Mỹ thần tốc hoàn thành thiết kế tên lửa mới sau khi rút khỏi Hiệp ước INF

Không lâu sau khi chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) thì Mỹ đã nhanh chóng tiến hành các bước chuẩn bị để có thể triển khai vũ khí mới.

 Công ty quốc phòng Raytheon của Mỹ cho biết, họ vừa hoàn thành thiết kế sơ bộ của tên lửa đất đối đất thế hệ mới mang tên DeepStrike, dự kiến vụ bắn thử sẽ được tiến hành ngay trong năm nay.

Công ty quốc phòng Raytheon của Mỹ cho biết, họ vừa hoàn thành thiết kế sơ bộ của tên lửa đất đối đất thế hệ mới mang tên DeepStrike, dự kiến vụ bắn thử sẽ được tiến hành ngay trong năm nay.

Đây được xem là động thái mới nhất của Mỹ sau khi chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung - INF vào năm ngoái, đẩy thế giới vào nguy cơ của một cuộc chiến tranh Lạnh mới.

Tên lửa đạn đạo thế hệ mới DeepStrike là sản phẩm nằm trong khuôn khổ chương trình quân sự Long-Range Precision Fire (LRPF) - tạm dịch là "Vũ khí chính xác tầm xa".

Mục tiêu của chương trình LRPF là cho ra đời loại vũ khí công nghệ cao, có tầm bắn rất xa. Chương trình này gồm cả giai đoạn phát triển, thử nghiệm bắn đạn thật để đảm bảo thiết kế hoàn chỉnh và sẵn sàng sản xuất hàng loạt vào cuối năm 2019.

Bộ Quốc phòng Mỹ và Raytheon đã ký một hợp đồng trị giá 116,4 triệu USD với nội dung "hoàn thiện kỹ thuật và công nghệ sản xuất cho chương trình LRPF vào cuối năm 2016, sản phẩm chính là tên lửa DeepStrike.

Tầm bắn của tên lửa DeepStrike trong khoảng 60 - 499 km, xa hơn nhiều so với con số 300 km của hệ thống M270 MLRS và M142 HIMARS đời cũ, và nhỉnh hơn một chút so với 480 km của Iskander-M.

Tập đoàn Raytheon nhấn mạnh rằng, tên lửa DeepStrike thế hệ mới sẽ có kích thước chỉ bằng một nửa nhưng đầu đạn nó mang theo thì mạnh hơn các loại tên lửa đang có trong trang bị của Quân đội Mỹ.

Không chỉ có tầm bắn xa hơn, độ chính xác khi tiêu diệt mục tiêu của tên lửa DeepStrike do Raytheon nghiên cứu phát triển cũng lớn hơn thế hệ tên lửa cũ.

Tập đoàn Raytheon đã chính thức tích hợp DeepStrike vào hệ thống pháo phản lực bắn loạt M270 MLRS và M142 HIMARS để thay thế cho các loại đạn tên lửa có trong biên chế mà theo họ thì đã lỗi thời.

Hệ thống DeepStrike có thể bắn hai tên lửa từ một ống phóng đơn, điều này không chỉ giảm chi phí mà còn tăng công suất thiết bị lên tới 40 % so với hệ thống ATMS hiện tại.

Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng tên lửa DeepStrike được phát triển vào thời gian Hiệp ước INF còn hiệu lực, nhưng hiện tại Mỹ có thể dễ dàng nâng tầm bắn của nó lên trên con số 500 km.

Nếu vậy DeepStrike sẽ trở thành một tên lửa đạn đạo tầm trung cực kỳ lợi hại, có độ cơ động cao và rất khó ngăn chặn khi nó được triển khai trên thực địa.

Nhưng quan trọng hơn, DeepStrike trong vỏ bọc của tên lửa tầm ngắn sẽ khiến Nga khó mà triển khai các vũ khí trả đũa, bởi Moskva từng cho biết họ sẽ không làm điều đó trước Mỹ.

Giải pháp khả thi nhất của Nga để có thể chống lại DeepStrike có lẽ chính là âm thầm nâng tầm bắn cho tên lửa Iskander-M nhưng không công bố rộng rãi.

Tuy nhiên dù sao đi nữa, thế giới đang đứng trước nguy cơ cực lớn của một cuộc chạy đua vũ trang trên phạm vi toàn cầu với mức độ vô cùng khốc liệt.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-my-than-toc-hoan-thanh-thiet-ke-ten-lua-moi-sau-khi-rut-khoi-hiep-uoc-inf/804581.antd