Mỹ 'thẳng tay' với Nga trong ngành năng lượng

Chính sách của Mỹ là sẽ cạnh tranh với Nga trên thị trường năng lượng toàn cầu, Tổng thống Donald Trump nói.

"Hãy nhìn vào các chính sách của tôi về năng lượng… Tôi đang mở cửa đất nước của chúng tôi đối với dầu và khí tự nhiên. Đó sẽ là cuộc cạnh tranh với Nga", ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business.

Ông Trump nhấn mạnh rằng chính ông là người đã nêu ra vấn đề Đức đang trả "hàng tỷ đô la" cho khí tự nhiên của Nga.

"Mọi người đều biết về nó, nhưng không ai nói về nó cả. Tôi đã làm cho nó trở thành một vấn đề lớn", ông nói thêm. Ông Trump nói rằng, hoàn toàn không thể chấp nhận được việc Đức phải trả hàng tỷ đô la cho khí đốt của Nga và đang lập kế hoạch xây dựng một đường ống mới để đưa khí đốt Nga tới châu Âu (thông qua dự án đường ống Nord Stream 2) còn Mỹ thì vẫn phải bảo vệ nước này như một đồng minh NATO bằng cách chi tiêu lớn cho quốc phòng, điều vượt hơn những gì Berlin đang làm.

Thị trường năng lượng đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các ông lớn. (Nguồn: Sputnik)

Tuy nhiên, Đức, với dự đoán nhu cầu về khí đốt của nước này sẽ tăng lên, đã khẳng định rõ ràng rằng họ ủng hộ mạnh mẽ đối với dự án Nord Stream 2.

Phát biểu tại một hội nghị được tổ chức bởi Viện Aspen, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis, đã phản đối nỗ lực của Washington trong việc gây ảnh hưởng đến chương trình nghị sự năng lượng của Liên minh châu Âu. Ông nói rằng Đức sẽ tiếp tục kế hoạch Nord Stream 2 bất kể những gì Mỹ đã nói.

"Đây là một phần lợi ích cốt lõi của châu Âu", ông Michaelis cho biết. "Tôi không muốn chính sách năng lượng châu Âu được định hình ở Washington," ông nói thêm.

Dự án Nord Stream 2 dự kiến xây dựng hai đường ống hàng năm vận chuyển 55 tỷ m3 khí tự nhiên của Nga qua biển Baltic, đi qua một số nước châu Âu và tới Đức.

Nord Stream 2 sẽ đi qua nhiều vùng lãnh thổ của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức. Trong số tất cả các nước tham gia, Đan Mạch là nước duy nhất chưa phê duyệt xây dựng dự án.

Một số quốc gia, sợ mất doanh thu từ việc quá cảnh khí đốt của Nga, đặc biệt là Ukraine, phản đối dự án này. Latvia, Lithuania và Ba Lan cũng cùng nhau phản đối Nord Stream 2- điều họ coi là có động cơ chính trị.

Dự án này cũng đang phải đối mặt với sự phản đối từ Hoa Kỳ- hiện đang muốn các nước châu Âu bắt đầu nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng của Mỹ và đã đe dọa sẽ trừng phạt các công ty châu Âu đầu tư vào đường ống Nord Stream 2.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/my-thang-tay-voi-nga-trong-nganh-nang-luong-20181017164745368.htm