Mỹ tăng trừng phạt, Nga-Trung liên thủ chặt chẽ hơn

Đòn trừng phạt riêng rẽ của Washington đối với Moscow và Bắc Kinh chính là động lực khiến Nga-Trung Quốc liên thủ chặt chẽ hơn để chống lại Mỹ-NATO.

Trung Quốc đáp trả trừng phạt của Mỹ

Đáp trả lại lệnh trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc tuyên bố hủy các tiếp xúc đã lên kế hoạch trước đó với Hoa Kỳ theo thỏa thuận giữa các cơ quan quân sự. Bước đi này có thể được coi là một phản ứng đáp trả các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh mà Hoa Kỳ áp đặt, do mua vũ khí của Nga.

Các chuyên gia tin chắc rằng, sức ép từ đòn trừng phạt của Mỹ sẽ không ảnh hưởng gì đến sự hợp tác quân sự-kỹ thuật của Nga và Trung Quốc. Nhưng Moscow và Bắc Kinh sẽ buộc phải từ bỏ dollars và tìm kiếm phương thức thanh toán khác trong mua bán vũ khí.

Trước đó, Washington công bố áp đặt trừng phạt chống Cục phát triển trang bị thuộc Ủy ban quân sự trung ương (Quân ủy Trung ương) Trung Quốc và Giám đốc cơ quan này là ông Li Shanfu, trong khuôn khổ đạo luật "Chống đối thủ của Mỹ bằng phương tiện trừng phạt" (CAATSA), xuất phát từ việc Bắc Kinh mua 10 chiến đấu cơ Su-35 và một số hệ thống S-400 của Nga.

Ngay ngày hôm sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu tập Đại sứ Mỹ Terry Branstad, yêu cầu "sửa chữa sai sót" và dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Nếu không, Bắc Kinh giữ quyền phản ứng bằng biện pháp đáp trả tương xứng. Và đến nay, những biện pháp này đã được thi hành.

Quân ủy Trung ương Trung Quốc triệu hồi vị Tư lệnh lực lượng hải quân Thẩm Kim Long đang có chuyến công cán ở Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng từ chối tham gia hội nghị chuyên đề về an ninh quốc tế trên biển, vốn đã được lên kế hoạch tại Hoa Kỳ. Cuộc gặp của đại diện Bộ Tổng tham mưu hai nước cũng đã bị hủy bỏ.

Nga và Trung Quốc bắt tay chặt chẽ hơn để đối phó đòn trừng phạt của Mỹ

Mỹ tuyên bố rằng, mục tiêu cuối cùng của biện pháp trừng phạt mới là cắt giảm hợp tác quân sự-kỹ thuật của Nga với các nước khác. Theo giới chuyên gia, mục tiêu như vậy khó có thể đạt được.

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, các hợp đồng cung cấp S-400 và Su-35 với tổng trị giá hơn 3 tỷ USD đã ký kết từ đầu năm 2014 và 2015 khi CAATSA chưa ra đời, do đó, một phần quan trọng của hợp đồng đã được thực thi. Do đó, biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ sẽ không thể ngăn cản việc hoàn thành hợp đồng đến cùng.

Nga-Trung sẽ áp dụng phương thức “đổi hàng lấy vũ khí”?

Ông Alexandr Gabuev, người đứng đầu chương trình "Nga trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương" của Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng, trong điều kiện gia tăng áp lực chính trị và kinh tế từ phía Washington và các đồng minh NATO, Bắc Kinh không thể trở mặt bỏ hợp tác với nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của mình.

Theo ông, sẽ không có chuyện cắt giảm hợp tác giữa Nga và Trung Quốc về hợp tác phát triển và mua sắm, cung cấp vũ khí.

Điều duy nhất có thể thay đổi trong các thỏa thuận mua sắm vũ khí Nga-Trung Quốc là các giao kèo giữa hai bên sẽ chuyển sang chế độ khác là "vùng màu xám" (có thể không công bố thỏa thuận) và Moscow và Bắc Kinh sẽ đưa ra hình thức thanh toán theo thỏa thuận mới.

Nhiều khả năng là Nga và Trung Quốc sẽ từ bỏ đồng USD trong thanh toán hợp đồng mua sắm vũ khí và hợp tác quân sự-kỹ thuật song phương, sử dụng phương thức thanh toán trao đổi ngang giá.

Nga và Trung Quốc đã có kinh nghiệm về trao đổi trong việc cung cấp các lô hàng vũ khí vào giai đoạn những năm 1990, sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt với nước này, do sự kiện Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh năm 1988.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-tang-trung-phat-nga-trung-lien-thu-chat-che-hon-3366131/