Mỹ tại Địa Trung Hải chuẩn bị săn các tàu dầu Nga

Người Mỹ đã cắt đứt được nguồn tiếp dầu của Iran cho Quân đội Syria đang chiến đấu. Sắp tới sẽ đến lượt Nga.

Xin giới thiệu với bạn đọc một cách nhìn khác về những vụ bắt giữ tàu chở dầu Iran của chuyên gia quân sự Nga, Đại tá hải quân Xergey Ishenko . Bài đăng trên ‘Svobod naia Pressa” ngày 11/7/2019.

Tàu chở dầu Iran cho Syria bị bắt giữ ở eo biển Gibraltar (Ảnh: AP/TASS)

Tàu chở dầu Iran cho Syria bị bắt giữ ở eo biển Gibraltar (Ảnh: AP/TASS)

Ngày hôm qua, thứ Tư (bài viết ngày 11/7-ND), 5 chiếc xuồng cao tốc thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã tìm cách bắt giữ chiếc tàu chở dầu British Heritage của Anh trên vùng biển Vịnh Ba Tư.

Theo các thông tin của CNN, khi chiếc tàu chở dầu của Anh này rời khỏi Vịnh Ba Tư và đi vào khu vực eo biển Hormuz, các xuồng Iran đã tiếp cận nó và yêu cầu đổi hướng đi.

Chuyên gia quân sự, Đại tá hải quân Xergey Ishenko

Đáp lại, khinh hạm HMS Montrose của Hải quân Hoàng gia đi kèm bảo vệ tàu chở dầu đã chĩa pháo vào các xuống của IRGC và kêu gọi họ rút lui.

Đáng chú ý là sự cố này xảy ra chỉ một tuần sau khi người Anh bắt giữ một tàu chở dầu Iran ở eo biển Gibraltar khi tàu này đang trên hành trình đến Syria. Có vẻ như người Ba Tư (Iran) muốn tìm cách gì đó để đáp trả, nhưng vấp phải những khẩu pháo đã tháo bạt của tàu chiến Anh ...

Rất nhiều khả năng cuộc chiến kéo dài nhiều năm qua tại Syria đang đứng trước nguy cơ sẽ có thêm một đặc điểm nữa rất nguy hiểm.

Các đồng minh Phương Tây trong cuộc chiến tranh chống Bashar Assad đang chuyển sang áp dụng một chiến lược hoàn toàn mới. (đó là) Các xe chiến đấu Quân đội Syria đang tham chiến chống lại lực lượng phiến quân ở phía Bắc nước này trong vài tháng tới sẽ phải ngừng hoạt động vì thiếu nhiên liệu.

Theo quan điểm của Mỹ và các đồng minh, để làm được điều này (làm cho các phương tiện cơ giới của Asad không thể hoạt động-ND), cần phải cắt đứt càng sớm càng tốt các tuyến cung cấp dầu và các sản phẩm dầu cho đất nước này (Syria).

Trên thực tế, chỉ còn lại hai tuyến (cung cấp dầu và các sản phẩm từ dầu) như vậy cho Syria: từ Iran và từ Nga. Và vụ Đặc nhiệm Anh bắt giữ siêu tàu chở dầu Grace 1mang cờ Panama đang chở dầu thô cho Syria ngày 4/7/2019 trên eo biển Gibraltar, chỉ là bước đi đầu tiên trên con đường rất nhiều rủi ro này.

Không chỉ thế. Không loại trừ khả năng là người Mỹ cũng sẽ sớm làm điều tương tự với những tàu chở dầu của LB Nga đang “tấp nập” đi qua các eo Biển Đen chở dầu, xăng và nhiên liệu diesel từ cảng Novorossiysk (trên Biển Đen) của chúng ta đến quốc gia Syria đang đánh nhau.

Trong số đó (dầu, nhiên liệu....) – có cả phần nhiên liệu cung cấp cho cụm không quân của chúng ta đóng quân tại căn cứ quân sự Nga ở Khmeimim và binh đoàn chiến dịch thường trực của Hải quân Nga ở Tartus. Bởi vì Lầu năm góc tin tưởng chắc chắn rằng: một phần đáng kể trong số nhiên liệu được vận chuyển từ Nga đến Syria sẽ được chuyển giao đến tay các chiến binh của Assad.

Hãy tin chắc rằng: nếu như các tàu thuộc Hạm đội 6 Hải quân Mỹ, hoặc (cùng) các tàu của đồng minh Mỹ mạo hiểm tấn công bắt giữ dù chỉ một tàu chở dầu Nga trên Biển Địa TrungHải, thì trên biển này sẽ có rất nhiều chuyện không thể lường trước xảy ra.

Đấy cũng là cách hình dung diễn biến sự kiện được mô tả trong một bài báo mới được tờ Bloomberg Mỹ đăng tải của chuyên gia Julian Lee- một nhà phân tích cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Toàn cầu của Hoa Kỳ.

Cụ thể, ông viết: “ Chính phủ Syria có hai người bạn lớn khai thác dầu là Iran và Nga. Vì các tuyến vận chuyển dầu của (người bạn thứ nhất- Iran-ND) cho Syria rõ ràng đã bị khóa chặt, vậy nên có thể, (Syria) buộc phải “cậy nhờ” người bạn thứ hai (Nga).

Sẽ xuất hiện một loạt các rủi ro tiềm năng mới. Bắt giữ một con tàu Iran ở eo biển Gibraltar – đấy là một chuyện. Nhưng chặn bắt một tàu (chở dầu) Nga trên biển Aegean – lại là một chuyện hoàn toàn khác”.

Xét tổng thể (vẫn theo Bloomberg) thì nếu xét từ góc độ logistics, tình trạng các kênh để (Damascus) tiếp nhận nhiên liệu từ thị trường nước ngoài hiện nay như sau: kênh (tuyến) trên đất liền- đã bị cắt đứt hoàn toàn. Và ở đây, Julian Lee đã viết cụ thể về vấn đề này như sau:

“Các đồng minh của Mỹ kiểm soát phần lớn những khu vực lãnh thổ khai thác dầu mỏ tại Syria, trong khi đó thì các lực lượng Mỹ đang chốt chặt mọi tuyến đường từ Iraq sang Syria- những tuyến có thể được sử dụng để vận chuyển các sản phẩm của Iran (cho Syria qua lãnh thổ Iraq-ND).

Người Syria cũng không nhận được một tấn nhiên liệu nào qua các đường ống hiện có trong khu vực.

Chủ sở hữu của đường ống SUMED đi qua đất Ai Cập và kết nối Biển Đỏ với biển Địa Trung Hải từ chối cung cấp nhiên liệu cho chế độ Assad vì phải tuân thủ các lệnh trừng phạt. Dĩ nhiên, Assad cũng không thể trông chờ gì ở tuyến đường ống Eilat-Ashkelon chạy qua lãnh thổ Israel (và chạy song song với tuyến đường ống SUMED).

Vậy đối với Assad, chỉ còn có một “con đường sống” duy nhất - vận tải (nhiên liệu) bằng đường biển. Từ nhà cung cấp chính cho đất nước này - Iran (đến Syria) – thì tuyến đường ngắn nhất là tuyến chạy quanh Bán đảo Ả Rập,qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez. Tổng cộng chỉ khoảng 4.100 dặm.

Và đấy là tuyến đường ngắn hợp lý hoàn toàn có thể chấp nhận được đối với cả Tehran lẫn Damascus. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018, trung bình mỗi ngày đã có khoảng 50.000 thùng dầu từ Ba Tư đến Syria đi theo tuyến đường này và như đã biết- không phải vô cớ mà dầu mỏ được cả toàn thế giới mệnh danh là “máu” của bất kỳ một cuộc chiến tranh nào.

Để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu không bị gián đoạn, Assad thậm chí đã phải nhường cho Iran quyền sử dụng và quản lý thực tế cảng Baniyas quan trọng nhất của mình trên Biển Địa Trung Hải- xin lưu ý, cảng này có vị trí nằm chính giữa quãng đường ven biển từ căn cứ quân sự Khmeimim đến căn cứ quân sự Tartus đều của Nga trên lãnh thổ Syria.

Nhưng nói chung, cảng Baniyas được người Ba Tư quan tâm không chỉ bởi vì tại đây có nhà máy lọc dầu lớn. Từ trước đây rất lâu, người Iran đã có ý định triển khai tại thành phố này một căn cứ riêng cho Hải quân Iran. Tức căn cứ hải quân của Iran đầu tiên trên biển Địa Trung Hải. Để cùng với những tàu chiến và máy bay Nga đóng quân tại 2 căn cứ gần đó gần đó tạo một sức mạnh tên lửa đối trọng mạnh với Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ.

Đương nhiên, người Mỹ không có ý định bó gối ngồi nhìn tất cả những gì đang diễn ra. Đầu tiên là tất cả những tàu nào được xác định là chở dầu cho Syria qua Kênh đào Suez đều bị liệt vào danh sách cấm vận của Cục Kiểm soát Tài sản Nước ngoài Bộ Tài chính Mỹ.

Hậu quả- vào tháng 11 năm ngoái, siêu tàu chở dầu Suezmax Sea Shark của Iran chở đầy ắp dầu đi theo tuyến thường lệ qua Biển Đỏ đến cảng Baniyas xin cấp phép qua kênh đào Suez để đến Địa Trung Hải. Tuy nhiên, nhưng người Ai Cập ngoan ngoãn theo lệnh Phương Tây đã từ chối không cho tàu đi qua kênh đào Suez.

Tiếp theo (vẫn theo Bloomberg), siêu tàu chở dầu này phải thả neo và đứng chết gí ven bờ biển Ai Cập không ít hơn cũng không nhiều hơn- đúng 5 tháng trời. Vào tháng 4/2019, nó lại một lần nữa cố xin phép qua kênh, nhưng cũng lại bị Cairo từ chối không thương tiếc.

Và như vậy, chỉ khoảng vài tháng trước, “con đường sống” vận chuyển xăng dầu đáng tin cậy trước đây của Assad đã trở thành “con đường chết”. Và điều đó chắc chắn đã có những tác động bi thảm nhất đối với kết quả hoạt động của Bộ đội Syria tại Idlib trong các trận chiến chống lại những lực lượng còn sót lại của nhóm Hồi giáo cực đoan.

(Trong hoàn cảnh như vậy) Damascus và Tehran còn biết làm gì? Buộc phải chở dầu đi theo một hải trình mới vòng quanh châu Phi mặc dù làm như vậy là vô cùng bất lợi nếu xét từ góc độ kinh tế. Bởi vì quãng đường từ Vịnh Ba Tư đi vòng qua Châu Phi để đến được Syria – 14. 500 dặm. Trong khi đó, tuyến qua Kênh đào Suez- chỉ 4.100 dặm. Nói cách khác - tuyến đường dài hơn gấp ba lần.

Nhưng những đồng minh (Iran- Syria) “không còn con đường” nào khác.

Và đây, siêu tàu chở dầu Grace 1- tàu lần đầu tiên khởi hành đi theo tuyến xa xôi này từ đầu mùa hè, đã bị Đặc nhiệm Anh bắt giữ tại Gibraltar ngày 4/7 vừa qua. Có thể thấy được tầm quan trọng của chiến dịch (bắt giữ) này đối với London và Washington qua việc tàu trinh sát “HMS Echo” của Hải quân Hoàng gia Anh đã bám tàu chở dầu Grace 1 từ rất lâu trước khi tàu này đi vào eo biển Gibraltar.

Và ở đây, ngay trên cửa eo biển nối Đại Tây Dương vả Biển Địa Trung Hải, một chiếc máy bay lên thẳng chở lính thủy đánh bộ Anh thiện chiến trang bị đến tận răng đã đổ bộ và kiểm soát chiếc tàu Grace 1 đặc sệt dân sự này. Và thay vì đích đến là cảng Baniyas Syria, Grace 1sẽ bị tàu Anh áp giải đến “các quy trình tố tụng của các tòa án Châu Âu”.

Tiếp theo là những tiếng hô tán thưởng (động thái trên của Đặc nhiệm Anh) chính thức từ phía Washington. Và sự nổi giận điên cuồng ở Teheran. Iran đe dọa sẽ đáp trả bằng sức mạnh của vũ khí và sẽ bắt giữ tàu Anh ở một nơi nào đó trên đại dương.

London có thái độ cực kỳ nghiêm túc trước những lời đe dọa như vậy. Từ thời điểm đó trở đi, các tàu chở dầu của Anh đi lại trên Vịnh Ba Tư được Hải quân Hoàng gia điều các tàu khu trục và khinh hạm đi cùng để bảo vệ.

Nói hết sức ngắn gọn- tình hình đang thay đổi rất nhanh chóng. Nhưng điểm mấu chốt hiện vẫn chỉ nằm ở chỗ– cái thòng lọng nhiên liệu quanh cổ Assad và Quân đội của ông ta đang ngày càng siết chặt hơn. Damascus sẽ phải làm gì một khi không có dầu Iran?

Có vẻ như, cung cấp (dầu) từ Nga là lối thoát thực sự và duy nhất còn lại. Không nhất thiết cứ là phải công khai cung cấp cho chính Chính phủ Syria, để tránh không phải “chọc giận” Phương Tây.

Hoàn toàn có thể sư dụng phương án khác- dưới vỏ bọc hỗ trợ hậu cần cho các căn cứ quân sự của chúng ta ở Khmeimim và Tartus. Làm thế nào có thể kiểm tra xá định nổi các xe tải chở nhiên liệu và các xi téc chở xăng đi bằng đường sắt xem chúng có nguồn gốc từ đâu và đích đến là đâu ?

Một điều hoàn toàn tự nhiên là các khả năng như vậy người Mỹ cũng thừa biết và ít nhất họ cũng đang bàn luận các phương án đối phó.

Và khi đó, họ cũng phải tính toán mức độ rủi ro khi cố gắng ngăn chặn các tàu chở dầu của Nga đi đến biển Địa Trung Hải từ cảng Novorossiysk của Nga. Liệu có thể “cư xử” với một trong số đó (các tàu chở dầu Nga) như đã hành xử với tàu Grace 1 của Iran hay không?

Tôi (Xergey Ishenko) sẽ không dám ngay lập tức bác bỏ một khả năng như vậy. Như đã biết, 7 năm trước đây, ngày 19/6/2012, cũng chính những người Anh nói trên đã bắt giữ tàu chở hàng khô “Alaid” xuất phát từ cảng Kaliningrad và đang trên đường đến Syria.

Cái cớ viện ra để bắt giữ là thông tin của các cơ quan đặc biệt Anh (Tình báo Anh) cho rằng con tàu này đang chở các máy bay lên thẳng Mi-25 mới được sửa chữa xong tại Nga cho Quân đội Bashar al-Assad.

Các đối thủ của chúng ta ở Phương Tây đã hành động một cách hết sức đơn giản, nhưng lại cực kỳ hoàn hảo nếu xét từ góc độ mặt pháp lý: Công ty bảo hiểm “Standard Club” đã nghĩ ra một cái cớ và từ chối không tiếp tục bảo hiểm cho chiếc tàu (Nga) khiến nó không thể nào cập các cảng cảng quốc tế (vì như vậy là bất hợp pháp).

Và chiếc tàu “Alaid” tội nghiệp của chúng ta bằng cách đó đã buộc phải ngậm ngùi quay trở lại Murmansk (Nga) không kèn không trống.

Nói thực ra, để có thể tin một cách chắc chắn rằng Matxcova ngay từ khi triển khai chiến dịch quân sự tại Syria, đã không một ngày nào không tinh đến khả năng các tàu Nga bị các tàu chiến NATO bắt giữ, chỉ cần nhớ lại một số chi tiết liên quan đến việc thành lập “đoàn tàu tốc hành Syria “ nổi tiếng là hiểu ngay.

Vào năm 2015 và sau đó một thời gian, thành phần chủ chốt của “đoàn tàu tốc hành Syria” là các tàu đổ bộ cỡ lớn của Hải quân Nga được huy động từ tất cả các hạm đội và điều đến Trung Đông.

Tại sao lại là tất cả (tàu đổ bộ cỡ lớn)? Tại vì trong thời bình, việc dùng vũ khí bắt giữ một tàu chiến bằng một tàu chiến khác đồng nghĩa với một lời tuyên chiến. Trong khi đó việc bắt giữ bằng vũ lực một tàu dân sự vì (tàu này) đã vi phạm điều khoản pháp luật này nọ- đó là một thông lệ quốc tế. Kể cả vì vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế - cũng có thể bắt giữ.

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy, giới lãnh đạo của chúng ta đã tìm ra lối thoát nào để cho “đoàn tàu tốc hành Syria” của chúng ta hoạt động trơn tru? Đã mua ngay và khẩn cấp sửa chữa các tàu chở hàng khô của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị rỉ sét và một chiếc tàu cũ gần nát của Ukraine (tàu “Georg Georgiy Agafonov”).

Và cũng ngay lập tức chúng được đặt các tên “thuần Nga” như “Dvinhitsa-50”, “Kyzyl-60”, “Vologda-50”, “Kazan-60” và v.v. Nhưng điều quan trọng nhất- tàu nào cũng thượng Cờ Andreevski (Cờ Hải quân Nga) của đội tàu bảo đảm hậu cần Hải quân Nga.

Mặc dù trên các tàu đó không có vũ khí và thủy thủ đoàn toàn các nhân viên dân sự, (việc treo Cờ Hải quân Nga) đã làm cho các tàu này “trở thành một bộ phận cấu thành ” của Hải quân Nga. Và đảm bảo cho các tàu này thoải mái ra vào các cảng Syria.

Và hôm nay- chúng ta đang nói cụ thể về vấn đề cung cấp dầu và các sản phẩm từ dầu từ Nga sang Syria- tuyệt đối rõ ràng rằng Hạm đội 6 của Hoa Kỳ “có cho ăn kẹo” (nguyên văn) cũng sẽ không bao giờ dám chặn các tàu chở dầu của Hạm đội Biển Đen – đó là các tàu “Ivan Bubnov”, “Imam”, “Don” và các tàu khác.

Tuy nhiên, không phải tất cả trong số đó (các tàu chở dầu trên đều có khả năng hoạt động). Những tàu còn lại có thể sẽ không đủ để đảm bảo cho một cuộc chiến kéo dài tại Syria. Vậy thì buộc phải huy động các thủy thủ (và tàu) dân sự. Và chính họ (những tàu dân sự và thủy thủ các tàu dân sự) chính là các đối tượng mà người Mỹ có thể "phanh" lại khi ra khỏi eo biển Dardanelles.

Trong trường hợp này, những “trải nghiệm” của "Chuyến tàu tốc hành Syria” có thể sẽ cực kỳ hữu ích đối với chúng ta. Bộ Quốc phòng (Nga) buộc phải khẩn cấp mua một số tàu chở dầu từ các công ty vận tải đường biển thông thường. Cả của chúng ta và cả của nước ngoài. Và khẩn trương treo cờ Andreevski trên cột cờ các tàu đó. Như những lá bùa hộ mệnh trừ tất cả các loại nghịch cảnh có thể xảy ra trên hải trình đến Syria.

Ngay trước mắt chúng ta, chiếc thòng lọng nhiên liệu mà Mỹ tròng vào cổ Assad đang được siết chặt, và vì thế mà theo tôi, chúng ta không được phép chậm chễ trong việc mua những chiếc tàu như vậy.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-tai-dia-trung-hai-chuan-bi-san-cac-tau-dau-nga-3383648/