Mỹ 'thấm đòn' vì chính phủ đóng cửa

Tổng thống Donald Trump hôm 15-1 tiếp tục cảnh báo chính phủ Mỹ sẽ phải 'đóng cửa rất lâu nữa' nếu ông buộc phải làm như thế để quốc hội phê duyệt ngân sách 5,7 tỉ USD xây bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico nhằm ngăn người di cư trái phép.

Tình trạng chính phủ Mỹ đóng cửa một phần bắt đầu từ ngày 22-12-2018 sau khi Thượng viện (do Đảng Cộng hòa kiểm soát) và Hạ viện (do Đảng Dân chủ kiểm soát) không thống nhất được dự luật chi tiêu vì vấn đề bức tường nói trên.

Ở ngày đóng cửa thứ 25, bất chấp cảnh báo của Tổng thống Donald Trump, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố sẽ không chấp thuận bức tường vì nó "không hiệu quả và vô nhân đạo".

Khoảng 800.000 nhân viên liên bang không được trả lương kể từ khi chính phủ đóng cửa một phần vào ngày 22-12-2018. Ảnh: NEW YORK TIMES

Theo ước tính ban đầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump, cứ mỗi 2 tuần chính phủ đóng cửa một phần, tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ giảm 0,1 điểm phần trăm. Tuy nhiên, Nhà Trắng hôm 15-1 khẳng định lại cứ mỗi tuần đóng cửa, kinh tế Mỹ giảm đến 0,13 điểm phần trăm tăng trưởng. Điều này có nghĩa là kinh tế Mỹ mất gần 0,5 điểm phần trăm cho gần 4 tuần đóng cửa chính phủ vừa qua - theo báo The New York Times.

Tăng trưởng kinh tế quý I/2018 của Mỹ đạt 2,2%. Rủi ro kinh tế đã buộc giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ yêu cầu ngân hàng trung ương tạm dừng tăng lãi suất. Trong khi đó, Giám đốc điều hành (CEO) Delta Air Lines, ông Ed Bastian, dự đoán tình trạng chính phủ đóng cửa một phần sẽ khiến doanh thu tháng 1 của hãng hàng không này giảm 25 triệu USD.

Trong một động thái nhằm giảm thiểu tác động xấu, Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) đang yêu cầu 46.052 nhân viên xử lý hoàn thuế quay lại làm việc không lương. Theo AP, ngày càng nhiều người lo lắng quá trình hoàn thuế hàng tỉ USD bắt đầu vào ngày 28-1 tới sẽ bị chậm trễ.

Ngoài kinh tế, ngoại giao cũng đang chịu ảnh hưởng. Tại Foggy Bottom (vùng lân cận thủ đô Washington) và các đại sứ quán Mỹ trên toàn thế giới, nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ không chỉ bất an về thu nhập và cuộc sống mà còn lo lắng cho các chương trình ngoại giao mà họ đã phải rất vất vả để xúc tiến trong nhiều tháng hoặc thậm chí là nhiều năm.

"Từ những chương trình ngoại giao quyền lực mềm như cấp học bổng Fulbright, trao đổi văn hóa đến những dự án quan trọng hơn ở khu vực xung đột…, tất cả đều bị ngưng trệ" - một nhân viên ngoại giao Mỹ công tác tại châu Phi chia sẻ với tạp chí Politico.

Cao Lực

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-tham-don-vi-chinh-phu-dong-cua-20190116223048759.htm