính quyền Iran”.

Các quốc gia châu Âu và Nga đã lên tiếng chống lại yêu cầu ngừng kinh doanh với Iran của Mỹ. Các bộ trưởng từ Anh, Pháp, Đức và EU đã viết thư cho các quan chức Nhà Trắng hàng đầu vào tháng 6, trong đó yêu cầu Washington đồng ý không trừng phạt các ngành công nghiệp châu Âu trong các giao dịch với Tehran.

Vào tháng 7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng các bên ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đồng ý rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các nước kinh doanh với Iran là một chính sách hoàn toàn bất hợp pháp và không thể chấp nhận được.

Ông Lavrov cũng kêu gọi các nước ký kết còn lại của thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), phát triển các cách để giữ mối quan hệ thương mại và kinh tế với Iran để không phụ thuộc vào ý chí của Mỹ.

Thùy Dương (Theo RT)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/my-thanh-lap-nhom-hanh-dong-iran-de-thay-doi-dieu-gi-d268557.html