Mỹ-Taliban thỏa thuận giảm bạo lực, Afghanistan sắp hết chiến tranh?

Phải chăng cuộc chiến dai dẳng kéo dài gần 2 thập kỷ qua ở Afghanistan hiện đang ở giai đoạn hồi kết?

Mỹ và Taliban cuối tuần qua đã đạt được một thỏa thuận giảm bạo lực trong 7 ngày, mở đường cho việc 2 bên ký kết Thỏa thuận Hòa bình lớn hơn vào cuối tháng này.

Binh sĩ Mỹ khiêng quan tài quân nhân thiệt mạng. Ảnh: Washington Post.

Binh sĩ Mỹ khiêng quan tài quân nhân thiệt mạng. Ảnh: Washington Post.

Theo đó, Mỹ sẽ rút quân khỏi quốc gia Tây Nam Á nếu lực lượng này chứng minh được cam kết về việc cắt giảm bạo lực trong 7 ngày vào cuối tháng này. Washington cũng sẽ đàm phán trực tiếp với thủ lĩnh Taliban và lãnh đạo Kabul về tương lai của Afghanistan. Cuộc chiến dai dẳng kéo dài gần 2 thập kỷ qua ở Afghanistan hiện đang ở giai đoạn hồi kết.

Ý nghĩa của thỏa thuận giảm bạo lực 7 ngày

“Thỏa thuận giảm bạo lực” trong vòng 7 ngày giữa Mỹ và lực lượng Taliban tại Afghanistan đạt được sau những cuộc thương lượng kéo dài giữa đại diện Chính phủ Mỹ và lực lượng Taliban ở thủ đô Doha, Qatar và được tiết lộ cùng ngày sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tại Munich, Đức.

Tuy nhiên, hiện cả chính phủ Afghanistan và Taliban chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin nêu trên. Đáng chú ý, Tổng thống Ghani từng nhiều lần bày tỏ hoài nghi trước đề xuất của Mỹ tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan với Taliban.

Theo giới quan sát, thỏa thuận được Mỹ và Taliban thảo luận bao gồm 4 vấn đề chính, đó là Taliban đảm bảo sẽ không để cho các nhóm khủng bố và thánh chiến sử dụng Afghanistan làm nơi ẩn náu nhằm tiến hành các vụ tấn công; các lực lượng của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dần dần rút quân ra khỏi Afghanistan và hoàn tất trong thời hạn 18 tháng; tiến hành đối thoại hòa bình giữa tất cả các bên ở Afghanistan và đạt được thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn.

Vẫn còn một chặng đường rất dài để tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn, cùng với đó là chấm dứt gần hai thập kỷ hiện diện quân sự của Mỹ và NATO tại Afghanistan, vốn bắt đầu không lâu sau cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 của al-Qaeda nhằm vào nước Mỹ. Đúng như nhận xét của cựu Đại sứ Mỹ tại Afghanistan và hiện là Giám đốc Học viện Ngoại giao Mỹ, ông Ronald Neumann, rằng “thỏa thuận giảm bạo lực” trong 7 ngày mới đạt được giữa Mỹ và Taliban chỉ là một bước thuận lợi trên chặng đường còn rất dài.

Thỏa thuận mới liệu có khả thi?

Tháng 9/2019i, Mỹ và Taliban đã gần như chuẩn bị thông báo thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm qua ở Afghanistan, song Tổng thống Mỹ bất ngờ tuyên bố hoãn tiến trình đàm phán với lý do Taliban gây bạo lực. Ba tháng sau đó, các cuộc đàm phán được nối lại ở Doha, Qatar, nhưng cũng đã bị gián đoạn sau vụ tấn công của Taliban gần căn cứ quân sự Bagram của Mỹ ở Afghanistan khiến hai công dân Mỹ thiệt mạng.

Như đã đề cập ở trên, thỏa thuận giảm bạo lực trong 7 ngày vẫn chưa chính thức có hiệu lực song hiện rất mong manh và có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào nếu lực lượng Taliban không tuân thủ các cam kết đã đưa ra.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Quốc tế Munich, Đức hôm 15/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, thừa nhận một thỏa thuận với Taliban, mà theo đó có thể dẫn đến việc rút các binh sỹ Mỹ khỏi Afghanistan “trông có vẻ rất hứa hẹn”, nhưng không phải không có rủi ro. Theo ông Esper, Chính quyền Tổng thống Trăm đã không đạt được một thời điểm chắc chắn là khi nào “thỏa thuận giảm bạo lực” kéo dài 7 ngày có thể bắt đầu.

Ông Esper nhấn mạnh, thỏa thuận này nhằm đo lường mức độ nghiêm túc của lực lượng Taliban. Ông Esper đồng thời nêu rõ, “thỏa thuận giảm bạo lực” nhằm chấm dứt các vụ tấn công trong 7 ngày, sau đó là ký kết thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban. Các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên ở Afghanistan cũng sẽ được bắt đầu ngay sau đó và Mỹ sẽ tiến hành rút các lực lượng khỏi Afghanistan theo giai đoạn trong vòng 18 tháng.

Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị, ông Esper nói rằng, nếu kế hoạch này thành công, có thể dẫn đến việc giảm số lượng binh sỹ Mỹ hiện đồn trú tại Afghanistan từ 12.000 xuống còn 8.600 quân theo thời gian. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đồng thời cho biết, quan điểm của cá nhân ông là phải tạo điều kiện cho hòa bình.

Trong khi đó, không ít nghị sỹ Mỹ tỏ ý cảnh giác về các cuộc đàm phán, ký kết thỏa thuận hòa bình với Taliban. Hạ nghị sỹ William Thornberry, thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa tại Ủy ban Quân lực Hạ viện bày tỏ nghi ngờ về điều khoản liên quan tới các cuộc đàm phán hòa bình giữa các phe phái Afghanistan sẽ được thực hiện như thế nào.

Ảnh hưởng tới cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ 2 của ông Trump

Nếu “thỏa thuận giảm bạo lực” trong 7 ngày được Taliban tuân thủ nghiêm ngặt, sẽ mở đường cho việc ký kết thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban, sớm nhất là vào ngày 29/2 tới, cùng với đó là việc bắt đầu rút binh sỹ Mỹ và NATO ra khỏi chiến trường Afghanistan. Đây là một mục tiêu quan trọng trong cam kết chấm dứt “những cuộc chiến vô hạn định” của Mỹ ở nước ngoài mà ông Donald Trump đã đưa ra từ chiến dịch vận động tranh cử tổng thống nhiệm kỳ trước và cũng là một phần cam kết trong chiến dịch vận động tái đắc cử vốn đang bước vào giai đoạn nước rút.

Trong Thông điệp Liên bang đọc trước lưỡng viện Quốc hội hôm mùng 4/2 vừa qua, Tổng thống Donald Trump nói rằng ông không muốn khiến hàng trăm nghìn người ở Afghanistan thiệt mạng, mà nhiều người trong số họ vô tội.

Ông Donald Trump một lần nữa khẳng định nước Mỹ không có nhiệm vụ “làm cảnh sát quốc tế” cho các nước khác; chính quyền của ông đang nỗ lực để kết thúc cuộc chiến dài nhất lịch sử nước Mỹ và đưa các binh sỹ trở về nhà.

Theo số liệu thống kê mới nhất, sau 18 năm vào Afghanistan, nước Mỹ đã phải hứng chịu những tổn thất nặng nề với khoảng 2.400 quân nhân thiệt mạng và hơn 20.300 người bị thương. Quốc hội Mỹ cũng đã phải chuẩn chi xấp xỉ 137 tỷ USD cho việc tái thiết quốc gia Trung Nam Á này. Về phía Afghanistan, tính từ tháng 1/2009, thời điểm Liên Hợp Quốc bắt đầu thống kê về thương vong dân sự, đến nay đã có hơn 34.000 thường dân Afghanistan bị giết hại trong cuộc xung đột vũ trang này.

Nếu lần này Chính quyền Tổng thống Donald Trump sớm đạt được một thỏa thuận hòa bình với lực lượng Taliban ở Afghanistan và với điều kiện thỏa thuận đó được tôn trọng, sẽ có tác động đáng kể đến sự cân nhắc của lực lượng cử tri trung lập và những cử tri chưa quyết định dành lá phiếu cho ai trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11/2020./.

Phạm Huân/VOV-Washington

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/mytaliban-thoa-thuan-giam-bao-luc-afghanistan-sap-het-chien-tranh-1011441.vov