Mỹ tăng sức mạnh vũ khí 'thọc sườn' Nga

Mỹ cần loại chiến hạm mới có khả năng diệt các hệ thống tấn công của đối phương trong khi tiềm năng hiện đại hóa loại khu trục hiện có đã cạn.

Tham vọng mặt nước của Mỹ

Tàu khu trục hiện là một trong những loại vũ khí thường xuyên được Mỹ sử dụng để “thọc sườn” Nga. Mới đây nhất, Hạm đội 6 của Mỹ đã đưa 2 tàu khu trục tên lửa USS Porter và USS Donald Cook tiến vào Biển Đen với mục đích được tuyên bố là tiến hành "hoạt động an ninh hàng hải".

Về phần minh, Điện Kremlin đã nhiều lần kêu gọi các nước NATO ngừng các hoạt động quân sự ở Biển Đen. Nga cho rằng hoạt động này có tác động gây bất ổn cho khu vực. Hải quân Nga cũng luôn có những hành động nhằm “dằn mặt” tàu chiến Mỹ trong khu vực.

Tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ tiến vào Biển Đen

Tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ tiến vào Biển Đen

Hạm đội 6 Mỹ ngày 1/2 cho biết: "Hôm nay, chiến hạm USS Donald Cook hoạt động trên vùng biển quốc tế tại Biển Đen khi một chiếc Su-24M của Nga vượt qua ở khoảng cách gần”. Hạm đội 6 cũng cho đăng tải đoạn video ghi lại cảnh một chiếc Su-24M của Nga tiếp cận chiến hạm Mỹ từ phía sau rồi vượt qua bên mạn trái tàu và không thực hiện thêm bất cứ lần cơ động nào khác gần USS Donald Cook.

USS Porter và USS Donald Cook là tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke, được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất "Tomahawk" và hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, có khả năng phòng không và phòng thủ tên lửa thuộc loại mạnh nhất trên thế giới hiện nay.

Mới đây, Lầu Năm Góc lộ thông tin chi tiết về dự án “tàu khu trục của tương lai” DDG Next sẽ trở thành một trong những lớp tàu mặt nước chủ lực của Hải quân Mỹ vào cuối những năm 2020. Washington cho rằng, lớp tàu đầy hứa hẹn này sẽ mang lại cho hải quân Mỹ lợi thế đáng kể trước bất kỳ đối phương nào.

Tàu khu trục USS Porter của Mỹ

Theo Sputnik, Mỹ đã thông qua quyết định phát triển tàu khu trục thế hệ thứ 5 vào năm 2020 sau hàng loạt tuyên bố đáng báo động của các đô đốc Hải quân Mỹ rằng hạm đội tàu mặt nước đang lão hóa. Có tới 27 trong tổng số 67 tàu khu trục lớp Arleigh Burke đã hơn 20 năm tuổi. Một số tàu tuần dương mang tên lửa lớp Ticonderoga cũng “cao tuổi” - hơn 30 năm.

Chương trình phát triển tàu khu trục tàng hình Zumwalt cũng không thu được kết quả như kỳ vọng. Mức giá cao của chiến hạm lớp này không thể chấp nhận được ngay cả đối với Mỹ đã khiến hải quân nước này phải cắt giảm số tàu lớp Zumwalt đặt mua từ 32 chiếc xuống còn 2 chiếc.

Tàu khu trục Zumwalt có bề ngoài "viễn tưởng" nhưng bị đánh giá quá đắt đỏ

Chuẩn Đô đốc Hải quân Mỹ Paul Schlise đánh giá: “Tiềm năng hiện đại hóa tàu khu trục lớp Arleigh Burke đã cạn kiệt. Hải quân Mỹ cần một loại chiến hạm mới. Các đối thủ của chúng ta đang ngày càng phát triển lực lượng hải quân của họ và chúng ta cần một tàu khu trục có khả năng hoạt động hiệu quả để tiêu diệt các hệ thống tấn công của đối phương. Lớp tàu khu trục mới phải được trang bị hệ thống động cơ mới, cùng khả năng trang bị hệ thống phát điện tích hợp”.

Ông Paul Schlise giải thích rằng, các tàu chiến đầy hứa hẹn sẽ được trang bị nhiều thiết bị tác chiến điện tử, vũ khí laser, radar cảnh báo sớm và cảm biến. Các thiết bị này sẽ tạo ra một lượng tải nặng cho hệ thống điện. Vì vậy, cần phải phát triển một hệ thống động cơ mới, cùng khả năng trang bị hệ thống phát điện tích hợp có khả năng tăng sức mạnh cho vũ khí và cảm biến trong tương lai.

Nga-Trung đáp lời

Hiện chưa có nhiều thông tin về dự án DDG Next của Mỹ. Được biết, tên lửa siêu thanh đầy hứa hẹn sẽ là loại vũ khí tấn công chính của loại tàu này. Các ống phóng thẳng đứng Mk41 được trang bị cho các tàu mặt nước hiện đại của Mỹ không phù hợp để phóng tên lửa siêu thanh mới. Do đó, tàu khu trục DDG Next sẽ lớn hơn Arleigh Burke (lượng giãn nước 9.500 tấn), nhưng nhỏ hơn đáng kể so với Zumwalt (lượng giãn nước 16.000 tấn).

Đô đốc hải quân Mỹ Michael Gilday cho biết: “Chúng tôi không cần một con quái vật khổng lồ. Nhưng tàu khu trục mới phải có khả năng mang kho vũ khí lớn hơn so với các tàu hiện đại. Do đó, hải quân cần đến tàu khu trục có thiết kế mới về cơ bản. Nhiệm vụ chính là phải lắp đặt tất cả các hệ thống hiện đại nhất trên con tàu để sau đó cải tiến và thay thế chúng bằng những hệ thống mới”.

Mỹ muốn có loại tàu chiến mới để "tiêu diệt" đối phương

Trong năm tài chính 2021, Mỹ có kế hoạch đầu tư 46,5 triệu USD vào chương trình tàu khu trục đầy hứa hẹn. Tổng chi phí cho một con tàu ước tính khoảng 2,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chi phí đầu tư vào dự án này sẽ tăng lên. Những chiếc tàu đầu tiên thường có giá cao hơn nhiều so với những tàu được sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc tin chắc rằng, tàu khu trục DDG Next sẽ rẻ hơn Zumwalt có mức giá 4,2 tỷ USD/chiếc.

Theo Sputnik, Nga cũng có một số dự án tàu nổi đầy tham vọng. Một trong số đó là tàu khu trục hạt nhân Lider thuộc Dự án 23560. Con tàu này có thể thay thế 3 lớp tàu chiến đã được phát triển dưới thời Liên Xô: tàu khu trục Sarych thuộc Dự án 956, tàu khu trục chống ngầm cỡ lớn thuộc Dự án 1155 cũng như các tàu tuần dương tên lửa Atlant thuộc Dự án 1164 và Orlan thuộc Dự án 1144.

Một mô hình mẫu tàu khu trục lớp Lider của Nga

Tàu khu trục thuộc dự án mới của Nga có lượng giãn nước 17.000 - 19.000 tấn, tốc độ trên 30 hải lý/giờ (trên 55 km/giờ), thời gian hoạt động liên tục trên biển 60 - 90 ngày, thủy thủ đoàn 400 - 500 người.

Con tàu có thể được trang bị các loại vũ khí như tên lửa chống hạm Onyx (phiên bản xuất khẩu được gọi là Yakhont) và Zircon, tên lửa hành trình Kalibr để tấn công các mục tiêu mặt đất, phiên bản hải quân của hệ thống tên lửa phòng không S-400 hoặc S-500, tổ hợp máy phóng ngư lôi chống tàu ngầm Paket-NK và hai trực thăng trong khoang chứa máy bay trên boong tàu.

Hồi tháng 8/2017, Bộ Quốc phòng Nga đã phê duyệt dự án tàu khu trục lớn và tham vọng nhất lớp Lider. Theo dữ liệu mới nhất, quá trình xây dựng tàu khu trục Lider sẽ bắt đầu không sớm hơn năm 2023. Nga sẽ chi tới 100 tỷ rúp (khoảng 1,31 tỷ USD) đóng tàu này. Hiện Hải quân Nga có kế hoạch đặt mua 8 chiếc loại này.

Cùng với Nga và Mỹ, Trung Quốc hiện cũng đang trong cuộc đua chế tạo tàu khu trục mới. Truyền thông Trung Quốc hồi cuối năm 2020 cho biết, 2 tàu khu trục Type 052D đã được đưa vào biên chế của lực lượng hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và đang đạt được khả năng chiến đấu với tốc độ rất nhanh.

Trung Quốc đầu tư rất lớn cho hải quân và liên tục tăng mạnh số lượng tàu mặt nước với các mẫu mới được chế tạo

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin hôm 11/12 rằng một trung tâm huấn luyện tàu chiến trực thuộc Hải quân Bộ Tư lệnh Chiến khu Miền Bắc của PLA gần đây đã tổ chức các cuộc tập trận suốt ngày đêm, chuyên sâu mức độ cao tại Hoàng Hải với 2 tàu khu trục Type 052D là Đường Sơn và Tề Tề Cáp Nhĩ, cùng 2 tàu hộ tống Type 056A là Định Châu và Mẫu Đơn Giang.

Đáng chú ý, chiếc Đường Sơn là biến thể cải tiến mới nhất được đặt tên là "Type 052DL" với sàn đáp máy bay trực thăng mở rộng, có thể chứa các máy bay trực thăng lớn hơn, bao gồm cả phiên bản hải quân của loại máy bay trực thăng Z-20, được dự kiến có các biến thể thiết thực và tác chiến chống ngầm.

Tàu khu trục Đường Sơn cũng được đưa vào hoạt động cùng với một radar cảnh báo sớm tầm xa mới, có thể phát hiện các máy bay tàng hình như chiến đấu cơ phản lực F-35 và F-22. Theo giới quan sát, nhiều tàu chiến - bao gồm các tàu khu trục Type 052D, tàu khu trục cỡ lớn Type 055 và tàu tấn công đổ bộ Type 075 - được cho là sẽ tham gia biên chế hải quân PLA trong tương lai không xa.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-tang-suc-manh-vu-khi-thoc-suon-nga-3426992/