Mỹ thẳng tay loại biên hàng trăm chiếc Apache

Quân đội Mỹ vừa thông báo chính thức loai biên hàng trăm chiếc trực thăng tấn công AH-64D Apache cũ để nhường chỗ cho loại máy bay mới.

Theo Bộ Tư lệnh Hợp đồng Lục quân - Redstone Arsenal (ACC-RSA), hiện cơ quan này đang tìm kiếm nhà thầu để tháo rời hàng trăm chiếc AH-64D sau khi số trực thăng này nhận quyết định loại biên từ Bộ Quốc phòng.

"Yêu cầu từ quân đội, tiến độ tháo rời mỗi tháng phải đạt khoảng 7 chiếc AH-64D Apache. Tuy nhiên, không phải tất cả linh kiện và phụ tùng tháo rời đều bị loại bỏ. Những bộ phận nào còn tốt sẽ được tận dụng để tái sử dụng trên những chiếc Apache còn mới hơn", thông báo của ACC-RSA cho biết.

Trực thăng tấn công Apache.

Trực thăng tấn công Apache.

Để lấp vào chỗ trống những chiếc Apache loại biên để lại, Bộ Quốc phòng Mỹ đang khẩn trương đánh giá một vài ứng cử viên để có phương án tốt nhất thay thế. Dù phương án cuối cùng chưa được đưa ra nhưng theo nguồn tin của trang Aviationist, máy bay SB-1 Defiant đang được đánh giá là có tiềm năng nhất.

SB-1 Defiant hội tụ đủ những yêu cầu của Quân đội Mỹ về dòng máy bay thay thế Apache: Tấn công mạnh, tốc độ cao, đa năng (vừa tấn công vừa đảm nhiệm vận chuyển binh sĩ).

"Sự kết hợp giữa cánh quạt đồng trục và cánh quạt đẩy ở đuôi máy bay giúp nó có thể thoát ly nhanh hơn khỏi khu vực nguy hiểm để giảm khả năng bị thương vong hoặc bắn hạ. Hệ thống lái linh hoạt của trực thăng mới là một cuộc cách mạng so với các dòng trực thăng truyền thống hiện có của Mỹ", Giám đốc Chương trình phát triển máy bay trinh sát tấn công của Quân đội Mỹ, Tim Malia nói.

Chương trình SB-1 Defiant ra đời nhằm thực hiện nhiệm vụ của cả trực thăng tấn công AH-64 Apache và trực thăng vận tải UH-60 Black Hawk trong Không quân Mỹ hiện nay.

Quá trình phát triển máy bay mới với cánh quạt đồng trục thế hệ mới SB-1 hay chương trình Future Vertical Lift dựa trên công nghệ đã được thực nghiệm trên nguyên mẫu trực thăng siêu tốc X-2. SB-1 Defiant có thể đạt tốc bay tối đa lên tới trên 462km/h.

Máy bay này được thiết kế để phù hợp cho cả nhiệm vụ vận tải chiến trường hoặc trực thăng tấn công. Việc hoán cải trang bị của SB-1 rất đơn giản và có thể thực hiện ngay trên chiến trường nhờ thiết kế module.

Thế mạnh của trực thăng này không chỉ dừng lại ở đó bởi với cánh quạt đồng trục, cho phép SB-1 bay ở độ cao lớn, vùng núi cao, nơi không khí loãng, mà ít dòng trực thăng có thể hoạt động được.

Nhờ có thiết kế đặc biệt cho phép SB-1 có khả năng xoay sở ở phạm vi hẹp, tác chiến tốt trong môi trường đô thị phức tạp. Cơ cấu cánh quạt tối ưu giúp SB-1 hoạt động ít phát ồn hơn so với các dòng trực thăng thế hệ cũ.

Điều đặc biệt theo Không quân Mỹ, sự ra đời của SB-1 đã phá thế độc tôn về thiết kế cánh quạt đồng trục trên trực thăng dòng Ka của Nga và giúp trực thăng Mỹ có thêm nhiều lợi thế trong cuộc đua phát triển dòng trực thăng tốc độ cao trên thế giới.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-thang-tay-loai-bien-hang-tram-chiec-apache-3418600/